Nguyên tác ‘Mắt biếc’ kể câu chuyện từ góc nhìn của thầy giáo si tình tên Ngạn. Ngạn lớn lên ở miền quê Đo Đo, yêu thầm cô bạn Hà Lan từ thuở nhỏ. Lên cấp 3, cả hai cùng chuyển đến thành phố học. Trong khi Ngạn vẫn một lòng đau đáu nhớ về vùng quê nghèo, Hà Lan mau chóng bị thành thị phồn hoa làm cho mê mẩn, đánh mất chất chân quê. Rồi Hà Lan ngã vào vòng tay của Dũng đào hoa, làm mẹ đơn thân, mang nỗi đau bị phụ tình ở tuổi 17. Những năm tháng dọc dài nhiều biến cố, Ngạn luôn ở bên che chở cho nàng mắt biếc của mình.
Khi đưa cuốn sách nổi tiếng lên màn ảnh, đạo diễn Victor Vũ gìn giữ khung nền của câu chuyện, bối cảnh xuất thân và mối quan hệ của nhân vật, nhưng lựa chọn cách kể riêng để hình ảnh hóa từng câu chữ của nhà văn.
Trong truyện gốc, bên cạnh mối tình si Ngạn đối với Hà Lan, Nguyễn Nhật Ánh còn dành khá nhiều trang giấy miêu tả sự gắn bó, nỗi nhớ thương Ngạn dành cho làng Đo Đo khi rời quê lên phố. Hai thứ tình yêu ấy luôn song hành, tình yêu đôi lứa lớn dần cùng tình yêu quê hương. Khi lên phim, vì giới hạn thời lượng của thể loại, Victor Vũ rút gọn tình yêu quê nhà trong lòng Ngạn chỉ còn là một lát cắt nhỏ. Một số nhân vật người thân của hai nhân vật ở Đo Đo được lược bỏ, một vài tuyến vai mới được thêm vào, để câu chuyện phim gói trọn trong thế giới tình yêu của hai nhân vật chính, tương xứng với lời đề tựa trên poster phim: "Tình đầu, một thời cứ ngỡ một đời".
Diễn biến truyện gốc được dẫn dắt bởi dòng chảy suy tư của Ngạn. Đó là một thứ mơ hồ, trong khi điện ảnh đòi hỏi ngôn ngữ bằng hình ảnh. Qua óc tưởng tượng và bàn tay dàn dựng của Victor Vũ, khán giả có dịp soi chiếu từng cảm xúc của Ngạn qua tình huống cụ thể, thấu hiểu Ngạn đau đớn khi nhìn Hà Lan hẹn hò Dũng ra sao, xót xa nhìn Hà Lan một mình sinh con thế nào... Ngạn trên phim mạnh mẽ hơn, bớt nhút nhát hơn Ngạn trong trang sách. Thay vì đạp xe theo sau, Ngạn chở Hà Lan trên chiếc xe đạp cũ, tận hưởng những thời khắc trong veo của tình yêu thời học trò mà chẳng sợ bị ai đọc trúng "tim đen".
Trong truyện, Nguyễn Nhật Ánh miêu tả Ngạn luôn lặng thầm đi phía sau, ở bên cạnh và quan sát Hà Lan. Khi lên phim, Victor diễn giải những quan sát đó bằng khung hình đặc tả đôi mắt của Ngạn. Đôi mắt Ngạn lặp đi lặp lại trong phim nhiều lần với nhiều sắc thái, khi tràn đầy kỳ vọng, khi khắc khoải buồn thương, khi đỏ hoe nước mắt. Tiêu đề "Mắt biếc" không đơn thuần ám chỉ đôi mắt đẹp của Hà Lan trong trái tim Ngạn như trong truyện nữa, mà còn được mở rộng ý nghĩa về đôi mắt chất chứa nhiều hạnh phúc lẫn khổ đau của chính chàng trai si tình. Cùng lối cắt dựng khéo léo của đạo diễn, khả năng diễn xuất bằng mắt đầy rung cảm của diễn viên Trần Nghĩa chính là yếu tố quan trọng làm nên hiệu quả cho các cảnh phim này.
Sử dụng ngôi kể "tôi", truyện "Mắt biếc" chỉ đi theo tâm tưởng của một mình Ngạn. Thế giới nội tâm của Hà Lan là điều Ngạn không thể chạm tới, cũng là câu hỏi mãi còn bỏ ngỏ nơi độc giả. Nhưng trong phim, Victor Vũ không bỏ quên Hà Lan. Một vài lần, anh khắc họa thái độ, biểu cảm của Hà Lan trong những cuộc hội thoại với Ngạn. Qua đó có thể thấy cô gái này không phải hoàn toàn lãnh đạm trước tấm chân tình của người bạn thân. Cuộc đời dẫu nhiều phù phiếm, Hà Lan cũng có những khoảng lặng, cũng từng cho Ngạn cơ hội đến gần bên mình, cũng từng mang nỗi tủi hổ thân phận của mình.
Kết phim là một sáng tạo đặc sắc của đạo diễn Victor Vũ, vừa truyền tải tinh thần của truyện gốc, vừa đưa vào thêm một góc nhìn quan trọng từ phía nữ chính Hà Lan, để dù dang dở hay viên mãn, chuyện tình Mắt biếc cuối cùng cũng không còn phải đơn độc từ một phía. Phân đoạn lắng đọng cảm xúc, dễ lấy nước mắt đồng cảm từ khán giả nhờ sự kết hợp nhịp nhàng của hình ảnh, âm nhạc và sự hóa thân của hai diễn viên chính Trần Nghĩa - Trúc Anh.
Tuy được nhắc đến không nhiều, xúc cảm của Hà Lan vẫn là chi tiết đắt giá, nối dài tác phẩm gốc, đưa bộ phim trở thành lời hồi đáp đối với cuốn truyện sau gần 30 năm xuất bản. Bằng bộ phim của mình, Victor Vũ như muốn thay Hà Lan chuộc lỗi với Ngạn, với thanh xuân đã mất của cả hai người, để những độc giả từng ghét Hà Lan vì làm tổn thương Ngạn sẽ bớt ác cảm với cô.
Phim Mắt biếc có phần mở đầu lan man với loạt hình ảnh mang tính minh họa cho trang sách của Nguyễn Nhật Ánh. Dù vậy, đây vẫn là một bộ phim chuyển thể tốt, chuyển hóa mượt mà câu chữ thành hình ảnh mà vẫn gìn giữ được cảm xúc vừa trong trẻo vừa day dứt của tác phẩm gốc. Lần thứ hai làm phim từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, Victor càng làm tròn vai của một đạo diễn phim chuyển thể, vừa tôn trọng nguyên tác, vừa tạo nên điểm mới. Phim khởi chiếu từ tối 19/12.
Phong Kiều