Chân vòng kiềng là trục đứng của chân không thẳng, trọng lượng cơ thể dồn lệch tâm nhiều vào bờ trong khớp gối và khớp cổ chân. Bệnh có thể gây nhiều ảnh hưởng, đặc biệt với những trường hợp nặng như nguy cơ thoái hóa khớp gối và khớp cổ chân.
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với những người trên 18 tuổi, tập phục hồi chức năng và đi nẹp chỉnh hình không còn hiệu quả, cần can thiệp phẫu thuật để chỉnh lại trục xương.
Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật chỉnh biến dạng chân vòng kiềng, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau. Trong đó, phương pháp mới nhất là cắt xương chỉnh trục và ghép xương, kết xương bằng nẹp khóa.
Phương pháp này có những ưu điểm. Đầu tiên là vị trí cắt xương ở chỗ cong nhất, ở ngay dưới mâm chày, không can thiệp vào khớp gối, nên sau mổ cơ bàn chỉnh được gần hết biến dạng (chỉnh được 90 – 95%). Khi cắt xương chỉnh trục và ghép xương vào chỗ khuyết xương, có thể tăng chiều cao của cơ thể 1– 2cm. Kết xương bằng nẹp khóa vững chắc nên không phải bó bột, sau 2 tuần cắt chỉ là tập phục hồi chức năng, sau 3 tuần tập đi được nhẹ nhàng, không phải dùng nạng, sau 4- 6 tuần đã đi lại bình thường. Đường mổ nhỏ, chỉ khoảng 3– 4cm, lại ở mặt trong gối nên đảm bảo thẩm mỹ.
Bác sĩ Đoàn nhấn mạnh, phương pháp phẫu thuật chỉnh trục chân vòng kiềng được các bác sĩ chỉ định trong từng trường hợp. Theo đó, với trẻ nhỏ, chỉ phẫu thuật khi bị biến dạng nặng, các phương pháp điều trị nội khoa không kết quả. Với người lớn trên 18 tuổi, phẫu thuật khi các sụn, hệ xương khớp đã phát triển ổn định, các phương pháp điều trị nội khoa không đem lại kết quả. Với người trên 60 tuổi, xương bắt đầu thưa, loãng, cần hết sức cân nhắc phương pháp phẫu thuật cắt xương chỉnh trục, nếu đau nhiều nên thay thế bằng phẫu thuật thay khớp nhân tạo.
Quy trình phẫu thuật chân vòng kiềng bao gồm:
Trước mổ, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra dáng đứng và đi, tư vấn trực tiếp về kỹ thuật, thời gian, chi phí và thời gian phục hồi... Chụp phim xương cẳng chân, chụp CT đo chiều dài, trục chi dưới, đo góc mở của khớp gối, trao đổi chi tiết về khả năng sau khi phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân cần xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp tim phổi điện tim... để kiểm tra toàn bộ các chức năng, đảm bảo cho ca mổ đại phẫu được an toàn.
Quá trình mổ sẽ tiến hành giảm đau bằng gây tê tủy sống, có đặt thêm giảm đau ngoài màng cứng để giảm đau liên tục trong 3 ngày sau mổ, do vậy trong suốt quá trình mổ và sau đó gần như không đau. Thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 2 giờ cho cả 2 chân.
Sau mổ, bệnh nhân sẽ nằm điều trị nội trú 3- 5 ngày. Ra viện, dùng thêm thuốc theo theo chỉ định và tập phục hồi chức năng, kiểm tra định kỳ 2 tháng một lần.
Bác sĩ Lê Văn Đoàn đã có hơn 30 năm kinh nghiệm với chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ. Thế mạnh của bác sĩ là phẫu thuật kéo dài chân, đặc biệt phẫu thuật kéo dài chân cải thiện chiều cao cho bệnh nhân có nhu cầu và phẫu thuật chỉnh chân vòng kiềng.
Qua thời gian nghiên cứu, thực hành và tham khảo các kinh nghiệm phẫu thuật trên thế giới, bác sĩ Đoàn đã liên tục cải tiến dụng cụ và kỹ thuật phẫu thuật phù hợp với điều kiện kinh tế và nhân trắc học của người Việt Nam, nên kết quả phẫu thuật là nhanh hồi phục chức năng và thẩm mỹ.
Yên Chi
Tham khảo thêm thông tin về Dr Đoàn tại:
Facebook: https://www.facebook.com/drdoankeodaichan
Website: www.drdoan.vn