Đã gần một tháng kể từ ngày chiếc tiêm kích Su-30MK2 gặp nạn khi đang bay huấn luyện. Gia đình và đồng đội đều thấy may mắn vì sự bình an của phi công Nguyễn Hữu Cường. Trước đó, anh Cường đã 3 lần thoát khỏi sự cố cháy máy bay. Có lần anh còn cứu được cả máy bay.
Một ngày sau khi sự cố máy bay Su-30MK2 xảy ra, những người trong gia đình anh Cường đều nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ông Ngọ (bố anh Cường) liên tục theo dõi thông tin rồi lại lắc đầu lẩm bẩm "nó đã 3 bị cháy máy bay rồi, không còn hy vọng gì rồi".
Còn mẹ anh Cường thì luôn trong trạng thái thất thần, nhưng bà cũng tự hào khi nhớ về những lần trước đây anh Cường bị cháy máy bay. "Đây này, thằng Cường đây này, cái lần này máy bay nó lái bị cháy, nó cứu được cả máy bay mà người vẫn an toàn, còn được đơn vị biểu dương nữa”, bà chỉ vào bài báo có tấm hình anh Cường.
Nhắc lại kỷ niệm lần cứu máy bay, anh Cường chia sẻ: “Trong những lúc khó khăn anh chỉ nghĩ hãy cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”. Nếu tính cả lần gặp nạn với Su-30MK2 vừa rồi thì không phải là 3 mà đã là lần thứ 4 anh gặp bất trắc trong quá trình bay. Ba lần trước anh đều hạ cánh an toàn, còn tai nạn vừa rồi đã cướp đi của anh người đồng đội, người anh thân thương như ruột thịt.
Lần đầu tiên anh Cường gặp sự cố máy bay là vào ngày 15/5/2010 khi đang là thượng úy - Biên đội trưởng, Phi đội 1, Đơn vị C21 (Đoàn B71). Hôm đó, anh lái chiếc tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 5284 bay huấn luyện thực hành. Khi đang ở độ cao lớn anh thấy đèn báo cháy nhấp nháy, ngay lập tức anh báo với chỉ huy bay.
Trong lúc đang bay ở tốc độ lớn, hiệu ứng phanh kém hơn bình thường, không thể đột ngột giảm tốc nên anh Cường bình tĩnh điều khiển máy bay bay theo đường xuống chuẩn, thu vòng quay nhẹ phù hợp với trọng lượng rơi của máy bay. Bay vòng thứ nhất, anh nhìn ra phía sau thì thấy đuôi máy bay đang cháy. Đứng trước nguy hiểm đang cận kề tính mạng, anh vẫn bình tĩnh quyết định bay vòng thứ 2 để hạ cánh.
Khi tốc độ đã giảm đáng kể, anh cho máy bay hạ thấp độ cao, tiếp đất chỉ bằng 2 bánh chính. Máy bay trượt trên đường băng rồi dừng lại, các đồng đội đã chờ sẵn cùng với phương tiện chữa cháy ra ứng cứu. Thấy anh Cường nhảy ra từ buồng lái, đồng đội ai cũng mừng vui khôn xiết. Sau 2 ngày nghiên cứu, các chuyên gia kỹ thuật kết luận nguyên nhân do nứt đường ống dẫn dầu thừa phía ngoài động cơ do lâu ngày bị oxy hóa.
Không chỉ riêng nước ta mà theo thống kê, năm 2015, trên thế giới Mỹ có 10 vụ rơi máy bay quân sự, điển hình là hai vụ tai nạn tại Căn cứ không quân Nellis, Nevada năm 2004 và 2009 đã khiến Mỹ mất hai tiêm kích tàng hình F22 có giá 361 triệu USD mỗi chiếc. Các nước như Trung Quốc cũng có 5 vụ, Nga, Pháp (mỗi nước 2 vụ)… Riêng về dòng tiêm kích Su-30, Ấn Độ từng mất 6 chiếc trong mấy năm qua, Nga mất một chiếc tại Triển lãm hàng không quốc tế tại Paris tháng 5/1999 và Venezuela cũng bị rơi một chiếc vào tháng 9 năm 2015.
Với những người phi công của Quân đội Việt Nam, máy bay ngoài là cỗ máy chiến đấu thì nó còn là người bạn, là tài sản của nhân dân.Thế nên, từ trước đến nay không ít trường hợp phi công bay gặp nạn đều quyết tâm bảo vệ máy bay an toàn bằng mọi giá.
Như Trung tá Phi đội trưởng Nguyễn Xuân Tuyến cứu máy bay Su 30-MK2 trên biển ngày 9/4/2011, khi đang làm nhiệm vụ bay tuần tiễu quần đảo Trường Sa. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, cách đất liền 600 km, đèn báo nguy trên máy bay bật sáng. Đồng hồ báo áp suất dầu của động cơ trái đã tụt về 0 cùng lúc người bay phía sau thông báo có khói đen phụt ra từ động cơ. Ngay lập tức, phi đội trưởng Nguyễn Xuân Tuyến báo cáo về chỉ huy bay và xin tắt một động cơ. Với kinh nghiệm của người có trên 1.500 giờ bay, Nguyễn Xuân Tuyến đã bình tĩnh điều khiển chiếc tiêm kích tiếp đất thành công.
Vì thế, khi các chuyên gia kỹ thuật Nga sang làm việc và được nghe những câu chuyện về phi công của ta cứu máy bay đã phải thốt lên: “Chúng tôi thật sự ngưỡng mộ phi công của các bạn. Họ giỏi và rất dũng cảm. Có những tình huống nếu là phi công ở Nga hay các nước khác thì họ đã nhảy dù để bảo toàn tính mạng. Nhưng với phi công Việt Nam, họ vẫn bám máy bay đến cùng, bình tĩnh xử lý và hạ cánh an toàn".
Theo VTC