Phố phường được thắp sáng bởi những tấm bảng đèn neon rực rỡ vào ban đêm là nét đặc trưng của Hong Kong hơn 100 năm nay, xuất hiện nhiều trên các tạp chí, quảng cáo du lịch, phim ảnh. Tuy nhiên, hiện khắp Hong Kong còn chưa tới 500 bảng hiệu neon hoạt động vào ban đêm do các quy định về an toàn lẫn sự phát triển của đèn led, khiến người dân nuối tiếc, lo lắng khung cảnh này sẽ dần thuộc về dĩ vãng.
Xuất hiện lần đầu ở Hong Kong vào những năm 1920, bảng hiệu neon liền "bùng nổ" và lan tỏa khắp nẻo đường, đặc biệt thịnh hành từ những năm 1950 đến những năm 1980. Dù tập trung chủ yếu ở khu thương mại sầm uất trên đường Nathan và phố đêm Wan Chai, nó đã trở thành một nét độc đáo của Hương Cảng. Trong đó, bảng hiệu National Panasonic có kích thước lớn bằng tòa nhà, trên đường Nathan được Guinness xác nhận kỷ lục bảng hiệu neon lớn nhất thế giới vào năm 1973.
Với nhiều người Hong Kong, những tấm bảng hiệu này giúp tô màu cho các tòa nhà buồn tẻ, cũ kỹ. Nhưng từ năm 2010, nhiều chiếc đã bị gỡ bỏ sau khi chính quyền sửa đổi các tiêu chuẩn an toàn. Theo quy định mới, hầu hết các tấm bảng đều vi phạm giới hạn kích thước như kéo dài ra đường quá xa hoặc chặn các lối thoát hiểm, nguy hiểm khi hỏa hoạn. Trong số đó, bảng hiệu của tiệm cầm đồ Cheung Shun đã phải thay bằng một cái nhỏ hơn, sau hai thập kỷ tồn tại.
Ernest Kwok Pak-ki, quản lý của Cheung Shun, cho biết bảng hiệu trước đây lớn hơn gần 2/3 so với cái hiện tại và kéo dài ra giữa đường, thực sự khá bắt mắt. Đây cũng là một trong những tấm biển hiệu nổi tiếng ở Hong Kong.
Năm ngoái, hơn 1.100 tấm bảng hiệu neon bị gỡ. Tổ chức phi chính phủ Tetra Neon Exchange (TNE) đang "chạy đua với thời gian" để có thể giữ lại càng nhiều bảng hiệu đèn neon càng tốt, trước khi chúng bị phá hủy.
Cardin Chan, tổng giám đốc TNE nói: "Các bảng hiệu thực sự là hiện thân của rất nhiều câu chuyện và văn hóa", đồng thời nhấn mạnh điều khiến những tấm bảng đèn neon ở Hong Kong trở nên đặc biệt là chúng được thiết kế bằng chữ thư pháp viết tay, vẽ tay nghệ thuật và cả cách uốn chip neon. Tất cả đều được làm thủ công.
Ngày nay, một số cửa hàng đã chuyển sang sử dụng bảng đèn led, vừa là lựa chọn rẻ tiền vừa tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, lý do khác là do thiếu những thợ thủ công lành nghề sản xuất các bảng hiệu neon.
"Việc bảo trì và sửa chữa các bảng hiệu đèn neon có thể là một thách thức. Những người làm bảng hiệu ngày càng lớn tuổi và ít người nối tiếp công việc của họ hơn. Vì vậy, chúng tôi lo ngại về rủi ro trong tương lai", ông Kwok nói.
Wu Chi-kai là trong số tám bậc thầy về bảng hiệu đèn neon vẫn hành nghề tại Hong Kong. Ông kể trước đây khối lượng công việc rất nặng. Ông cùng hai thợ phụ làm bảng hiệu đèn neon, có tuần bận đến nỗi không được về nhà ngủ. Ngày nay, nhu cầu giảm khiến ông Wu phải xoay xở để giữ nghề, nhận một người học việc muốn tìm cách kết hợp đèn neon với nghệ thuật.
Dù thế hệ làm bảng hiệu đèn ngày nay phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt, dân địa phương cho rằng điều quan trọng là phải bảo tồn những thứ được xem là di sản này, trong bối cảnh Hong Kong tái phát triển.
Ông Kwok nói: "Bằng cách nào đó, bảng hiệu neon đại diện cho hình ảnh ngành công nghiệp truyền thống của chúng tôi. Cảm giác hoài cổ mà các bảng hiệu đèn neon mang lại cũng là lời nhắc nhở về thời huy hoàng của Hong Kong, khi mọi thứ rực rỡ và đầy màu sắc".
Còn theo Cardin Chan, đây là một phần của Hong Kong và là một phần quá trình trưởng thành của người Hong Kong. Cô hy vọng sẽ có một tương lai cho các bảng hiệu đèn neon trong thành phố, cùng các nghề thủ công khác.
Diệp Tử (theo CNA)