Quyết định này được đơn vị phát hành - Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân - gửi đi sáng 17/10. Theo đó, dòng chữ "Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam" từ cuối phim sẽ được chuyển lên đầu phim. Lời giới thiệu "Hành trình vẫn còn phía trước" sửa thành "Hết Phần một - Hành trình vẫn còn phía trước". Hai tên gọi "Nghĩa Hòa đoàn" và "Thiên Địa hội" được sửa thành "Nam Hòa đoàn" và "Chính Nghĩa hội" trong tất cả câu thoại xuất hiện hai cụm từ này.

Nhân vật ông Tiều (Tiến Luật thủ vai) là thành viên của một hội nhóm kháng chiến chống Pháp.
Cùng việc thay đổi về mặt câu chữ, hình ảnh, lời thoại, nhà sản xuất và nhà phát hành làm rõ một số chi tiết trong Đất rừng phương Nam. Cụ thể, bối cảnh phim là thời đại 1920-1930, tương đồng trong phim truyền hình Đất phương Nam và khác với năm 1945 trong tiểu thuyết gốc.
Các tình tiết phim liên quan tới hai tên gọi Nam Hòa Đoàn và Chính Nghĩa Hội đều được hư cấu, lấy cảm hứng từ các sự kiện trong lịch sử. Việc chỉnh sửa này nhằm tránh mọi liên tưởng không đúng về hai cụm từ. Nhà sản xuất và nhà phát hành bày tỏ sự tiếp thu ý kiến từ công chúng, đồng thời cho thấy kế hoạch sản xuất phần hai với nội dung về hành trình của bé An trong tương lai.
Nhà phát hành phim cho biết: "Các đơn vị đồng sản xuất thống nhất về quan điểm với đoàn phim và chúng tôi mong muốn thông qua việc chỉnh sửa như trên, khán giả sẽ được tiếp cận và trải nghiệm tốt nhất bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam. Chúng tôi khẳng định rằng những chỉnh sửa nêu trên không làm thay đổi nội dung bộ phim. Bản phim Đất rừng phương Nam đã được chỉnh sửa và trình lên Cục Điện ảnh theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi xin cam đoan các bản phim ra rạp được chỉnh sửa như trên từ ngày 16/10/2023".

Tuấn Trần (phải) và Hạo Khang đảm nhận hai vai chính, xuất hiện xuyên suốt 'Đất rừng phương Nam'.
Trước đó, Đất rừng phương Nam gây tranh cãi về chi tiết sai lệch lịch sử. Phim được cho là gây hiểu lầm Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn đóng vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, hạ thấp vai trò của Việt Minh.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết chiều 14/10, Hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim Đất rừng phương Nam theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Sau đó, Cục cũng đã mời nhà sản xuất, đoàn phim Đất rừng phương Nam đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến phim. Trước các tranh cãi xoay quanh Đất rừng phương Nam, đại diện nhà sản xuất đề xuất phương án chỉnh sửa phim và hoàn thiện trong ngày 15/10.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho rằng đây là bộ phim truyện với nhân vật hư cấu, không xác định chính xác thời điểm diễn ra. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó, bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer.
Trên phim, giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành - cha An - cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau.
Ra rạp từ tối 13/10, Đất rừng phương Nam đến nay thu về hơn 52,6 tỷ đồng. Theo tiết lộ của nghệ sĩ Trấn Thành - một trong các giám đốc sản xuất kiêm diễn viên của phim, tác phẩm cần hơn 100 tỷ đồng doanh thu để hòa vốn.
Trailer phim 'Đất rừng phương Nam'
Phong Kiều