Chị Lê Thị Nhan đang chăm sóc bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Do. |
Khuya, ở phòng cấp cứu Bệnh viện (BV) Thống Nhất, TP HCM, ba, bốn người nuôi bệnh chuyên nghiệp kiên nhẫn ngồi bó gối trên ghế đá trước cửa phòng cấp cứu đón đợi bệnh nhân. Trời mưa rả rích. Nghe tiếng hụ của xe cấp cứu vào cổng, một chị chạy theo người nhà bệnh nhân : “Bác ơi, gia đình có cần người nuôi bệnh không?”. Không ai trả lời. Chị lại năn nỉ: “Bà thương con, cho con làm để kiếm chút tiền nuôi mấy đứa nhỏ...”. Sau cái gật đầu của người nhà, chị tất tưởi chạy theo đẩy chiếc băng ca cho bệnh nhân . Đó là chị Nguyệt.
Những khoản nợ oằn vai…
Bà Nguyễn Thị Phụng, một người nuôi bệnh chuyên nghiệp, cho biết nhà có 12 công đất nhưng làm lúa thất hoài. Thấy nhiều người nuôi tôm trúng, bà liều đem đất thế chấp ngân hàng vay 20 triệu đồng để nuôi tôm. Không ngờ tôm chết hàng loạt, còn nợ ngân hàng không thể trả nổi. Bà Phụng nói bà sợ nhất là đến ngày trả nợ ngân hàng mà không có tiền trả.
“Món nợ 20 triệu đồng cứ đeo đẳng mấy năm nay không cách gì trả nổi. Gần 60 tuổi rồi, sức đuối vì thức đêm trông bệnh nhân hoài mà tôi đâu có dám ăn gì. Vậy mà làm hoài cũng chưa trả nổi”, đôi mắt bà Phụng đỏ hoe. Chị Phạm Thị Vẹn (sinh 1964, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) cho biết gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Chị có ba con còn nhỏ, đứa lớn nhất học lớp 7, nhỏ nhất lớp 1. Chồng mất đã mười năm, mình chị nuôi cha mẹ già và các con nên lúc nào cũng túng thiếu. Cũng như bà Phụng, chị Vẹn đang nợ ngân hàng 10 triệu đồng vì mẹ bị bệnh hở van tim hai lá phải nằm viện.
Còn bà Phạm Thị Thảnh (56 tuổi, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) nuôi bệnh ở phòng 227 tuy chỉ nợ ngân hàng 4 triệu đồng nhưng 6-7 năm nay cũng chưa trả nổi. Mấy năm nay chồng bà bị tai biến, yếu liệt người, tăng huyết áp, không làm được gì. Ba năm nay bà tằn tiện từng đồng gửi về thuốc thang cho chồng và nuôi con. “Hằng ngày, hai cha con ổng chỉ dám mua 3.000 đồng thức ăn. Tôi nói ông bệnh đau vậy, cứ mua ngày năm bảy ngàn tiền thịt mà ăn. Ổng buồn: “Bà đi mần cực khổ vầy làm sao tôi ăn thịt cho vô”. Phần bà ở đây mỗi ngày mua 3.000 đồng cơm trắng, 4.000 đồng thức ăn mặn và 500 đồng rau má là tạm đủ”.
Còn rất nhiều những người nuôi bệnh khác đến từ các xã Mỹ An, Đại Biền, Mỹ Hưng, Qưới Điền của huyện Thạnh Phú, hoặc xã Nhuận Phú Tân, Minh Đức của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre; hay xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An; huyện Trần Văn Thời, Cà Mau như các chị, các bà Nguyễn Ngọc Xem, Đoàn Thị Út, Trần Thị Mến, Nguyễn Thị Tuyết Hòa, Huỳnh Thị Yên, Trần Thị Hồng, Lê Thị Giang, Phạm Thị Thùy, Nguyễn Thị Vĩnh, Lê Hồng Cẩm. Nhiều người trong số họ nhà cửa tạm bợ, xác xơ và đều là con nợ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Tình người
Dù hoàn cảnh khó khăn, bế tắc nhưng nhiều người nuôi bệnh vẫn âm thầm vượt qua nghịch cảnh đời mình. Họ chắt chiu từng đồng mồ hôi nước mắt để lo cho cha mẹ, gia đình, tiếp sức con cái bước chân vào giảng đường đại học. Họ chấp nhận thức trắng đêm ròng rã, đi xin cơm ăn, lang thang ngoài cổng BV khi thất nghiệp, đổ bô, dọn dẹp vệ sinh cho bệnh nhân... Đức hy sinh của những con người ấy thật lớn lao.
