Theo ông Nguyễn Xuân Lộng, Giám đốc Công ty xây dựng Nam Hồng thì đầu năm 2002, thông qua Phạm Xuân Trang, ở Tiền Hải (Thái Bình) ông đã gặp Lê Thanh Chiến. Lúc này, Chiến là Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư, gọi tắt là CIC, có trụ sở tại phố Lãng Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chiến tự giới thiệu có thể xin vốn vay cho các công trình như trường học, trạm xá… từ nguồn vốn viện trợ tiền bán lúa mì của Chính phủ Mỹ. Để gây lòng tin, Chiến đã đưa ra một số văn bản có ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính về việc đồng ý cho một số công trình nông thôn vay vốn từ nguồn trên.
Về phía ông Lộng, theo yêu cầu của Chiến, muốn xin vay vốn xây dựng trạm xá Phú Châu (Đông Hưng) và trường tiểu học Tán Thuật, xã Vũ Hoà (Kiến Xương) thì phải làm hồ sơ dự án, trong đó phải có tờ trình UBND tỉnh Thái Bình về việc xin cấp nguồn vốn xây dựng… Chiến thoả thuận trước với ông Lộng, nếu vay được vốn thì phải trích lại cho anh ta 3%, nhưng trước mắt, công ty của ông Lộng phải đưa trước một khoản tiền tương đương với 1% để anh ta đi giao dịch. Đang mong có nguồn vốn để được thi công, ông Lộng đã đưa cho Chiến 150 triệu đồng.
Một thời gian dài sau, không thấy động tĩnh gì về chuyện vay vốn, ông Lộng có gọi điện cho Chiến thì anh ta nói đã chuyển toàn bộ hồ sơ của ông Lộng cho Bộ Tài chính thẩm định và bảo ông Lộng phải kiên trì, vì chuyện vay vốn nước ngoài với những ưu đãi như trên là rất khó, không phải một sớm một chiều thực hiện được. Cứ đợi tiếp như vậy cho đến cuối năm 2004, ông Lộng gọi điện cho Chiến thì anh ta đã bỏ mất số sim điện thoại vẫn dùng, tìm đến Công ty của anh ta tại Hà Nội thì được biết nó đã giải thể từ lâu… Còn ông Nguyễn Trung Hoàng, Giám đốc Công ty xây dựng Hoàng Phát, vì muốn xin vay vốn cho công trình trường tiểu học Phong Châu (Đông Hưng) nên đã phải lót tay cho Chiến số tiền gần 100 triệu đồng để anh ta đi giao dịch. Ngoài ra, biết Công ty của ông Hoàng đang cần việc, Chiến đã dựng lên việc công ty CIC của anh ta đấu thầu trúng một dự án công trình kè đê ở Ninh Bình và sẽ nhượng lại cho công ty xây dựng Hoàng Phát. Đổi lại, ông Hoàng đã phải đưa tiếp cho Chiến 60 triệu đồng…
Cho đến cuối tháng 9, chân tướng của gã lừa đảo Lê Thanh Chiến, 53 tuổi, đã có vợ và 3 con ở Tam Điệp (Ninh Bình). Năm 2000, Chiến lên Hà Nội mở công ty. Nhưng sự nghiệp chưa thấy đâu, đã bị "mắc câu" vào lưới tình của một cô gái xinh đẹp, kém mình đến hơn 30 tuổi, tên là Vân, người ở Hậu Lộc (Thanh Hoá) và 2 người có một đứa con chung 4 tuổi. “Đèo bòng” nặng vai, trong khi công việc làm ăn không "xuôi chèo mát mái" nên Chiến đã lừa đảo để lấy kế sinh nhai.
Đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nên Chiến biết rất rõ về nhu cầu vay vốn của các địa phương. Vì thế khi tình cờ có được một số văn bản xin vay vốn bằng nguồn vốn viện trợ tiền bán lúa mì của Chính phủ Mỹ cho việc xây dựng một trường học của Hải Dương (có ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính), Chiến đã tìm một người trung gian là ông Phạm Xuân Trang, thông báo có khả năng xin vay vốn nguồn này và hứa sẽ chi phần trăm cho ông Trang nếu làm trót lọt được một dự án.
Sau khi lừa được một số tiền kha khá, Chiến giải thể công ty, “lánh nạn” về quê vợ 2 và thuê một dãy nhà là UBND xã cũ, thành lập ra Trung tâm dạy nghề từ thiện Đại Lộc. Cô vợ 2 làm giám đốc, còn Chiến làm Phó giám đốc Trung tâm, không biết anh ta lập ra Trung tâm này nhằm mục đích gì, nhưng dù đã hoạt động hơn 2 tháng mà cơ sở vật chất vẫn sập xệ, học viên đếm trên đầu ngón tay. Ngày 29/9, Chiến bị công an tỉnh Thái Bình bắt về hành vi lừa đảo.
Khánh Ngọc