Giành hai Grand Slam vào các năm 2011 và 2014 là chiến tích thần kỳ của tay vợt người Trung Quốc Li Na. Tuy nhiên thành quả của nữ VĐV 33 tuổi không phản ánh hoàn toàn bộ mặt nền quần vợt Trung Quốc. Nhiều đánh giá cho rằng, để vươn xa, Trung Quốc sẽ cần những thay đổi hướng đến cá nhân hơn là phát triển theo chiều rộng như hiện nay.
Sự hiện diện của 12 tay vợt nữ Trung Quốc trong top 200 thế giới, chỉ sau Nga, Mỹ và CH Czech cho thấy sự đi lên của quần vợt tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Li Na là người góp công lớn vào sự phát triển của làng banh nỉ Trung Quốc khi là tay vợt châu Á đầu tiên vô địch một danh hiệu đơn Grand Slam. Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng sẽ khó có thêm những nhà vô địch Grand Slam mang quốc tịch Trung Quốc nữa vì sự bất cập trong hệ thống thể thao nước này.
Simon Chadwick, Giáo sư chiến lược kinh doanh thể thao tại đại học Coventry của Anh cho hay: "Phát triển thể thao kiểu công nghiệp như Trung Quốc có thể thích hợp cho các môn thể dục dụng cụ nhưng tennis thì không. Quần vợt đòi hỏi sự tập trung một cách rõ ràng vào sự phát triển của mỗi cá nhân". Để đưa quần vợt trở thành một môn thế mạnh, Giáo sư Chadwick cho rằng Trung Quốc sẽ phải thay đổi tư duy làm thể thao hiện tại: "Đường lối phát triển thể thao của Chính phủ Trung Quốc tỏ ra mâu thuẫn khi có cách làm thiếu căn cơ nhưng lại có tham vọng tỏa sáng ở đấu trường thế giới".
Li Na là một trường hợp đặc biệt của quần vợt Trung Quốc. Cô từng bị buộc thôi chơi cầu lông để đánh tennis khi còn ít tuổi. Trong một quyết định nổi tiếng, cô tuyên bố tách khỏi thể thao nhà nước năm 2008, tự tìm nguồn tài trợ để tiếp tục thi đấu và thuyết phục chồng làm HLV. Trải qua nhiều năm khó khăn và chịu sự soi mói của truyền thông, Li Na vượt qua tất cả để trở thành một siêu sao quần vợt tại quê nhà.
Đức Anh