Đồng nghiệp nhớ những tiếng cười giòn tan ở cánh gà của Phi Nhung mỗi buổi diễn chung, khán giả nhớ giọng hát ngọt ngào và sự nhiệt tình của cô trên sân khấu nhưng ẩn sau đó là nỗi buồn vì thiếu thốn tình thương gia đình lúc nhỏ. Cuối năm 2019, khi làm khách mời cho chương trình Ký ức vui vẻ, nữ ca sĩ rơi nước mắt hồi tưởng thời thơ ấu nhiều sóng gió.
Phi Nhung sinh năm 1970, có cha là lính Mỹ, mẹ là một phụ nữ người Pleiku. Sự xuất hiện của một đứa con lai khi đó được coi là điều không may mắn với gia đình. Vì thế, Phi Nhung vừa chào đời đã được gửi vào chùa. Khi cô một tháng tuổi, bà ngoại thấy cháu gái xinh xắn mới mang về nuôi. Tuy nhiên, em bé bị tách khỏi mẹ vì ông bà ngoại sợ đứa cháu lai Tây trở thành vật cản khiến con gái không thể lấy chồng. Sau đó, cô lớn lên cùng anh chị em họ với sự chăm sóc của bà ngoại, để mẹ đi xây dựng hạnh phúc riêng.
Suốt tuổi thơ, Phi Nhung không được gọi hai tiếng "má ơi". Tám năm đầu đời, cô được bà ngoại nuôi dưỡng, dạy bảo nghiêm khắc. Nếu bị bạn đánh hay trêu chọc, cô cũng sẽ bị bà mắng "Con phải làm điều gì đó sai thì họ mới làm như vậy với con chứ". Thấy bạn bè cùng lớp hay kể được mẹ mua cho cái này, làm cho cái kia, cô bé khi ấy cũng chỉ biết ghen tỵ và ao ước. Năm tám tuổi, Phi Nhung được mẹ đón về sống cùng để phụ giúp việc trông em. Ở cùng nhà nhưng cô chỉ nhìn mẹ từ xa, không dám gọi hai tiếng "má ơi" như các em cùng mẹ khác cha. Cô coi mẹ như thần tượng, rất yêu nhưng không với tới được. Nhiều lần cô đứng ở góc nhà chỉ để ngắm mẹ, gọi nhỏ tiếng "má ơi" cho một mình mình nghe và ao ước có ngày được cưng nựng, yêu thương. Hai năm sau, Phi Nhung trở thành trẻ mồ côi khi mẹ qua đời vì tai nạn.
"Tôi thèm được gọi má lắm nhưng không dám. Đến khi má mất, tôi mới dám cầm chân má mà khóc. Lúc đó, tôi hứa với má sẽ nuôi dạy các em ăn học", Phi Nhung vừa khóc vừa chia sẻ trong Ký ức vui vẻ.
Từ khi mẹ qua đời, Phi Nhung luôn nghĩ nếu có tiền sẽ xây nhà, nhận thật nhiều trẻ mồ côi rồi cho chúng gọi mình bằng má để bù lại tuổi thơ thèm khát hai tiếng "má ơi". Cô muốn chứng minh cho bọn trẻ thấy có mẹ sướng thế nào và để chúng có thể ra đường khoe với mọi người rằng "má tao thế này, thế kia" như ngày xưa cô từng ao ước. Cô thương yêu con nuôi chẳng kém con đẻ vì muốn mang đến cảm giác lúc nào cũng có mẹ bên cạnh chở che, bảo vệ chúng.
Sau thành công ở thị trường hải ngoại, năm 2005, cô về nước ca hát, đồng thời nhận nuôi lần lượt hơn 20 trẻ mồ côi hoặc có bố mẹ nhưng gia đình khó khăn. Một số bé trong chùa được cô chu cấp và một số được đón về ở cùng nhà tại Bình Thạnh (TP HCM). Trong một lần tâm sự với Xuân Lan, Phi Nhung nói cô dạy con nuôi nghiêm khắc như dạy con đẻ, rèn chúng tính tự lập từ nhỏ. Bên cạnh đó, cô còn nhận một số tài năng âm nhạc làm đệ tử truyền nghề. Cô bị Hồ Văn Cường - Quán quân Vietnam Idol Kids 2016 - nhiều lần giận dỗi cũng là vì cách dạy dỗ nghiêm khắc đó.
