Nhà thiết kế thiên tài người Anh Alexander McQueen được cả thế giới ngưỡng mộ bởi những kiệt tác dường như không có giới hạn về sự sáng tạo, dẫn dắt người xem vào một thế giới siêu tưởng hay mê cung huyền bí với nhiều cung bậc cảm xúc khó tả.
Ngay từ nhỏ, McQueen đã bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực thời trang khi may váy cho ba chị gái. Rõ ràng, việc một bé trai 5-6 tuổi mê mẩn đồ ren, đăng-ten của mẹ thì không phải là điều thường thấy. Định hướng nghề nghiệp từ sớm, sau khi lấy bằng cấp cơ bản về nghệ thuật vào năm 16 tuổi, McQueen theo học nghề với hai thợ may trên phố Saville Row (con phố nổi tiếng chuyên nghề may đo ở London), rồi làm việc cho Gieves & Hawkes (một trong những công ty may đo có lịch sử lâu đời nhất thế giới) và nhà cung cấp phục trang sân khấu Angels and Bermans.
Những kỹ năng tuyệt vời mà McQueen thể hiện trong giai đoạn làm việc ở Saville Row giúp ông nổi tiếng trong giới thời trang với việc tạo ra những bộ trang phục được miêu tả là "hoàn hảo đến từng chi tiết". Thậm chí, trong số những khách hàng của ông có cả lãnh đạo Liên bang Xô Viết cũ Mikhail Gorbachev và Thái tử Charles của Hoàng gia Anh.
Ở tuổi 20, McQueen làm việc cho nhà tạo mẫu Nhật Bản Koji Tatsuno một thời gian trước khi chuyển đến Milan và hợp tác với Romeo Gigli. Năm 1994, ông trở lại London, xin vào vị trí trợ giảng môn cắt mẫu ở trường Nghệ thuật và Thiết kế Central Saint Martins. Sau những thành tích đáng kinh ngạc tạo ra cho cả khóa học đó, ông hoàn tất bằng thạc sĩ cho chương trình Thiết kế thời trang. Bộ sưu tập tốt nghiệp của ông được stylist uy tín Isabella Blow mua lại với giá cao, đồng thời trả hoa hồng đều đặn. Isabella cũng chính là người đã thuyết phục Lee McQueen đổi sang dùng tên đệm Alexander khi ông bắt đầu sự nghiệp thời trang ngay sau đó.
Năm 1996, chủ tịch tập đoàn thời trang cao cấp LVMH, Bernard Arnault, mời McQueen làm nhà thiết kế chính của thương hiệu Givenchy, kế nhiệm vị trí của John Galliano. Dù khi làm việc ở Givenchy, ông đã tạo được nhiều tiếng vang lớn, ghi dấu ấn trong lòng giới mộ điệu thời trang nhưng McQueen đã chấm dứt hợp đồng vào tháng 3/2001 với lý do là sự ràng buộc đã "hạn chế tính sáng tạo".
Năm 2005, McQueen cộng tác với hãng thời trang thể thao Puma để cho ra đời một dòng giày thể thao đặc biệt. Đến cuối 2007, ông đã có cửa hàng của riêng mình ở London, New York, Los Angeles, Milan và Las Vegas. Nhiều ngôi sao nổi tiếng như Nicole Kidman, Sarah Jessica Parker, Rihanna... và cả "nữ hoàng nhạc pop" Nhật Bản Ayumi Hamasaki cũng thường xuyên diện trang phục của McQueen trong các sự kiện hay quay video ca nhạc.
