Mới đây, ông Nguyễn Văn Son, tác giả của khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) đã công phố phát hiện trận đồ trấn yểm trên sông Sào Khê, từ thời nhà Đinh, nhà Lê. Tại địa điểm này, ông đã phát hiện cả trăm bộ xương người, cùng xương hổ, voi, gấu, mà theo ông là nạn nhân của các cuộc tế sống nhằm trấn yểm long mạch. Điều lạ lùng là, một số nhà phong thủy, tâm linh bí ẩn, cũng bị thôi thúc bởi một thế lực bí ẩn để tìm đến trận đồ trấn yểm này, nhằm làm đàn lễ giải oan cho các oan hồn bị tế sống.
Ở Tràng An có hai địa danh là Tràng An và Tràng An cổ. Tràng An là khu vực mới được xây dựng khang trang, hoành tráng. Khu vực khe núi này được đắp đập, trữ nước, các quả núi được đào thủng, tạo thành những dòng sông ngầm, du khách đi thuyền thưởng ngoạn cả ngày mới hết. Tràng An cổ nằm cạnh đó, khá khiêm tốn, vắng khách hơn, nhưng đây mới thực sự là Tràng An.
Ông Nguyễn Văn Son đã khảo sát, thiết kế, rồi người em họ, là đại gia Nguyễn Xuân Trường xây dựng khu Tràng An mới, còn ông lui về làm ông chủ khu Tràng An cổ. Tràng An cổ đầy bí hiểm, nhưng là nơi ông xác định gắn bó cả đời.
Lần về Tràng An cổ này, ngoài chị Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tâm linh (cơ quan trực thuộc UIA), còn có anh Lê Thái Bình, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt ở Hà Nội. Anh Bình là thầy giáo dạy thiền, hướng dẫn hàng trăm người tập thiền để nâng cao sức khỏe, khám phá những bí ẩn của bộ não.
Anh Bình tâm sự: “Tôi tốt nghiệp đại học, không phải người u mê tin vào những chuyện dị đoan, nhưng những thứ tôi trải qua, chứng kiến thì không thể nào dùng lý luận khoa học để bác bỏ được”. Cách đây 2 năm, mỗi khi thiền định, Lê Thái Bình lại cảm nhận thấy hình cái giếng rất sâu, trong giếng có quyển sách, cái kiếm. Mới đây, anh Bình cùng đệ tử về chùa Bái Đính cổ để bái Phật, rồi vòng về khu du lịch Tràng An. Khi xe chạy qua đường hầm xuyên núi, đến khu vực Tràng An cổ, thấy hình thế núi non rất lạ, nên anh bảo lái xe rẽ vào.
Vừa bước chân qua cổng, thì anh gặp ông Nguyễn Văn Son. Biết ông là Chủ khu du lịch, anh Bình bảo: “Ở đây có cái giếng nào sâu lắm, sâu không có đáy không ông?”. Ông Son gật đầu bảo, có cái giếng rất sâu trên núi, gọi là giếng Trời.
Nghe ông Son nói vậy, anh Bình phăm phăm leo lên núi xem chiếc giếng sâu hun hút vào lòng núi. Nhìn thấy giếng, anh Bình khóc rất to. Quay xuống núi, anh Bình bảo ông Son phải làm đàn tế thật to, để giúp các oan hồn nơi đây siêu thoát.
Tuy nhiên, khi gặp Lê Thái Bình, ông Son bảo rằng, lần đầu tiên gặp Bình, ông đã có cảm giác rất lạ, như thể là người sẽ giải đáp cho ông nhiều điều khó hiểu ở Tràng An cổ, nơi ông đã gắn bó, xây dựng nhiều năm nay.
