- Tên phim ‘Phượng khấu’ có ý nghĩa gì?
- Phượng là chim phượng, khấu là cúc áo, phượng khấu là một loại trang sức dành riêng cho các phụ nữ ở hậu cung triều Nguyễn. Chiếc cúc này cùng bộ áo Nhật Bình tượng trưng cho quyền lực, sự sủng ái mà một người phụ nữ chốn cung đình nắm trong tay.
Phượng khấu khai thác đề tài tranh giành sủng ái giữa các phi tần, tranh đấu quyền lực giữa các đấng nam nhi dưới thời vua Thiệu Trị. Tuy nhiên, tôi làm phim này với tinh thần khắc họa mâu thuẫn của một gia đình, nơi một ông chồng có nhiều bà vợ. Cung đấu là tên gọi thể loại, thực tế phim khắc họa cuộc chiến tình yêu, quyền lực gia đình, lòng đố kỵ, thù hận, tình thương con.
- Cung đấu là dòng phim quen thuộc trên màn ảnh Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc. Song tại Việt Nam, dạng phim này còn nhiều thách thức trong việc sản xuất. Tại sao anh lựa chọn thực hiện ‘Phượng khấu’ với nhiều khó khăn như vậy?
- Phượng khấu trước tiên xuất phát từ lòng tự ái dân tộc của tôi. Khi tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa ở trong nước cũng như quốc tế, tôi thấy đau lòng vì nhiều bạn trẻ Việt Nam gần như "mù tịt" về văn hóa truyền thống. Tôi tự hỏi tại sao Trung Quốc, Nhật, Hàn làm được phim lịch sử, dã sử mà mình thì không, trong khi bề dày lịch sử của mình không thua kém nước nào.
Với lợi thế yêu thích và hiểu biết nhất định về phương diện này, tôi quyết định làm phim cung đình trong nước. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, nếu giờ tôi không làm, không biết tới khi nào sẽ có người làm.
- Dự án ‘Phượng khấu’ được công bố sau khi hai phim cung đấu Trung Quốc là ‘Diên Hy công lược’ và ‘Như Ý truyện’ được yêu thích tại Việt Nam. Có người cho rằng anh làm ‘Phượng khấu’ dựa theo xu hướng này. Anh nghĩ thế nào?
- Tôi không phủ nhận điều này. Hiện giờ giới trẻ Việt Nam đang mê phim cung đấu, nếu tôi không làm ngay thì sự hiếu kỳ này nguội mất. Tôi xem tất cả video hậu trường của hai phim Diên Hy công lược và Như Ý truyện, tham khảo cách họ dàn dựng phim trường, thiết kế bối cảnh cũng như chiến lược vận hành dự án của họ.
Tuy nhiên, tôi bắt trend (xu hướng) nhưng không có nghĩa là bắt chước. Phượng khấu sinh ra từ ước mơ làm giáo dục, không phải làm giải trí. Tôi mượn điện ảnh để phổ biến cho công chúng Việt Nam kiến thức, câu chuyện lịch sử và văn hóa.
- Ở Trung Quốc, phim cổ trang thường áp dụng công thức cho kịch bản, phổ biến nhất là "3 phần thực tế, 7 phần hư cấu". Với ‘Phượng khấu’, anh đặt ra công thức nào cho phim?
- Tôi thì ngược lại, 7 phần thực tế, chỉ có 3 phần hư cấu thôi. Bởi vì đây là dự án cung đấu đầu tiên của Việt Nam, tôi muốn tập trung vào mục đích giáo dục trước, chưa vội ưu tiên sự phóng tác của người nghệ sĩ.
7 phần sự thật gói gọn trong 7 năm tại vị của vua Thiệu Trị, bao gồm cả yếu tố cung đấu. Những điều này có ba nguồn tham khảo: các sách sử triều Nguyễn, ý kiến cố vấn của các nhà sử học, hiện vật trong bảo tàng.
3 phần hư cấu nằm ở các tuyến tình cảm đôi lứa và một số nhân vật được thêm mới. Muốn phim dễ tiếp cận khán giả trẻ, chắc chắn phải có yếu tố ngôn tình. Tôi sáng tạo chuyện tình giữa cận vệ Khắc Tâm (Nhâm Phương Nam đóng) và công chúa An Thạnh (Ngọc Lan Vy đóng) bị ngăn cản bởi Lệnh phi (NSND Hồng Vân đóng). Tuyến vai Khắc Tâm này vốn không có trong lịch sử.
- Khi ‘Phượng khấu’ mới được công bố, dự án gây nhiều tranh cãi về phục trang và hóa trang. Điều này ảnh hưởng tới anh và quá trình sản xuất như thế nào?
- Tôi cho rằng nguyên nhân của tranh cãi là do công chúng chưa được giáo dục đầy đủ về cổ phong Việt Nam. Khán giả ở ta hay lấy phim Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản làm chuẩn. Khác với các tiêu chuẩn đó, mọi người mặc định là sai và không đẹp.
Là người có kinh nghiệm làm việc về văn hóa cổ Việt Nam, tôi đón nhận các tranh cãi này một cách nhẹ nhàng. Tôi không coi đó là những ý kiến trái chiều, mà là sự tương tác. Khi khán giả thắc mắc, đoàn phim mới có cơ hội giải thích để mọi người cùng chia sẻ kiến thức. Tôi thấy mừng vì điều này là đằng khác.
Tôi không sợ tranh cãi. Cái tôi sợ là công chúng đã xem quá nhiều phim cung đấu xuất sắc của nước ngoài, kỳ vọng Phượng khấu giống như Diên Hy công lược hay Như Ý truyện. Điều này là không thể, vì họ làm 2 triệu USD một tập, còn tôi chỉ có 2 tỷ đồng. Họ có phim trường, kỹ thuật làm phim tiên tiến và kinh nghiệm làm phim cổ trang lâu năm. Những thứ này, tôi đều không có. Nhưng giờ tôi đâu thể rút lui, tôi đành làm người cảm tử (cười).
- ‘Phượng khấu’ được công bố từ lâu nhưng chưa có ngày phát hành chính thức. Tại sao vậy?
- Phượng khấu dài 18 tập, chia thành ba phần, mỗi tập dài 60 phút. Chúng tôi bấm máy phim chính thức vào tháng 9 năm nay, mỗi tập quay trong gần một tuần và dự kiến ra mắt phim vào đầu năm 2020. Trước tiên, tôi sẽ chiếu phim trên một số kênh truyền hình, hạ tầng truyền hình thu phí. Khi phim hoàn vốn, tôi sẽ phát hành rộng rãi trên Youtube.
Vì đây là một dự án phim dã sử, khai thác nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, tôi muốn phim chỉn chu một cách toàn diện. Do đó, tôi thực hiện quay và dựng một tập demo (bản thử) từ năm ngoái, tìm ra các vấn đề chưa ổn từ nội dung tới bối cảnh, phục trang, kỹ xảo..., chỉnh sửa khi quay chính thức. Tôi chấp nhận mất công hơn các bộ phim thông thường.
Phong Kiều thực hiện