Trong sự nghiệp thiết kế huy hoàng của mình, Alexander McQueen không bao giờ bị trùng lặp ý tưởng và có thể thỏa mãn được mọi gu thời trang, từ "quái tính" tới thanh lịch, sang trọng, nhưng tất cả đều có một điểm chung là mang nét phá cách ấn tượng đến khó tin. Ông đã trở thành một trong những nhà thiết kế trẻ nhất đạt được danh hiệu "Nhà thiết kế của năm" ở Anh. McQueen giành giải thưởng danh giá này bốn lần trong vòng bảy năm, từ 1996 đến 2003. Ông cũng giành được Huân chương Đế chế Anh và danh hiệu "Nhà thiết kế quốc tế của năm" do Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ (CFDA - Council of Fashion Designers of America) trao tặng (2003).
Tháng 2/2010, giới thời trang rúng động khi biết tin McQueen treo cổ tự vẫn ở nhà riêng. Ông qua đời ở tuổi 41, khi mà con đường vinh quang vẫn đang thênh thang phía trước. Sự ra đi đột ngột của nhà thiết kế thiên tài là một tổn thất to lớn đối với ngành thời trang thế giới cũng như giới mộ điệu thời trang. Victoria Beckham đau xót tâm sự: "Thế giới đã mất đi một tài năng lớn. Tất cả những gì Alexander McQueen chạm vào đều trở nên đẹp đẽ hơn. Chúng tôi sẽ nhớ anh ấy rất nhiều!". Siêu mẫu Kate Moss cũng bày tỏ: "Tôi quá sốc và đau đớn trước thông tin này, tôi xin chia buồn với gia đình McQueen".
Tại thánh đường Paul ở thủ đô London, nhiều nhà thiết kế, người mẫu cùng các ngôi sao thời trang khác đã đến dự lễ truy điệu trọng thể của Alexander McQueen và tỏ lòng tôn kính đối với nhà thiết kế tài hoa bạc mệnh này. Nữ diễn viên Sarah Jessica Parker, siêu mẫu Kate Moss, Naomi Campbell, tổng biên tập tạp chí danh tiếng Vogue Anna Wintour... tạm ngừng mọi lịch trình liên quan tới Tuần lễ thời trang London để đến thánh đường linh thiêng viếng nhà thiết kế thời trang mà họ rất mực quý trọng.
Ba tháng sau cái chết đột ngột của Alexander McQueen, nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Cate Blanchett gây bất ngờ khi xuất hiện trên thảm đỏ buổi công chiếu phim Robin Hood thuộc lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes 2010 trong sáng tạo cuối cùng của nhà thiết kế lừng danh. McQueen đã chọn một bộ đầm đặc biệt cho Cate, có ba tông màu chủ đạo đen - trắng - bạc với thiết kế cùng hình thêu mang vẻ đẹp đầy kiêu hãnh và quyền lực. Nữ diễn viên cho biết cô rất thích kiệt tác này bởi nó có kiểu dáng nữ tính nhưng cũng đầy mạnh mẽ, chính là tính cách vai diễn của Cate Blanchett trong phim Robin Hood.
Nhắc đến nhà thiết kế thiên tài, Chủ tịch Hội đồng thời trang Anh quốc Harold Tillman phát biểu: "Những tác động tích cực của Alexander McQueen tới London cũng như nền công nghiệp thời trang quốc tế quả thực là phi thường. Tôi khẳng định rằng London, thành phố quê hương anh, sẽ tiếp tục lớn mạnh với vai trò một trung tâm thời trang toàn cầu như một cách để tỏ lòng tôn kính tới người đàn ông vĩ đại này".
Lee Alexander McQueen là con út trong gia đình có 6 anh chị em, bố là một tài xế taxi và mẹ là giáo viên môn khoa học xã hội. McQueen là một người đồng tính và từng thổ lộ rằng ông đã nhận ra khuynh hướng giới tính từ năm 6 tuổi. Mùa hè năm 2000, McQueen tổ chức hôn lễ không chính thức với nhà làm phim tài liệu 24 tuổi George Forsyth trên một chiếc du thuyền ngoài khơi Ibiza. Hai người chia tay sau đó vài năm. |
>> Các sao diện trang phục McQueen với style đa dạng
Giang Myt