Đây là buổi công chiếu của Dearest Viet (Doku) tại Việt Nam, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Quốc tế TP HCM. Hơn 70 phút phim trình chiếu trong không gian Nhà hát Thành phố, tiếng nấc, tiếng khóc vọng lại từ nhiều góc dưới hàng ghế khán giả. Cảnh phim cuối cùng vừa khép lại, 200 người có mặt vỗ tay không dứt. Xuyên suốt buổi giao lưu sau đó, những tràng vỗ tay như vậy cứ nối tiếp vang lên, tán thưởng nhân vật chính và êkíp sản xuất.
Dưới hàng ghế đầu tiên, Nguyễn Đức khóc nghẹn. Tới khi lên sân khấu đối thoại cùng khán giả, niềm xúc động trong anh vẫn chưa nguôi khi hoài niệm về anh trai quá cố, nhắc tới những ân nhân đời mình. Đạo diễn và nhà sản xuất người Nhật rơi lệ khi kể về hành trình làm phim. Ngay cả phiên dịch viên Việt - Nhật ở sự kiện cũng vừa dịch vừa nghẹn giọng vì nước mắt.
Anh em Nguyễn Việt - Nguyễn Đức sinh năm 1981 tại Kon Tum, bị cha mẹ bỏ lại nhà bảo sanh ngay khi chào đời. Nhiễm chất độc màu da cam, hai đứa trẻ dính liền phần bụng, chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân phụ.
6 tuổi, Việt bị hội chứng não cấp, hôn mê, có thể đột tử. Cặp song sinh được đưa qua Nhật Bản chữa trị trong ba tháng nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Đức có nguy cơ suy yếu và chết theo, nếu Việt qua đời.
Năm 1988, các bác sĩ tại bệnh viện Từ Dũ, TP HCM quyết định phẫu thuật tách rời hai anh em. Dưới sự hỗ trợ của Nhật Bản, ca đại phẫu kéo dài 15 tiếng rưỡi năm ấy trở thành một phép màu của y học Việt Nam. Sau ca mổ, Việt sống thực vật 19 năm rồi qua đời. Đức khỏe mạnh hơn, lập gia đình và có con. Câu chuyện của hai anh em nổi tiếng ở Việt Nam và Nhật Bản, truyền động lực sống cho nhiều người.
Nguyễn Đức trải lòng anh từng xuất hiện trong nhiều phóng sự nhưng với anh, phim Dearest Viet là tác phẩm chân thật nhất về anh. Với anh, sự nổi tiếng không phải điều gì to lớn. Anh chỉ mong muốn vượt qua giới hạn, làm những điều tốt đẹp và tích cực cho xã hội. Anh tâm sự: "Tôi không phải một người tầm thường, tôi đã trải qua nhiều chuyện. Ngoài ca mổ tách rời anh em tôi ai cũng biết, tôi còn nhiều lần lên bàn mổ nhưng không ai biết đến".
Nguyễn Đức khóc, cảm thấy tiếc nuối vì "má" Phượng - giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người mổ tách hai anh em họ năm xưa, không có mặt thưởng thức bộ phim. Đúng giây phút ấy, bác sĩ Phượng bất ngờ đứng dậy từ hàng ghế khán giả, bước lên sân khấu và ôm lấy Đức. Đó là khoảnh khắc xúc động nhất buổi chiếu phim - giao lưu tối 8/4.
Người phụ nữ tuổi ngoài 80, tóc phong sương điểm bạc vỗ về con trai nuôi và bày tỏ: "Tôi rất vui được lên đây cùng con tôi, bé Đức. Đức năm nay 43 tuổi rồi nhưng với tôi, con vẫn là bé Đức như ngày tôi ẵm trên tay, bế sang Nhật để điều trị cho hai đứa nó". Còn với Nguyễn Đức, giáo sư Ngọc Phượng không phải người nuôi nấng, dạy dỗ, nhưng là người cho anh sự sống, nhìn được tương lai.
