Nguyễn Văn Xuân, một ông chủ xe ba gác bán trái cây dạo, cho biết mình rời quê vào thành phố đã hơn hai năm. 20 tuổi, Xuân đã làm ruộng, bơm gas hộp quẹt, phụ hồ, chạy bàn..., cuối cùng thì bán trái cây dạo quanh các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận...
![]() |
Khi có khách cũng là dịp nghỉ chân. |
Người bạn trẻ Quảng Bình này kể: “Cứ mùa nào có trái cây gì thì bán loại ấy như chôm chôm, dưa gang, dưa hấu, mận...”. Rồi anh tâm sự những ngày đầu mới vào nghề “mắc cỡ, dị lắm!”, bây giờ thì đã biết rao dẻo quẹo, ngọt xớt không thua gì mấy bà, mấy cô.
Thanh, 22 tuổi, quê Nghệ An, vào thành phố cùng mấy người hàng xóm đã gần năm năm. Vóc dáng nhỏ nên đi đâu xin việc Thanh cũng bị từ chối, vì “người ta nói tôi không có sức khỏe, đổ bệnh lại khó cho họ”, Thanh tâm sự.
Thanh bán dừa đã ngót nghét 5 năm, mỗi ngày rảo gánh qua mấy chục con đường, con hẻm với gần tạ dừa trên vai, đến khi ghé công viên thì vừa ngồi bán vừa duỗi cặp chân rã rời. “Thôi kệ, miễn có tiền đúng sức lao động là được”, Thanh bảo.
Còn Tính (quê Quảng Ngãi) vào đời với chiếc xe đạp treo lủng lẳng bánh chưng, bánh giò, bánh gai và một thùng bánh to đùng sau yên xe. Cứ nghe tiếng rao khàn khàn “Chưng (đạp) gai tét giò đ...â...y...!” là khách hàng quen chép miệng: “Mua cho thằng Tính đi, con trai mặt mày sáng láng thế kia mà phải bán hàng rong, tội nghiệp...”. Sự nhiệt tình đó đã làm Tính ngại, tiếng rao quen thuộc bỗng dưng bặt hẳn: Tính đã chuyển sang phục vụ bàn...
Những con hẻm đường Tân Hóa (quận 6), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), quanh chợ Xóm Củi (quận 4) có nhiều thanh niên bán hàng rong tìm điểm thuê, đêm về ngủ xếp lớp trên sàn gỗ, nền gạch hoặc tráng ximăng.
“Chỉ cần có chỗ ngả lưng, tắm rửa, càng rẻ càng tốt, để dành nhiều tiền gửi về quê được”, Thanh cho Tuổi Trẻ biết. Thanh trầm ngâm: "Cái nghề buôn gánh bán bưng lận đận như con nước ròng, nhất là nam giới làm nghề này. Ấy vậy mà không dứt ra được vì kiến thức không có, vốn liếng ít ỏi".
Khó khăn là thế nhưng hầu như trong mắt bạn nào cũng đều ánh lên niềm tin, ước mơ cháy bỏng rất thực tế. Như Huy, 23 tuổi, quê Giồng Riềng (Kiên Giang) bán bắp nấu cho biết đang quyết tâm dành dụm tiền để chuyển sang một nghề khác căn cơ hơn như thợ may, sửa xe.
Riêng Thanh, tuy có duyên với nghề nhưng từ sâu thẳm trong suy nghĩ, anh vẫn muốn tìm một nghề khác cố định hơn gánh hàng rong. Học dang dở lớp 8 nên Thu dự định sắp tới sẽ tằn tiện hơn để dành tiền học bổ túc, cố tốt nghiệp cấp III để tìm việc làm căn cơ hơn. “Có cao xa quá không? Mong rằng ước mơ sẽ không là mơ ước viển vông...” , Thanh bỏ lửng câu nói nhưng trong ánh mắt là cả một niềm tin.
Không ít bạn lại ôm ấp ước mơ đổi đời như Vũ (quê Quảng Ngãi): “Học tới lớp 8 thì nghỉ, cũng biết được dăm ba chữ tiếng Anh. Trước đây nhiều bạn cũng gánh dừa xụi cả vai nhưng nhờ biết chút đỉnh tiếng Anh nên nói chuyện với mấy ông bà Tây, rồi hướng dẫn họ đi du lịch miệt vườn miền Tây. Thế là chia tay... hàng rong”.