Vô số điều kỳ lạ tập trung ở cửa hang Luồn, điểm nhấn của khu du lịch Tràng An cổ, cũng như toàn bộ vùng đất Tràng An, mà ông chỉ có thể bó tay, không sao giải thích. Ông đã moi lên hàng đống xương người, ông đã lập cả một nghĩa địa để thờ cúng chu đáo. Nhưng lý do vì sao lại có nhiều xương đến vậy rồi còn hàng đống tiền cổ, hàng tạ cổ vật kỳ lạ và cả xương hổ, xương voi nữa. Ông luôn trăn trở, những thứ đó, vì sao tập trung ở một địa điểm dưới dòng Sào Khê. Khi được anh Bình gợi mở, ông Nguyễn Văn Son càng tin tưởng hơn vào một huyệt mạch kỳ lạ, một trận pháp trấn yểm, có thể nói là cực kỳ quan trọng từ cả nghìn năm trước.
Những ngày đầu năm lạnh giá, Tràng An cổ chìm trong màn sương bàng bạc, buồn tẻ. Từ phía vách núi, nơi ngôi đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc và ba quân tướng sĩ, phát ra tiếng đàn bầu não nuột. Khung cảnh lạnh giá, vắng vẻ, thi thoảng chỉ có tiếng chim kêu, rừng núi âm u, nghe tiếng đàn bầu mà buồn.
Anh Bình và chị Nguyễn Thị Thu Hương leo đến lưng chừng núi thì tiếng đàn bầu im bặt. Ông Nguyễn Văn Son, dáng cao, gầy, mái tóc vuốt ngược, vầng trán cao, đã đợi sẵn, trà nóng ông cũng đã pha.
Ông Son sinh ra và gắn bó với làng cổ Tràng An (Ninh Bình) 60 năm nay, nên không chuyện gì ở ngôi làng này mà ông không biết. Ngày bé, bên bếp lửa hồng, các cụ già thường kể chuyện về Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu giương cờ lau tập trận. Ông Son tin rằng, vùng đất này chính xác là nơi vua Đinh Bộ Lĩnh dựng nghiệp.
Giai đoạn từ năm 1991 đến 2000, khi là trưởng thôn Tràng An, rồi chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, ông chuyên tâm tìm hiểu lịch sử, phong tục truyền thống, các nhân vật lịch sử. Ông nhận thấy, ngoài Đinh Tiên Hoàng, còn vô số vị tướng, khai quốc công thần liên quan đến vùng đất này. Trong các văn bia khai quật sau này còn khẳng định tướng Nguyễn Bặc đã chiến đấu, rồi chết ở đây. Danh nhân Nguyễn Trãi cũng từng sống ở Tràng An.
Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp sản xuất ngói nung, đào bới đất nhiều, ông Son khám phá ra thêm khá nhiều chuyện lạ. Ngôi đền đổ nát bên con sông Sào Khê, thờ Đinh Tiên Hoàng đã được tìm thấy. Ngôi đền còn thờ 4 vị tướng nữa, gồm Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú. Bốn vị tướng đầu triều thân cận với vua Đinh đều chết thảm dưới triều vua Lê.
Ngoài ra, theo tục truyền địa phương, còn 8 ông tướng nhà Đinh nữa, được Lê Hoàn mời về phục vụ triều đình, nhưng biết rằng nếu ra hàng, sẽ bị giết, nên đã uống thuốc độc tuẫn tiết bên dòng Sào Khê. Mãi về sau, các nhà khảo cổ mới phát hiện ra ở thành phố Ninh Bình có chùa Bát, đã đổ nát hoàn toàn. Ngôi chùa này vốn là đền thờ 8 vị tướng trung nghĩa với triều Đinh, nhưng sợ Lê Hoàn, nên người dân không gọi là đền, mà gọi là chùa.
Để khẳng định xưa kia, nơi đây có nhiều quân tướng tự sát, gây cảnh tang tóc oan khiên vô cùng lớn, ông Nguyễn Văn Son dẫn đoàn lên vách núi, bên phải ngôi đền. Trong vách núi ấy, ông làm một chiếc tủ kính, chứa hàng trăm chiếc bát cổ, cả lành lẫn vỡ.