Nhớ lại những ngày điều trị cho anh em Việt - Đức cách đây hơn 35 năm, bác sĩ Ngọc Phượng cho hay nếu để nguyên hai anh em dính liền lấy nhau, họ không thể sống được. Bà cho rằng Việt có "phần" của mình; còn Đức giỏi giang, khỏe mạnh, sau này đi học được, đi làm được, lập gia đình, có con. Với bà, thành công lớn nhất của ca mổ không phải về y học, mà là việc mang lại giá trị nhân văn, cuộc sống bình thường cho Đức.
Dẫu cho không mang nặng đẻ đau, bác sĩ Phượng thương Đức như con mình rứt ruột sinh ra, nhận hai con của anh làm cháu nội. Đến tận bây giờ, bà vẫn canh cánh nhiều nỗi lo cho sức khỏe của con trai: "Tôi rất thương Đức. Từ hồi mổ đến giờ, Đức đã có gắng nhiều. Con học giỏi, nói tiếng Nhật giỏi, làm nhiều việc thiện nguyện, giúp ích cho xã hội. Nhưng hoàn cảnh của Đức còn khó khăn lắm. Sức khỏe con còn yếu. Nếu con có vấn đề gì sẽ rất tội cho hai đứa trẻ. Giờ tôi hơn 80 nhưng vẫn đi làm, chỉ thỉnh thoảng gặp được con, gửi cho các cháu ít tiền học thêm. Tôi mong con tôi sống được dài lâu, khỏe mạnh".
Bộ phim tài liệu của đạo diễn Kohei Kawabata ghi lại những khoảnh khắc đời thường của Nguyễn Đức bên vợ và hai con. Suốt đời mình, anh mang theo thiết bị đặc biệt ở vùng bụng, định kỳ thay một ống xông đặt bên trong. Mỗi lần di chuyển, lái xe, cái ống va đập vào thận khiến anh đau đớn. Dù cơ thể bé nhỏ và chỉ có một chân, phải dùng nạng, anh đá bóng, tập gym, đạp xe, chạy xe máy ba bánh, làm việc chăm chỉ và có lúc giúp vợ đưa đón các con.
Mang trong mình chất độc của chiến tranh, Đức ý thức mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Anh sống lạc quan, tựa như đồng hành cùng những hiểm nguy rình rập. Tưởng tượng về một ngày mình không còn nữa, anh tâm sự nhẹ nhõm: "Ngày đó chắc sẽ vui, vì tôi được gặp lại anh trai". Trong từng câu chuyện kể, từng buổi sum họp gia đình, Đức vẫn thường nhắc đến người anh song sinh quá cố, tỏ lòng hàm ơn Việt đã hy sinh cho anh cơ hội sống. Anh muốn dùng bộ phim Dearest Viet dâng lên hương hồn của anh trai.
Song hành cùng nghị lực sống phi thường của Đức là đức hy sinh, thấu cảm, nhẫn nại tuyệt vời của người phụ nữ kề bên. Một tay chăm chồng bệnh, lo liệu việc nhà nhưng chẳng lúc nào chị nổi cáu hay than phiền. Vợ chồng anh chị và cả hai con đều có sự chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất đến với anh. Thậm chí, người vợ đã tính sẵn kế hoạch sẽ làm gì, nếu một mai người chồng không còn nữa. Nhưng thay vì bi lụy, oán thán, họ chọn sống vươn lên, trân quý từng phút giây ở cùng bên nhau.
Cấu trúc kể chuyện của phim Dearest Viet không quá đặc sắc, không có đột phá, nhưng phim ghi lại được một số chất liệu đắt giá. Trước ống kính máy quay, Đức thoải mái bộc lộ cảm giác xa cách, không hứng thú gặp mặt với bố mẹ ruột và chị gái ruột. Hình ảnh anh quấn quýt, thân tình với những người anh mang ơn và thiếu sự kết nối với người máu mủ ruột thịt làm nên sự đối lập chân thực, khơi gợi nhiều nghĩ suy.
Dearest Viet được khởi động từ cuối năm 2022 và thực hiện năm trong 2023. Trong khuôn khổ LHP Quốc tế TP HCM lần thứ nhất, phim có thêm buổi chiếu lúc 17h ngày 9/4, tại rạp Beta Cinema Quang Trung. Tác phẩm dự kiến sẽ phát hành thương mại ở Nhật trong thời gian tới.
Phong Kiều