Kê khai không trung thực sẽ bị kỷ luật. |
Theo Nghị định minh bạch tài sản, thu nhập vừa được Thủ tướng ký ban hành, người có nghĩa vụ kê khai còn bao gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Cán bộ từ cấp phó chủ tịch xã; phó công an phường, thanh tra viên, cán bộ địa chính - xây dựng phường... cũng phải kê khai tài sản. Với khối quân đội, diện kê khai sẽ bắt đầu từ tiểu đoàn phó hoặc phó chỉ huy quân sự cấp huyện.
Bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và chỉ được khai thác, sử dụng trong các trường hợp: bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ; phục vụ trong việc thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng. Khi người kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì bản kê khai sẽ được lưu giữ cùng với hồ sơ cán bộ.
Nhân sự Phó thủ tướng cũng có thể phải xác minh tài sản
Theo Nghị định, việc xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện khi có kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra về trách nhiệm của cán bộ liên quan đến hành vi tham nhũng hoặc khi có tố cáo, phản ánh nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh sự không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.
Khi có một trong những căn cứ trên, Chủ tịch nước yêu cầu Thủ tướng ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với người dự kiến bổ nhiệm Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Hội đồng bầu cử hoặc Ủy ban MTTQ có thẩm quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan đơn vị có thẩm quyền quản lý người ứng cử đại biểu Quốc hội ra quyết định xác minh tài sản ứng cử viên...
Tố cáo, phản ánh về tài sản, thu nhập ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND chỉ được coi là căn cứ yêu cầu xác minh tài sản nếu gửi đến Hội đồng bầu cử, Ủy ban MTTQ chậm nhất là 30 ngày trước ngày hiệp thương lần cuối về danh sách ứng cử.
Kê khai gian dối sẽ bị xóa tên khỏi danh sách bầu
Nghị định quy định rõ, nội dung xác minh tài sản, thu nhập bao gồm số lượng các loại tài sản, thu nhập, biến động về tài sản và giải trình về biến động (nếu có). Người bị kết luận là không trung thực sẽ bị kỷ luật từ khiển trách đến hạ ngạch. Quyết định kỷ luật được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan nơi người đó làm việc.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND bị kết luận kê khai không trung thực sẽ bị xóa tên khỏi danh sách bầu cử trong 1 nhiệm kỳ. Đối với người dự kiến phê chuẩn, bổ nhiệm, mức xử lý với sai phạm trên là không phê chuẩn, bổ nhiệm trong thời hạn 1 năm.
Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Nghị định trên có hiệu lực từ 9/3.
(Theo VnExpress)