Để xây dựng hai khu Tràng An và Tràng An cổ, hàng loạt cuộc khảo sát, khai quật tiếp tục diễn ra trên quy mô rộng lớn. Nhiều nền móng đình chùa, nhiều di vật đặc biệt đã được khai quật lên.
Các cuộc khải quật khảo cổ đã làm sáng tỏ thêm nhiều câu chuyện trong sử sách, truyền miệng. Những chiếc bát mà tướng sĩ dùng để uống thuốc độc tự sát là bằng chứng ông Son giữ trong đền để thờ ba quân.
Để chứng minh rằng, vùng đất này chứa chất oan khiên, ông Son đã lấy thuyền chở khách xuyên qua đền Trần vào thung lũng, nơi mà theo ông, có cả nghìn tướng sĩ chết thảm. Vượt qua vách đá, ông Son đi sâu vào thung Thắm. Thung rộng mênh mông, có lẽ đi cả buổi cũng không hết thung lũng này. Thung Thắm thật kỳ lạ, như một vùng đất ngập nước ven biển, với hệ thống si chằng chịt mọc như kiểu sú vẹt. Si không chỉ mọc kín thung lũng, mà tràn lên mấy quả núi, chạy lắt léo qua các thung khác trong một vùng rộng lớn, tạo thành một rừng si nguyên sinh khổng lồ.
Ông Son tiếp tục dẫn khách lên tới đền Trần, đó là ngôi đền nhỏ, xây dựng bằng đá, nằm dưới một mái đá cao vòi vọi. Đền thờ Thánh Minh Đại Vương, tên húy Nguyễn Hiển, em song sinh của Nguyễn Sùng và là em con chú của Sơn Tinh.
Ông kể rằng, theo truyền thuyết, thì tại thung lũng Thắm từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp 1.000 năm trước. Tướng Phạm Bạch Hổ, người trung thành với nhà Đinh, đã đem 1.000 quân vào thung lũng này cầm cự với nhà Tiền Lê, khi Lê Hoàn tiếm ngôi nhà Đinh. Ông lấy thung Thắm làm căn cứ rèn quân, khôi phục binh mã, chờ thời cơ giành lại quyền bính cho nhà Đinh.
Lê Hoàn đã đem quân bao vây thung lũng này, tại đây đã xảy ra hàng loạt cuộc xung đột đẫm máu. Rừng sâu, lương mỏng, quân yếu nên tướng Phạm Bạch Hổ cùng 1.000 quân sĩ đã thiệt mạng. Nhiều quân tướng đã cùng uống thuốc độc tuẫn tiết thể hiện sự trung thành với nhà Đinh. Máu chảy ngập thung lũng, nên từ đó, vụng nước này được gọi là Vũng Thắm (vũng máu). Sau thì gọi là thung Thắm. Ngôi đền được đổi tên thành đền Thắm. Trần Cảnh ngang qua, mới đổi tên thành đền Trần.
Truyền thuyết cũng kể rằng, sau khi chôn cất 1.000 binh sĩ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si. Lạ lùng thay, những cây si do nhân dân trồng trên 1.000 nấm mồ đã mọc lan rộng, đan quyện, dính chặt vào nhau, thành một khối liền như mạng nhện. Cứ theo truyền thuyết, thì hệ thống gốc si này đã có tuổi một thiên niên kỷ.
Nhiều lần, ông đã bỏ công đi cả ngày mà không tìm được một gốc si tách biệt. Ông Son đặt câu hỏi: “Phải chăng những cây si này gắn chặt với nhau biểu thị cho sự đoàn kết, nhất trí của các tướng sĩ?”. Quá trình thu thập chuyện truyền miệng, tìm trong sách sử, rồi quá trình nạo vét, khai quật, ông Son đã phát hiện ra câu chuyện đau thương này.
Theo VTC