Cho đến nay chưa có quan niệm chính thống thế nào là “trường điểm”. Cơ quan chức năng của ngành giáo dục luôn khẳng định chất lượng dạy và học giữa các trường (đặc biệt ở thành phố lớn) tương đối đồng đều, nên không đánh giá trường nào là “trường điểm”.
![]() |
Cũng có những phụ huynh không có ý ép con học nhiều. Với họ, trẻ em học cấp 1 chỉ cần “biết ăn biết ngủ biết học hành một ít là ngoan”. |
Tuy nhiên với phụ huynh: “trường điểm” là trường có giáo viên giỏi, cơ sở vật chất khang trang, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, tọa lạc ở vị trí thuận lợi… Được đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm kèm cặp, con mình học lực trung bình sau một thời gian sẽ thành khá, giỏi. Với suy nghĩ đó, họ tìm mọi cách cho con vào một số trường được cho là “điểm”.
Các tiêu chí cơ sở vật chất, vị trí địa lý thì dễ đánh giá, tuy nhiên chất lượng giáo viên của trường điểm thì khó định tính hơn. Các phụ huynh đâu được trực tiếp nghe thày cô giảng để thẩm định trình độ và phương pháp dạy. Cuối học kỳ, họ chỉ biết dựa vào kết quả học tập của con để đánh giá. Mà vấn đề cho điểm của các trường lại là một dấu hỏi to tướng về chất lượng.
Anh Nguyễn Văn Việt, có vợ là giáo viên trường… (yêu cầu giấu tên) nói: “Nhiều trường tiểu học có tỷ lệ học sinh giỏi cao chót vót, nghe mà nức lòng nhưng sự thật không phải vậy. Vợ tôi bảo đó chỉ là “chiêu” của hiệu trưởng để lấy thành tích với cấp trên và để hút học sinh trái tuyến. Cuối năm học vừa rồi, vợ tôi cho một học sinh điểm 8 (mặc dù em này chỉ đáng nhận điểm 5).
Sáng hôm sau, ông hiệu trưởng gọi vợ tôi lên “quạt” cho một trận. Hóa ra em ấy về mách bố. Ông bố gọi điện cho ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng chẳng cần biết mô tê gì mắng giáo viên xơi xơi. Có lẽ ông nghĩ, cho học sinh ấy thành giỏi thì có chết ai, nên bắt vợ tôi phải cho điểm 10. Tuy nhiên, nhà tôi ngoan cố chỉ cho… 9”.
Ví dụ bi hài trên cho thấy, để đánh giá chính xác một trường “dạy tốt, học tốt” là điều không đơn giản. Tiếc là hiện nay nhiều phụ huynh chỉ dựa vào “tiếng lành đồn xa” về một vài trường mà đổ xô vào đăng ký dẫn đến quá tải, thậm chí còn nảy sinh tiêu cực.
Không vào không xong
Ngay khi bước chân vào lớp 1, các em học sinh đã phải gánh trên vai kỳ vọng của cha mẹ. Người thành đạt thì mong con học hành để sau này bằng mình hoặc hơn mình, không lại mang tiếng “hổ phụ không sinh hổ tử”; người không thành đạt thì kì vọng “con sẽ hơn cha”. Gánh nặng đó tuy vô hình nhưng còn nặng hơn cả những chiếc cặp to tướng mà ngày nào các em cũng phải vác đi vác về.
Chị Mai Sương, một phụ huynh học sinh ở quận Cầu Giấy tâm sự: “Vẫn biết bắt con học nặng quá cũng tội nhưng khi làm mẹ mới thấy. Sểnh cái là nó chạy ra hàng điện tử ngồi cả ngày, không kiểm soát lớn lên có khi còn đi chôm chỉa, hút chích. Tôi không hướng nó vào học hành thì hướng vào đâu? Để nó vất vưởng ở trường làng nhàng không yên tâm”.
Cũng có những phụ huynh không có ý ép con học nhiều. Với họ, trẻ em học cấp 1 chỉ cần “biết ăn biết ngủ biết học hành một ít là ngoan”. Nhưng sự đời không mấy khi chiều lòng người. Một phụ huynh tâm sự: “Dạo trước cháu nhà tôi hôm nào về nhà cũng khóc vì không theo kịp bạn bè. Số là cô giáo hỏi cái gì các bạn cũng biết hết còn mình thì không. Thế là các buổi tối thay vì cho cháu nghỉ ngơi tôi lại phải thuê gia sư dạy kèm. Đành phải chạy theo guồng quay của xã hội chứ biết làm thế nào”.
Các nước phương Tây người ta quan niệm mục đích chính của giáo dục ở bậc mẫu giáo và tiểu học không phải thiên về nhồi nhét kiến thức mà chỉ nhằm giáo dục cho trẻ ý thức về cuộc sống, định hướng phương pháp học tập đúng đắn cho trẻ để các em có thể hoàn thiện nhân cách trong các cấp học sau.
Vậy, thay vì “cố sống cố chết” gửi con vào một trường “xịn” phải tranh đua căng thẳng, chẳng để làm gì ở bậc mẫu giáo và tiểu học, các bậc cha mẹ nên cho con học hành vui chơi vừa phải chứ không nên ép học nhiều quá. Các em không có tuổi thơ phong phú thì lớn lên, nhân cách cũng không phát triển toàn diện được.
(Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô)