Khó khăn thứ nhất, đó là về sự khác biệt trong cách cho điểm của giáo dục Việt Nam. Hệ thống giáo dục Việt Nam cho điểm theo thang điểm 10, và tại các trường ĐH, để có thể đạt được 8 hay 9 trên 10 là điều rất khó. Chính vì vậy, điểm trung bình tốt nghiệp của sinh viên ĐH Việt Nam rất ít khi đạt đến 8,0.
Trong khi đó, hệ thống cho điểm của Mỹ là A, B, C, D và F. Từ 90% đến 100% là A, 80% đến 90% là B, 70% đến 80% là C, 60% đến 70% là D và dưới 60% là F.
Với cách học của giáo dục Mỹ, nếu một sinh viên ĐH bình thường, học nghiêm túc thì việc đạt điểm A của môn học cũng không phải là điều khó khăn. Và khi du học sinh Việt Nam đem bảng điểm của mình đến trung tâm định lượng văn bằng của Mỹ thì điểm trung bình được chuyển đổi qua hệ Mỹ sẽ trở thành rất thấp, thậm chí gần như không đạt yêu cầu tối thiểu nếu điểm trung bình chỉ khoảng hơn 6,0. Với điểm trung bình 8,0, chuyển qua cũng chỉ được điểm B, tức là 3,0 của Mỹ.
Đối với hệ thống các trường ĐH Mỹ, một học sinh khi đăng ký vào ĐH hoặc sau ĐH với điểm trung bình (GPA) 3,0 là rất khó khăn. Những trường ĐH nổi tiếng hoặc chất lượng hầu như chỉ nhận học sinh có điểm GPA vào khoảng 3,5 cho đến 4,0. Trong khi 8,9 của hệ thống cho điểm Việt Nam cũng chỉ chuyển đổi thành 3,0 của hệ Mỹ.
Khó khăn thứ hai là về sự khác biệt mức độ của môn học. Tất cả các môn học trong ĐH Mỹ đều có mã số (codes) để đánh giá mức độ khó, hoặc quan trọng. Những môn học căn bản thường được xếp mã số 1XX hoặc 2XX, như Hóa học Đại cương được ký hiệu CH 101, CH 102…
Những môn nâng cao (Upper division), hoặc những môn quan trọng hơn, sẽ được xếp ở hệ số cao hơn, chẳng hạn 3XX cho đến 8XX.
Những môn sau ĐH thì vào khoảng 5XX, 6XX cho đến 8XX. Bởi các môn học ở Việt Nam không được mã hóa, nên khi định lượng sẽ không được xếp vào mức độ nào trong ĐH của Mỹ.
Chính vì vậy mà học sinh Việt Nam không được miễn hoặc chấp nhận môn học đó, mặc dù đã học đủ khả năng học ở những lớp nâng cao hơn.
Ví dụ, lớp Đại số (calculus) tại ĐH Mỹ được ký hiệu MA 201, MA 202 (hoặc CL201, CL 202) với mức độ khó chỉ ngang với lớp 10 hoặc 11 tại Việt Nam. Lớp Toán tại ĐH ở Việt Nam có thể xếp 6XX, nhưng vì không có mã số nên các trường ĐH Mỹ hoàn toàn không thể đánh giá được.
Và cuối cùng là du học sinh Việt Nam phải quay lại những lớp toán Đại số thay vì có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc để học những lớp chuyên ngành.
Khó khăn thứ ba là về dịch thuật. Hiện nay có rất nhiều trường ĐH Việt Nam cấp bảng điểm bằng tiếng Anh cho du học sinh để tiện việc đăng ký hoặc làm hồ sơ du học. Những khác biệt trong cách sử dụng tên môn học gây rất nhiều khó khăn cho du học sinh Việt Nam.
Quay lại ví dụ về môn toán tại ĐH Việt Nam, trong bảng điểm tiếng Anh của ĐH Việt Nam được dịch là Mathematics, trong khi đó môn Toán tại ĐH ở Mỹ được chia ra: Calculus 1, 2, 3 hoặc Linear Algebra (Đại số tuyến tính)…
Khi nộp đơn vào các trường sau ĐH, học sinh thường được yêu cầu hoàn tất những lớp căn bản, trong đó có Calculus 1 và 2. Nhưng vì môn toán trong bảng điểm Anh của du học sinh Việt Nam không có ghi là Calculus hay Linnear nên không được tính như đã hoàn thành, cho dù đã học hết tất cả Calculus và Linear Algebra.
Một ví dụ khác, môn Điện được dịch là Electricity (Experiment), cách dịch này gây thắc mắc không những cho trung tâm dịch thuật mà cả trường ĐH khi xét tuyển học sinh Việt nam. Bởi Điện (hay Electricity) được xếp vào nhóm Vật lý (Physics), chính vì vậy mà tại Mỹ không có môn học Electricity.
Những SV tại ĐH Việt Nam học khá sâu môn điện, thì nên được dịch là Electrology (Dien hoc). Còn phần thực hành nên dịch là With Laboratory hay ngắn gọn là With Lab thay vì dùng Experiment (có nghĩ là thí nghiệm đơn giản, hoặc thử nghiệm).
Theo Tư Vấn Du Học, các trường ĐH Việt Nam nên mã hóa các môn học tương ứng với các nước trước khi có một hệ thống chuyển đổi mã môn học thống nhất. Điều này rất có lợi cho học sinh Việt Nam khi đi du học. Các trường ĐH Việt Nam có thể chuyển đổi qua nhiều hệ thống giáo dục của các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Đức… như rất nhiều nước đã áp dụng.
Thứ hai là các trường ĐH Việt Nam cũng nên tự định lượng văn bằng cho học sinh của mình qua cách cho điểm của các nước, chẳng hạn từ 8 điểm đến 10 là A, từ 7 đến 8 là B… Điều này tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam vào những trường ĐH và sau ĐH tại nước ngoài.
Và cuối cùng là nên cập nhật thông tin về môn học, để có thể dịch chính xác, tương ứng với cách sử dụng của các nước.
Với tình hình học sinh Việt Nam du học ngày càng tăng nhiều, trên đây thật sự là những điều cấp thiết để học sinh Việt Nam có thể hòa nhập nhanh chóng trong quá trình học tập tại nước ngoài.