Thời Pháp, phố có tên gọi: Géraud. Géraud không dài, chừng khoảng trên dưới 200 m, nhưng có sức hút kỳ lạ với khách nước ngoài, đặc biệt là với những dân Tây bình dân mà ta vẫn quen gọi là Tây ba lô.
Khách Tây đến với Hà Nội, điểm đặt chân đầu tiên được chọn là phố Tạ Hiện. Và sau những ngày thăm thú, tận hưởng, phố cũng là điểm nghỉ sau cùng trước lúc ra sân bay. Khách nước ngoài đến tụ nhiều ở đây vì phố Tạ Hiện là đất du lịch và sinh sống bằng nghề du lịch, thương mại.
Cư dân của phố hầu như đều kinh doanh ngành nghề này đó là: Những open tour - điểm đặt tour từ trọn gói đến đơn lẻ; các khách sạn, nhà hàng, quán hàng…
Khách Tây ở mọi tầng lớp đều có thể hài lòng và tìm thấy những nét hấp dẫn riêng của phố, phù hợp với điều kiện của họ. Nếu bạn là khách du lịch mới toe lại ít tiền điều đó cũng chẳng hề hấn gì vì giá cả sinh hoạt ở đây khá mềm. Nhất là tại những quán vỉa hè, những quán hàng phở, cháo, mì vằn thắn… hay tại những quán giải khát (ước khoảng chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng một chai nhỏ), quán bia (3.000 đồng một vại)... các đồ nhắm khác cũng rất bình dân, bằng đúng với giá bán cho dân bản xứ.
Trong quy hoạch, Tạ Hiện là con phố quan trọng và có giá trị vào bậc nhất của khu phố cổ Hà Nội: Tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - Hàng Bạc; lại thông được sang với Hàng Ngang, Hàng Đào (khu thương mại lớn của Hà Nội).
Đặc biệt với kiến trúc là một tổng thể hài hoà bao gồm những mặt tiền kiểu thuộc địa - phố Tạ Hiện được xem là ngọc quý của kiến trúc phố cổ. Những ngõ nhỏ, chật hẹp nổi danh đất Hà thành một thời: ngõ Quảng Lạc (gắn với một rạp hát tuồng cổ cùng tên), ngõ Sầm Công (thời Pháp, là ngõ của khách làng chơi, ít người Hà Nội đặt chân đến vì những lý do kín đáo, tế nhị), ngõ Hài Tượng... đều thuộc biên chế của tuyến phố Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - Hàng Bạc.
Sau một ngày bận rộn thăm thú Hà Nội, hoặc mua sắm, cứ tầm 8-9h tối cho đến tận đêm khuya, khách Tây lại tụ tập về đây, cùng ăn uống và hát hò chật kín những vỉa hè.
Thời xưa, thành phần dân cư nơi đây cũng có nét đặc thù để nhớ. Đối diện rạp Quảng Lạc cũ là một ngã ba, một hẻm nhỏ có tên gọi ngõ Sầm Công - khu ngõ của những người Tàu nghèo, hay mới di cư sang bắt đầu kiếm tìm hướng mưu sinh.
Quanh khu nhà ở của họ có một số kho hàng lớn của những chủ hiệu buôn giàu có. Vì vậy, những người Tàu thời ấy có thể bắt đầu cuộc sống bằng các nghề lao động chân tay hoặc bán hàng ăn nhỏ lẻ: bánh bao, thịt quay, các loại chè vừng, chè khoai…
Ngày nay, những cảnh đời, lối sinh hoạt của thời xưa ấy đã qua lâu lắm rồi. Tuy nhiên cái hơi hướng của một khu dân cư giỏi buôn, giỏi bán thì vẫn còn đậm nét. Điều đó làm nên nét đặc trưng, sự tấp nập và cuốn hút của phố. Nếu bất chợt, một ngày bạn muốn tận hưởng chút đời sống của những cư dân "ngã tư quốc tế", mời ghé chơi. Phố Tạ Hiện sẽ cho ta những cảm nhận mới mẻ hơn về cuộc sống và con người.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)