Con gái ruột duy nhất của Phi Nhung - Wendy Phạm - đã trưởng thành, có thể tự lo cho bản thân với công việc y tá ở Mỹ nên toàn bộ tiền kiếm được từ việc đi hát, cô đều dành nuôi con. Con gái ruột cũng rất ủng hộ việc làm thiện nguyện của nữ ca sĩ. Hai người cách nhau nửa vòng Trái đất nhưng Wendy Phạm luôn động viên mẹ giữ gìn sức khỏe để lo cho các em nuôi. Là bà mẹ đông con nhất làng giải trí Việt, Phi Nhung phải chạy show liên tục, kìm nén thú vui riêng như đi chơi, mua sắm đồ hiệu, tụ họp bạn bè... để đủ tài chính lo cho hơn 20 đứa trẻ cuộc sống đủ đầy, ăn học đàng hoàng đến năm 18 tuổi.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Phi Nhung nói mình trải qua nhiều cuộc tình sâu đậm nhưng không đủ tự tin đảm nhận trọn vẹn vai trò người vợ. Cô chọn cuộc sống độc thân để dồn hết tình thương cho đàn con. "Đời tôi may mắn được những người tốt bụng cưu mang. Ông trời thương nên tôi được là một nghệ sĩ, sống trong sự yêu thương của khán giả. Khi nhận được quá nhiều thứ, tôi phải cho đi".
Ngoài cưu mang hàng chục con nuôi, Phi Nhung còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội cả trong và ngoài nước. Từ ngày còn trẻ, cô đã hay lặn lội vào các vùng lũ để cứu trợ đồng bào lúc khó khăn, gây quỹ xây trường học cho vùng sâu vùng xa. Vài năm gần đây, cô thường xuyên quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng vì lũ lụt ở miền Trung, hạn mặn ở miền Tây...
Từ đầu tháng 6 khi dịch bùng phát mạnh tại TP HCM, Phi Nhung được người thân khuyên về Mỹ sum họp với con gái nhưng vẫn quyết tâm ở lại Việt Nam với lý do: "Sài Gòn đang tổn thương nặng, nhiều người còn khổ vì dịch thì mình ở lại, có khi lại có ích. Chừng nào mọi thứ ổn hơn, mình đi đâu cũng không áy náy". Thế là cô quyết định bỏ vé, ở lại và bắt đầu hành trình thiện nguyện mới. Nữ ca sĩ đóng góp cho Quỹ Vaccine, kêu gọi ủng hộ mua máy thở giúp bệnh nhân Covid-19, phát gạo cho người nghèo, nấu ăn tại các bếp từ thiện để hỗ trợ thực phẩm cho người vô gia cư.
Khi gặp thị phi vì làm từ thiện, Phi Nhung vẫn khẳng định: "Tôi hạnh phúc nhất khi giúp được người khác, dù hay bị nói làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi. Tôi không quan tâm người ta nói gì về mình. Ở thời điểm này, càng làm từ thiện càng bị săm soi, nghi ngờ nhưng tôi quan niệm sống ngay thẳng chẳng có gì phải sợ. Nếu có cơ hội và nhiều tiền, tôi vẫn tiếp tục duy trì công việc này. Mà không có tiền chúng ta vẫn có thể làm từ thiện bằng sức lao động. Từ nhỏ, tôi đã nghĩ vậy và luôn làm theo những gì mình thích".
Biết công việc mình làm dễ rủi ro, Phi Nhung chăm sóc sức khỏe cẩn thận, xét nghiệm hàng tuần nhưng cuối cùng vẫn bị nhiễm bệnh mà không rõ nguồn lây. Cuối cùng, nữ ca sĩ ra đi lúc 12h15 ngày 28/9 sau hơn một tháng điều trị Covid-19 tại bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng dương 51 tuổi.
Trong thông cáo báo chí cuối cùng gửi đến công chúng, êkíp của Phi Nhung nói cô đã hoàn thành sứ mệnh của mình và giờ nữ ca sĩ có thể quẳng gánh lo đi, khép lại hành trình thiên sứ của mình để yên nghỉ.