![]() |
Khu vực chợ Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước mịt mù bụi đá mỗi khi có xe lớn đi ngang. |
Ông Châu Văn Lộc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau cho biết hai năm nay cứ vào mùa gió là cả nhà phải thở bằng… bụi: “Mấy đứa cháu nội bị bệnh viêm họng, bệnh phổi, tiêu chảy hoài. Mỗi lần bệnh phải đi chích 5-7 ngày mới hết. Hết chẳng bao lâu lại bệnh. Nhất là hai thằng cháu nhỏ Châu Anh Duy, 3 tuổi và Châu Thái Hiệp, 2 tuổi cứ bệnh hoài. Xót ruột quá, tôi phải đưa cháu lên gửi nhà bác chúng nó ở Bạc Liêu”, ông than. Chị Phan Thị Gắm ở số 6, ấp Năm Đãm, xã Lương Thế Trân, Cái Nước, thở dài: “Con tôi là Trần Nhật Thi, 5 tuổi, tháng nào cũng bị bệnh, không phổi thì viêm họng”.
Đã có hàng trăm người sống dọc tuyến quốc lộ 1A ở các xã như Hồ Đắc Kiện (huyện Mỹ Tú), Đại Hải (huyện Kế Sách), Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên)... của tỉnh Sóc Trăng và phường 7, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) thường xuyên đến các cơ sở y tế khám và điều trị các bệnh như ho, sổ mũi, viêm phổi... do nhiều năm nay phải sống chung với bụi.
Bụi còn làm nhiều người bị đau mắt thường xuyên. Ông Tư Khanh (58 tuổi) ở xã Hồ Đắc Kiện nói: “Chỉ một năm thôi mà mắt tôi bị viêm đến ba lần do bụi ngoài quốc lộ bay vào. Mỗi lần bị bệnh tốn trên 150.000 đồng. Mong sao quốc lộ sớm hoàn thành để bà con đỡ khổ”.
Một ngày tưới nước 4 lần
Hai con của anh Liêu Minh Thiệu, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, Cái Nước (Cà Mau) bị bệnh phổi triền miên. Sợ quá, anh mua luôn môtơ điện về để tưới nước lên lộ. Vợ anh kể: “Ngày nào cũng vậy, chúng tôi phải tưới đến bốn lần nước lên mặt lộ. Tiền điện đội lên thêm trên 100.000 đồng/tháng”.
Y sĩ Châu Thanh Toàn, phó Trạm y tế xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, xác nhận: “Từ tháng 11/2005 đến nay, trạm tiếp nhận trung bình mỗi ngày 15 ca bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ em, tăng bình quân 40% so với thời gian trước. Tôi cho rằng sự gia tăng các bệnh hô hấp năm nay liên quan đến chuyện bụi đường trên quốc lộ bởi những năm trước nữa không có chuyện gia tăng đột biến như vậy".
Sở Y tế Cà Mau cũng cho hay bệnh viêm hô hấp cấp trẻ em từ 97.825 ca ở năm 2004, năm 2005 lên đến 104.445 ca, tăng 6.620 ca. Bác sĩ Dương Trung Thu, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau, nói: “Hai năm gần đây, các bệnh do sự ô nhiễm môi trường gây ra cho trẻ em tăng cao. Các bệnh tăng chủ yếu là tiêu chảy, hô hấp cấp, tả, viêm họng, phổi”.
Ông Thu lo lắng: “Các công trình xây dựng ngày một nhiều là điều ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước có tác hại rất lớn đến sức khỏe người dân”. Y sĩ Nguyễn Văn Lận, phụ trách phân trạm của Trạm y tế xã Hồ Đắc Kiện, cũng cho biết từ ngày quốc lộ 1A thi công đến nay số bệnh nhân bị mắc các bệnh về đường hô hấp đến điều trị tăng trên 20%, trong đó nhiều nhất là trẻ em.
Ngoài bệnh viêm phổi, cát và bụi đá cũng làm nhiều người dân sống dọc tuyến quốc lộ 1A từ Cần Thơ về Năm Căn (Cà Mau) bị các bệnh về mắt.
(Theo Tuổi Trẻ)