![]() |
Những bình rượu quý thế này có giá bạc triệu. |
Trên con đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) đoạn giáp thị xã Hà Đông (Hà Tây), ban ngày đây là phố lẫn chợ. Đêm, con đường ấy vẫn trong trạng thái lúc nào cũng muốn tắc. Nhưng một đoạn có những người như quên hẳn sự đời. Sôi nổi, rủ rỉ tâm tình, thề thốt... Đó là dãy bán quán đồ ăn đêm, xưa chỉ độc một mặt hàng rượu ốc, nay những quán bán đồ ăn như phở, bún ngan nổi hơn, bên cạnh chồng bát luôn có một chai rượu "hiên ngang". Đây là chỗ nhậu bình dân. Bát bún ngan 5000 đồng, chân gà 2000 đồng, chén rượu trắng 500 đồng, thích thì cũng có một chút màu gọi là rượu thuốc. Nhấp môi thấy sặc mùi cồn nhưng bàn cạnh, ba chàng chưa đến đôi mươi đã chỏng gọng ba vỏ chai dưới đất. Một cơn mưa rào ập xuống, chủ quán tất tả che bạt. Gió hắt, từng chén nhỏ vẫn được giơ lên: "Zô", Bắc Kạn", "100%"... Sinh viên đấy!
Tại "phố xỉn" cuối đường Nguyễn Trãi, thực khách tích cực nhất cũng là sinh viên (khu vực này tập trung nhiều trường đại học lớn). Sinh viên xa nhà, buồn, tình yêu đơn phương, khổ... - đó là những câu chuyện phổ biến đầy tâm trạng mà chúng tôi thu thập được sau hơn một tuần ngồi "phố xỉn". Rồi sinh nhật, gần 12h đêm, vẫn có sinh viên loạng choạng ra mua rượu đem về để... hết mình. Ấy là chưa kể đến những hội tri kỷ bất chợt họp nhau. "Trượt, xả đen", "Khao học bổng",... Lý do nào cũng "nóng bỏng" tâm sự, không thể xâm phạm. Đến nỗi có bác xe ôm đói dạ thấy mấy cháu oang oang, liền góp ý nhưng không lui nhanh có thể bị ăn chai vào đầu.
Cuối đoạn đường này, khi không bị truy quét, vẫn có những cô gái quá "đát" dạt về đứng đợi khách đến hơn 12h đêm. Nhiều cậu sinh viên sẵn hơi men tạt vào. Đương nhiên, có chàng đã bị công an đến tận trường xác minh. Đêm 31/5/2004, khoảng 10h đêm, đã diễn ra cảnh một nhóm thanh niên nhặng xị đến truy tìm một cô gái. Ra là đêm trước, một chàng trong số này đã "đi" với một cô cave, lúc "xong việc" mới biết số tiền vừa ra bưu điện lĩnh từ nhà gửi lên đã không cánh mà bay.
Đến khu phố "xỉn" sinh viên, vào một quán cà phê có chiếu video, sinh viên, dân lao động ngồi xen tràn ra đường, câu hay được gọi nhất cũng là "Cho ly (rượu) Anh Đào", "Một chén vang Thăng Long, thêm lát chanh nhé"...
Quán rượu đang hiện diện khắp nơi ở Hà Nội nhưng có "chất" nhất là ở khu phố cổ. Lưu Linh tửu quán phố Ngô Tất Tố có món thịt gà chọi, Quê Mình quán và dãy quán lẩu trên phố Phùng Hưng có món chân ếch và lẩu thập cẩm... Nhưng nơi bán rượu chuyên nghiệp nhất là ngõ Tạm Thương. Nằm sát phố Hàng Gai sôi động, đến cái ngõ cỡ rộng 2m này vào thứ bảy, Chủ nhật dễ tưởng đây là bãi nhậu chứ không có ngõ. Trai gái ngồi tràn ra đường, chàng làm chén rượu bổ, nàng ngồi nhấm nháp hoa quả, "châm tửu". Ngõ Tạm Thương rượu nhạt dễ uống, có đặc sản nem rán. Rượu rắn, tắc kè, cá ngựa, sâu chít, giá rất bình dân: 15.000 đồng/nửa lít, 2000 đồng/chén. Rượu sâm, rượu ong 45.000đồng/lít. Hỏi nước thứ mấy rồi, ông chủ thẳng thắn: "Thứ hai chứ thứ mấy. "Nhưng phải ngâm đủ bảy ngày, có loại ngâm 49 ngày mới bán".
