Những ngày qua, một video ngắn của Nhật Bản lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam, gây cười và làm nhiều người tò mò về nguồn gốc của nó. Đoạn phim tập hợp nhiều tình huống cười ra nước mắt của một anh chồng, khi mỗi tối tan làm trở về nhà, anh thấy vợ mình chết trong những tư thế khác biệt. Thì ra, bà nội trợ này hóa trang mình thành xác chết và dàn dựng các vụ "thảm sát" như một cách tiêu khiển cho bản thân, cũng là để tạo bất ngờ mỗi ngày cho ông xã.
Đoạn video trích đoạn Vợ vờ chết khi tôi về nhà.
Video này gồm các đoạn trích trong tác phẩm Vợ giả chết khi tôi trở về nhà (When I Get Home, My Wife Always Pretends to be Dead) của điện ảnh xứ Phù Tang. Nội dung đoạn video cũng chính là cốt truyện chính của phim, xoay quanh cuộc sống của Jun, một nhân viên công sở và cô vợ Chie kém anh hơn 10 tuổi.
Giống như đoạn phim đã hé lộ, các chiêu giả chết của Chie liên tục được tung ra với đủ hình thức. Cô nàng không bao giờ cạn ý tưởng cũng như niềm hưng phấn trong thú vui này. Cô chi mạnh tay cho các món đạo cụ để tự "giết mình". Có hôm, cô bị dao đâm chết. Có lúc, cô bị cá sấu gặm đầu. Có khi, cô bị mũi tên bắn xuyên trán. Lần khác, cô bị người ngoài hành tinh bắt đi...

Chie kỳ công dàn dựng các vụ án chết người.
Về phần Jun, mỗi tối lê bước chân về tới chung cư, anh đều chần chừ xoay tay nắm cửa. Bởi anh biết chắc có một điều kinh dị đang đợi mình bên trong, nhưng anh chẳng rõ đó là gì và mức độ gây kinh hãi của nó tới đâu. Từ lần hoảng sợ tưởng hồn xiêu phách lạc đầu tiên, Jun quen dần với trò nghịch ngợm của vợ, lặng lẽ kéo cô ra khỏi "bãi chiến trường". Thậm chí, vài lần anh còn hùa theo cô, giả bộ khóc lóc để hợp diễn cùng vợ.
Nhưng sau tất cả, Jun cảm thấy mệt mỏi với thú vui kỳ dị của bà xã. Mặt đối mặt bên một bàn ăn, đầu sát đầu trên một chiếc giường, vậy mà Jun chẳng thể thấu hiểu được suy nghĩ hay những thông điệp mà Chie gửi gắm trong trò đùa của cô. Đó cũng là lúc người đàn ông từng một đời vợ cảm nhận được khoảng cách vô hình giữa hai vợ chồng, dần nghĩ đến kết cục chia ly giữa họ.
Không chỉ với Jun, khán giả có thể cũng cảm thấy ngán ngẩm dần với trò giả chết của Chie lặp đi lặp lại và không rõ dụng ý ở nửa đầu của phim. Điều này có thể thách thức sự kiên nhẫn của người xem, nhưng cũng là cách đạo diễn đưa người xem vào thế giới của nhân vật, trải nghiệm cảm giác mơ hồ và tẻ nhạt của nam chính Jun.
Cho tới nửa sau của phim, câu chuyện dần sáng tỏ. Đó là lúc Jun thẳng thắn nói rằng anh mệt mỏi với Chie, cũng là lúc họ chứng kiến những người quanh mình đổ vỡ hôn nhân, mất mát người thân, để dần nhìn nhận lại vấn đề của mình, học cách quan sát, lắng nghe lẫn nhau và trân trọng hạnh phúc đang có. Có rất ít cao trào và xung đột, bộ phim đưa ra nhiều mẩu chuyện nhỏ tưởng như rời rạc nhưng gắn kết nhau về tư tưởng.
Cuối phim, động cơ cho những trò đùa tưởng như vớ vẩn của Chie được bật mí. Đó là một khoảnh khắc xúc động, gửi gắm thông điệp về sự gắn kết giữa vợ và chồng, giữa những người thân, về ranh giới giữa bên nhau và lìa xa nhau.

Nana Eikura vai cô vợ Chie và Ken Yasuda vai anh chồng Jun.
Phim Vợ giả vờ chết khi tôi về nhà ra mắt năm 2018, từng tham dự một số LHP. Ý tưởng kịch bản này được lấy cảm hứng từ một chuyện có thật. Năm 2010, một người dùng mạng đăng trên Yahoo của Nhật Bản, hỏi cộng đồng rằng anh ta nên làm thế nào khi vợ mình giả chết mỗi ngày. Trước khi được dựng thành phim, câu chuyện này từng được phổ thành bài hát, sáng tác thành truyện tranh.
Phong Kiều