Chị Lê Thị Nhan (40 tuổi, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) nuôi bệnh ở khoa nội tổng hợp B3, vừa kể vừa liên tục lau nước mắt: “Phận mình nghèo hèn nên tôi quyết chí phải nuôi các con ăn học đàng hoàng. Con gái lớn của tôi đang học đại học năm 3 ngành Đông phương học. Nhưng con gái thứ hai học được năm đầu hệ trung cấp quản lý ngân sách nhà nước lại phải bỏ giữa chừng vì bệnh lupus đỏ, một căn bệnh không thể chữa được. Bây giờ bệnh đã biến chứng sang thận và tháng nào cũng phải đi BV...”. Năm năm qua chị Nhan chỉ nhận nuôi bệnh nặng để có tiền công nhiều hơn lo cho các con. Chị đã theo chăm sóc bệnh nhân ở gần chục BV. Ở BV nào có cơm từ thiện, chị lại xin ăn để dành tiền lo cho con.
Chị Trần Thị Mỹ Dung (42 tuổi, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cũng đang vun đắp ước mơ trở thành bác sĩ của con gái chị. “Năm rồi cháu thi rớt đại học Y dược TP. Nó đang quyết chí luyện thi để năm nay thi lại”.
Nhiều người nuôi bệnh là người chứng kiến những phút giây cuối cùng của BN. Họ vuốt mắt, vệ sinh thân thể, mặc quần áo, đưa thi thể bệnh nhân xuống “nhà lạnh” trước khi người thân của họ đến BV. Giữa bệnh nhân và người nuôi bệnh có khi tình cảm gắn bó như cha con, ông cháu. Nhiều bệnh nhân sau khi mất, người nuôi bệnh theo về cùng gia đình lo ma chay. Có người khóc thương bệnh nhân như cha, như mẹ, tự nguyện ở lại nhà cả tháng để hằng ngày cúng cơm, khói hương cho bệnh nhân .
Chị Lê Thị Nhan cứ gọi bệnh nhân Nguyễn Thị Do (98 tuổi, phường 8, quận Tân Bình, TP HCM) là ngoại. Chị kể: “Hai tháng liền tôi thức trắng đêm bóp tay, chân cho ngoại. Ngoại kêu mệt, kêu đau, tôi nói gọi y tá ngoại không chịu. Ngoại chỉ cần tôi nằm chung, vỗ về như trẻ nhỏ là ngoại chịu. Khi biết ngoại là bà mẹ VN anh hùng có đến bốn lần khóc thương chồng và ba người con hy sinh trong chiến tranh, tôi càng cảm phục. Nghĩ đến nỗi đau của ngoại, tôi thấy sự khổ cực của mình không đáng gì”.
Chị Phạm Thị Vẹn cũng tâm tình: “Thấy người nhà tin tưởng giao hẳn cha, mẹ, chồng, vợ... cho mình chăm sóc tôi cũng cảm thấy vui, thấy công việc có ý nghĩa”. Chị Vẹn cho biết đang nuôi một BN bị bệnh hen suyễn ở phòng 606. Biết hoàn cảnh chị nghèo, mỗi khi chị về quê ông lại cho tiền xe”.
Bà Nga nói trong nhiều bệnh nhân mà bà từng chăm sóc, bà nhớ nhất là gia đình ông Trần Hiếu, nguyên cán bộ cấp cao ở một bộ. Bà nuôi ông Hiếu được một năm thì ông mất. Tuy ông mất đã lâu nhưng vợ ông, gần 80 tuổi, thỉnh thoảng vẫn mang đồ ăn vào tận BV cho chị. Khi chưa có việc làm bà Nga lại ghé nhà vợ ông Hiếu tá túc vài ngày.
Chị Nguyễn Ngọc Xem (38 tuổi, xã Mỹ An, Thạnh Phú, Bến Tre) cũng rưng rưng: “Căn nhà tình thương tôi đang ở là do bệnh nhân Dương Thị Lan (76 tuổi, quận 3, TP HCM) giúp cho. Bà nguyên là đại úy công an về hưu, bị bệnh ung thư gan, mất hồi tháng 9/2006. Biết tôi nghèo, nhà cửa rách nát, trước khi mất bà còn ráng xin cho tôi được ngôi nhà. Ơn của bà lớn lắm”.
(Theo Tuổi Trẻ)