Bình dân nên 11-12h đêm, ngõ Tạm Thương vẫn sáng đèn. Tới đây, phóng viên Thế Giới Mới được thọ giáo ông An - một "đại gia" buôn rượu. Ông giải thích: "Chú có vợ chưa? Rồi hả. Uống anh hùng tửu đi. Thành phần của nó: sơn thù 15g, cẩu tích 15g, đương quy 15g, kỷ tử 15g, thỏ ty tử 15g, nhân sâm 15g, mạch môn 15g, tắc kè 1 đôi, rượu trắng 2 lít. Đây là loại rượu thuốc bổ dương cường tinh được lưu truyền lâu đời. Nhân sâm đại bổ nguyên khí; đương quy, kỷ tử bổ huyết; mạch môn bổ âm; sơn thù, cẩu tích, thỏ ty tử và tắc kè bổ thận dương. Tám vị phối hợp vừa bổ khí huyết vừa bổ âm dương nên "trị" được 9 chứng xấu của cánh mày râu, ấy là: dương đạo suy yếu, yếu đuối không phấn chấn được, phấn chấn được mà không đủ, đủ mà không thực, thực mà không cứng, cứng mà không tuân theo, tuân theo mà không được lâu, lâu mà không có tinh, có tinh mà không có con!". Nghe lời giới thiệu vừa "bác học" lại ngọt như mía lùi của ông An, rất nhiều anh chàng đến đây nhăn nhó nhưng cố làm vài ba ngụm rồi mới lên đường "đi chiến dịch". Rồi ông nói đến Trường sinh bất lão tửu: "theo kinh nghiệm của cổ nhân đây là loại rượu có tác dụng vạn năng"!?
Ông An mở nắp một bình cỡ "tầm tầm", nuốt nước miếng, thò ngón tay xuống, quệt nhanh một cái đưa lên miệng mút chẹp chẹp: "Bình này 150 triệu". Chỉ tay cái nhỏ hơn, nói gọn: "Bình ngũ xà (đủ năm loại rắn, mỗi con to bằng cả bắp chân) lấy rẻ chú 80 triệu, đảm bảo nước một". Chẳng biết công dụng thật thế nào nhưng ông An bảo: "Giờ các sếp biếu nhau cái này nhiều lắm". Đương nhiên, ông vớ bẫm. Chỉ hàng loạt những món rượu từ nhập khẩu mãi Myanmar, Lào, Trung Quốc, ông An thì thầm: còn hàng độc hơn nữa đấy, chú có "máu", đặt tiền trước tôi tìm cho. Tưởng lại rượu ngâm một con gì nữa nhưng ông An ra chiều bí hiểm bật mí: "Không, nhau thai để đại bổ thận khí và độc hơn cả là rượu tươi, ấy là những chiếc thai bị tẩy, chưa thành hình nhưng lại bổ khủng khiếp"! Nếu quả thật có cả loại rượu này thì thật đáng sợ.
Tựu trung, dân "tầm" rượu bây giờ đang chạy miết theo chữ "bổ". Đến nhà hàng Hải Xồm nổi tiếng, nơi bán các loại rượu Tây Môn Khánh tửu, Lao Ái tửu, Tên lửa tửu, nhân viên phục vụ cười khì giải thích rất giản đơn: "Tên nào của ấy, chú muốn "siêu" như Tây Môn Khánh, muốn cái ấy khỏe như tên lửa hay muốn hừng hực khí thế Lao Ái thì chọn, đảm bảo đêm sau chú lại muốn đến uống tiếp".
Chất lượng rượu ở Hà Nội hiện chỉ có trời biết, đất biết và... người buôn biết. "Bổ" thế nào không biết nhưng báo cáo của các bệnh viện lại rất đáng suy ngẫm: thời điểm hay phải cấp cứu những ca tai nạn nặng nhất là vào cỡ 6-8h tối, đặc biệt là ngày nghỉ, ứng đúng vào lúc dân nhậu ngật ngưỡng từ quán về nhà!