![]() |
Những người thợ trẻ với nghề làm kéo. |
Giữa lòng thành phố hơn 300 tuổi này, phố kéo Triệu Quang Phục (quận 5, TP HCM) hội tụ nhiều thợ trẻ gắn bó với nghề...
Sáng chủ nhật, không đông người qua lại trên đường, thế nhưng phố kéo vẫn nhộn nhịp kẻ ra người vào: khách hàng từ một công ty may đến đặt kéo, bà nội trợ đến nhờ mài giùm một chiếc kéo, cậu SV trường trung học dạy nghề đi tìm cho mình chiếc kéo cắt tóc vừa ý...
Bạn Văn Hoàng (quận 9, TP HCM) cho biết: "Mình đang theo học nghề hớt tóc. Nghe bạn bè giới thiệu khu này có bán nhiều loại kéo phù hợp với nhiều ngành nghề, giá lại rẻ nên mình đã tìm đến đây".
Hầu hết những tiệm kéo khu này đều là xưởng sản xuất gia đình, vừa sản xuất vừa kiêm dịch vụ (mài, sửa kéo) và bán hàng.
Nhắc đến kéo, người ta thường nghĩ đến dụng cụ của anh thợ cắt tóc, chị thợ may... Nhưng khi đến với phố kéo mới biết, có tới hàng trăm loại kéo dù thoạt trông bề ngoài không khác nhau mấy.
Theo anh Lượng (30 tuổi), một người có thâm niên với nghề kéo, kéo không chỉ gắn liền với nghề may, nghề cắt tóc mà nó còn gắn liền với công việc hằng ngày của các bà nội trợ, từ chị bán cá ở chợ đến những tiệm bán hoa, cái lưỡi dao trong máy quay sinh tố, đồ cắt móng tay, những chiếc kềm...
"Chỉ khác chất liệu, kích thước, thay đổi một chút thao tác làm là sẽ có một loại kéo khác ngay", anh Lượng nói. Vì thế, khách hàng bước vào khu phố kéo dễ dàng bị choáng ngợp bởi hàng trăm loại kéo được trưng bày. Ngoài những loại kéo do chính cửa tiệm làm ra thì hầu hết các tiệm ở đây đều trưng bày cả những loại kéo do nước ngoài sản xuất như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... Lợi thế của những cây kéo này là mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Trong khi kéo sản xuất tại tiệm chỉ vài ngàn, vài chục, cao lắm là hơn một trăm thì kéo ngoại đôi khi lên đến giá bạc triệu, vẫn được khách hàng chọn mua nhưng không nhiều do giá quá cao, đôi khi chất lượng không phù hợp.
Bán kéo không có mùa cao điểm, cứ làm việc quanh năm, không có ngày nghỉ (kể cả ngày lễ, ngày chủ nhật). Bất kỳ lúc nào một sản phẩm mới được làm ra là đưa vào giới thiệu với khách hàng ngay, không cần phải chờ đợi hoặc chọn lựa thời điểm thích hợp như nhiều ngành nghề khác.
Anh Lợi, thợ làm kéo cho biết, khi chọn mua kéo, ngoài yếu tố chất liệu (inox, sắt, thép...), độ sắc bén, người mua cũng cần phải lưu ý những đặc điểm riêng của từng loại như: kéo cắt chỉ dùng trong may mặc thì nhỏ, hai quai bằng nhau; kéo cắt vải thường có một quai lớn, một quai nhỏ, lưỡi kéo khá to; kéo cắt simili, bìa các-tông có hai quai như nhau, bản to; kéo cắt gia dụng (cắt lá, cây, nhựa, cá...) có hai quai to bằng nhau, kích cỡ đa dạng... Để kéo được bền, sau khi sử dụng xong nếu để lâu không dùng phải thoa nhớt để chống sét rồi cho vào bao ni-lông (để nhớt không bị khô), cất ở nơi thoáng mát. |
Khi trò chuyện với anh Lượng, thấy anh nói nhiều và nhấn mạnh đến yếu tố con người. Mà quả đúng là như vậy, không chỉ với nghề kéo mà tất cả những nghề thủ công khác, vai trò của người thợ cực kỳ quan trọng.
Để làm nên một cây kéo phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn chất liệu - phải là loại thép chịu lực tốt, đến khâu nung lên cho nóng chảy rồi vừa rèn vừa quai, tạo thành hình lưỡi kéo, sau đó mài bằng máy, mài bằng tay sao cho lưỡi kéo bén ngọt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, lau chùi và cuối cùng là ráp lại, tra quai, tra dầu, gắn ốc để tạo thành cây kéo hoàn chỉnh. Tất cả những khâu này đều làm bằng tay, nếu không có những người thợ tài hoa thì một sản phẩm mới không thể hoàn thành được.
Anh Lượng cho biết, thời gian để hoàn thành một cây kéo thường từ 15 đến 20 phút, nhưng lắm khi mất hơn cả tiếng hoặc nhiều tiếng đồng hồ, tùy thuộc vào chủng loại, kích cỡ và tính chuyên môn của từng sản phẩm. Bởi thế, điều mà những người làm kéo nơi đây trăn trở không chỉ là giá nguyên vật liệu đang ngày một tăng cao mà còn là việc đào tạo những người thợ.
Tiệm Trọng Xuân được coi là tiệm lớn nhất phố kéo hiện cũng chỉ có 7 người thợ. Anh Lượng cho biết thời gian trung bình để đào tạo một người thợ từ khoảng từ 1 đến 3 năm, tính cả thời gian làm cho thạo việc phải mất hơn 5 năm, để trở thành thợ giỏi phải mất hơn 10 năm hoặc thậm chí cả đời. Nhưng không phải người thợ nào cũng gắn bó mãi với nghề vì nghề kéo đòi hỏi ở người thợ tính bền bỉ, sáng tạo nhưng thu nhập lại không cao, nếu không yêu nghề thì khó có thể gắn bó lâu dài được. Đôi khi, thợ ngưng làm việc để chuyển sang công việc khác thì lập tức công việc của tiệm sẽ gặp khó khăn. "Nhưng ít khi nào xảy ra trường hợp như vậy lắm, vì đã chọn nghề nghĩa là đã đam mê!", anh Lượng nói.
Dũng, Thanh, những người thợ trẻ ngoài 20 tuổi đang say sưa với những chiếc kéo, ngẫm lại thấy lời anh nói thật đúng. Khi hỏi: "Có nhiều nhà máy sản xuất kéo ra đời, anh có lo kéo thủ công của ta bị các loại kéo này đánh bật?", anh Lượng cười bảo không lo, bởi khách hàng của anh không chỉ là những công ty lớn như: Công ty da giày Lạc Tỷ, Lạc Cường, Lạc Xuân, Duy Hưng, Duy Khang, công ty may Hòa Bình, xí nghiệp may Sài Gòn II, Thuận Phú... mà còn nhiều khách hàng nhỏ. Vì làm thủ công nên tiệm của anh có thể nhận làm một cây kéo cho khách hàng, sửa, mài từng cây kéo - điều mà những nhà máy sản xuất theo dây chuyền không thể làm được.
Cùng với những "phố thuốc bắc" Hải Thượng Lãn Ông, "phố thiệp cưới" Lý Thái Tổ..., phố kéo Triệu Quang Phục đã và đang góp phần làm sôi động thêm nếp sống đô thị ở TP HCM.
(Theo Thanh Niên)