Ngày càng có nhiều người con xứ Lạng mở quán ở Hà Nội để quáng bá cho những món ăn hảo hạng của quê hương mình. Trong số đó, phở chua là niềm tự hào nhất với của vùng đất Lạng Sơn khi người sành ăn Hà thành có thể kể tên dễ dàng một vài quán từ lâu đã nổi danh như ở Ngũ Xã, Nhà Chung...
Không quá khó để lý giải cho điều này bởi người Hà Nội vốn rất ưu ái với các món được chế biến từ bánh phở. Một quán nhỏ trên vỉa hè Nguyễn Hữu Huân nhiều năm nay cũng đã khiến vỉa hè luôn tấp nập mỗi khi chiều về bởi món phở chua Đông Kinh trứ danh này.
Phở chua là món ăn thanh mát, được ăn nhiều vào mùa hè và thu với vị chua dịu đặc trưng. Về cơ bản, món ăn cũng giống như các món trộn thịnh hành khác như miến trộn, bún trộn với phần khô và nước dùng tách biệt. Khác với phở trộn phố Lãn Ông có nước dùng ngọt đậm, ngầy ngậy của nước ninh xương, nước dùng của phở chua lại có vị chua chua ngọt ngọt đúng như tên gọi. Đây được xem là linh hồn của cả bát phở.
Có nhiều cách để chế biến ra loại nước chua này và mỗi quán lại sở hữu cho riêng mình một bí quyết "nhà nghề" không thể chia sẻ. Có nơi tạo vị chua từ nước sốt me hay nước muối dưa nhưng cũng có quán chế biến từ cà chua, giấm ăn cùng hành tỏi phi thơm và một số loại gia vị khác.
Điểm thu hút đầu tiên của bát phở chua chính nằm ở màu sắc vô cùng bắt mắt, nhìn là muốn ăn liền. Khi người phục vụ bưng đĩa phở đầy ắp ra, người ăn sẽ ít nhiều tò mò về thành phần của nó nhưng dường như vì mải thưởng thức mà ít người kể được chính xác có bao nhiêu nguyên liệu.
Do là món trộn nên phở chua ở mỗi nơi lại gia giảm theo một cách riêng. Trong số đó, phở chua phố Nguyễn Hữu Huân có lẽ là nhiều nguyên liệu nhất, bao gồm: thịt xá xíu, xíu dạ dày, mực khô xé, lạp xường, xúc xích, ca la thầu (củ cải dầm), hành khô, lạc giã, rau thơm và đương nhiên không thể thiếu đặc sản khoai lang chiên thái sợi.
Khi trộn đều, thực khách sẽ thấy quyện với lớp nước sốt nâu sậm như đường mật là từng thớ bánh phở trắng mềm mại cùng những thành phần hấp dẫn mời gọi. Bánh phở thơm mềm quyện cùng thịt xá xíu tẩm gia vị vừa đủ độ, vị bùi bùi của lạc, màu vàng óng, vị thơm thơm giòn giòn của khoai lang chiên khiến món ăn càng dễ "vào".
Nếu muốn ăn cay, bạn có thể dùng tương ớt, nhưng phải là loại tương ớt vùng cao cay thơm không lẫn vào đâu được; tuy nhiên, có thể thay thế bằng tương ớt loại ăn kèm với phở nước cũng rất hợp vị.. Có thể nói, phở chua là món ăn hoàn hảo, kết hợp đầy đủ mùi vị chua cay mặn ngọt, hòa quyện rất đậm đà. Đây cũng là món ăn khá dễ tính, tuy nhiều thịt nhưng không bị ngấy mỡ, có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bốn mùa trong năm. Tuy có nhiều thay đổi với món ăn truyền thống nhưng phở chua nơi đây lại được nhiều bạn trẻ đón nhận và ưa thích, đặc biệt là giới công sở sau giờ làm.
Quán đã mở được một thời gian khá dài, ban đầu nổi tiếng với món mỳ chua ngọt Hàn Quốc lạ lẫm từng gây hiếu kỳ cho giới trẻ Hà thành một thời. Cũng với ngần ấy nguyên liệu, chủ quán đã chế biến ra món mỳ trộn với sợi mỳ to dày, dai ngon, hấp dẫn không kém.
Trước đây chủ quán mở ở số nhà 77, sau chuyển tới số nhà 87 phố Nguyễn Hữu Huân. Gần đây, để phục vụ được nhiều chị em dân văn phòng khu vực Cầu Giấy, chủ quán quyết định mở thêm cơ sở 2 tại ngõ 11 phố Duy Tân (bên hông tòa nhà CMC), nơi tập trung nhiều văn phòng làm việc, tuy nhiên chỉ bán buổi trưa.
Còn nếu muốn đổi món cho bữa tối hoặc muốn ăn lót dạ sau giờ làm, bạn có thể ghé cơ sở 1 với dãy bàn nhựa kê ngoài vỉa hè thoáng đãng. Chủ quán rất nhiệt tình, giá cả phải chăng: 35.000 đồng một đĩa đầy. Tuy nhiên chỗ để xe hơi bất tiện, hơn nữa khi mùa lạnh đang đến gần, ăn uống ngoài trời khiến nhiều người e ngại. Khi tới đây, bạn nên nhớ kỹ địa chỉ để tránh nhầm lẫn với một vài cửa hàng ở gần đó có chất lượng không bằng mà thái độ phục vụ cũng không mấy thiện cảm.
Bài và ảnh: Shironeko