Cách cửa Đông Chuo, ga JR Shinjuku khoảng 7 phút đi bộ, Kabuchiko là một trong những khu giải trí về đêm dành cho người lớn nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào. Loạt câu lạc bộ, quán rượu dọc ven đường, phục vụ đồ ăn nhẹ kèm dịch vụ dành cho người lớn, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng nam, nữ, đồng tính... Nhiều khách du lịch đến Kabuchiko vì hiếu kỳ, còn đối với dân địa phương, ghé một quán rượu nhỏ, tìm một cô gái để trút bầu tâm sự sau giờ làm việc căng thẳng rồi trả phí là chuyện bình thường. Càng về đêm, không khí ở đây càng sôi động, vì thế Kabuchilo còn được gọi là "khu phố không ngủ".
Khi Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân chấp hành lệnh hạn chế ra ngoài, khuyến khích mọi người tự giác làm việc ở nhà, nhưng không phải lệnh phong tỏa. Nhiều công ty vẫn làm việc, và một số quán bar người lớn ở phố đèn đỏ khét tiếng Kabuchiko vì thế cũng vẫn hoạt động. Vắng khách hơn trước, nhưng người ta vẫn nhìn thấy nhân viên quán bar đứng bên vệ đường mời khách lúc rạng sáng, ngay giữa mùa dịch.

Đèn hiệu của những quán bar người lớn ở phố đèn đỏ Kabukicho vẫn sáng lúc 0h ngày 2/4, sau khi có lệnh hạn chế ra đường ở Tokyo. Ảnh Mainichi/Buntaro Saito
Chi phí mặt bằng đắt đỏ khiến nhiều quán bar cố cầm cự giữa dịch, không thể đóng cửa hoàn toàn. Còn các nhân viên tại đây thì buộc phải đi làm vì họ không còn công việc nào khác, cũng không thể làm online. Một nhân viên mời chào khách cho quán bar người lớn ở Kabuchiko kể, anh sẽ được nhận hoa hồng dựa trên số khách mình mời được mỗi ngày, nhưng hiện anh như đang làm việc miễn phí vì rất khó để kiếm được một vị khách hàng ngoài đường, dù đã đứng trước cửa tiệm từ sáng đến tối.
Khu Golden-gai của Kabuchiko, nơi có khoảng 300 nhà hàng, quán bar hút khách nước ngoài vào ngày thường, nay vắng bóng khách. Dù vậy, các quán bar ở đây vẫn mở cửa bất chấp. Một nữ nhân viên phục vụ trong quán bar bày tỏ ý kiến, thay vì Tokyo yêu cầu mọi người tự nguyện kiềm chế ra ngoài, cô muốn chính phủ ra quyết định cấm kinh doanh hơn. Nhưng nếu cấm kinh doanh thì họ phải hỗ trợ cho những người thất nghiệp trong dịch bệnh như cô.

Một quán bar vẫn có khách giữa mùa dịch, bất chấp khuyến cáo giãn cách xã hội của chính phủ. Ảnh Lucy Dayman
Một phụ nữ 23 tuổi chuyên tâm sự cùng khách hàng trong cabaret club - nơi khách được các nhân viên nữ ngồi chung bàn tiếp đãi, trò chuyện - chia sẻ, cô không được phép đeo khẩu trang tại nơi làm việc. Lượng khách đã giảm 1/3 so với trước đây, nhưng công việc buộc cô phải nói chuyện với khách hàng, đồng thời ngồi gần, đủ để họ có thể chạm vào cô. Nhiều khách hàng còn nhổ nước bọt sau khi uống rượu khiến cô cảm thấy lo lắng về khả năng lây lan virus. Dẫu vậy, đây là con đường mưu sinh duy nhất tại thời điểm này. Vả lại, đối với một người đang làm nghề nhạy cảm thì thật khó để mở miệng xin sự giúp đỡ của người khác.
Diệp Tử