Qua kiểm định mới biết rõ độ an toàn của bình gas. |
Sau khi có bài phản ánh về Trạm Kiểm định chai chịu áp lực Hà Nội bỏ qua một số công đoạn kiểm định, gây nguy cơ mất an toàn cho hàng nghìn bình gas, Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết theo thẩm quyền.
Vụ việc trên khép lại, nhưng lại mở ra một vấn đề đó là tình trạng sử dụng bình gas không qua kiểm định mà nguyên nhân xuất phát từ nạn gian lận thương mại, sang chiết gas lậu. Nhiều người cũng không hề biết yêu cầu an toàn tối thiểu ấy để kiểm tra và lựa chọn sử dụng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã có Kết luận thanh tra số 4007/KL-LĐTBXH ngày 13/11 về việc thanh tra đột xuất việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 1.
Kết luận khẳng định: Trạm Kiểm định chai chịu áp lực Hà Nội (thuộc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 1) địa chỉ tại 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội có bỏ qua một số công đoạn kiểm định như quy trình thử áp lực của chai, hút khí gas còn lại trong chai, soi đèn kiểm tra bên trong chai, công nhân làm việc tại Trạm kiểm định hầu hết là lao động thời vụ...
Kết luận thanh tra kiến nghị xử lý theo hướng: Giám đốc trung tâm phải giải quyết ngay những sai phạm về tiêu chuẩn, quy trình kiểm định an toàn đối với chai chứa gas; không được ký kết hợp đồng thuê công nhân của các đơn vị ngoài để tiến hành các bước kiểm định chai; yêu cầu thực hiện đúng trình tự, quy trình kiểm định đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành...
Ngày 21/12, có mặt tại Trạm Kiểm định chai chịu áp lực Hà Nội và nhận thấy đã có sự chuyển biến ở đây. Các công đoạn kiểm định được thực hiện đầy đủ. Lao động cũ đã được thay thế tất cả bằng công nhân có trình độ chuyên môn cao đẳng và trung cấp.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 1, cho biết, trạm đã được bảo dưỡng toàn bộ máy móc, thay toàn bộ gas kế. Trong nhiều năm liền, 2001-2005, trạm có ít việc, có tháng chỉ hoạt động trong vòng 2-3 ngày.
Vấn đề này cho thấy, mỗi năm, số bình gas được xuất xưởng đưa ra thị trường tiêu dùng được kiểm định ở đâu trong khi quy định về an toàn lao động thì có hai loại chai gas cần phải kiểm định, đó là loại từ nhà sản xuất mới xuất xưởng, loại thứ hai sau khi đưa vào sử dụng 5 năm. Qua điều tra bình gas trôi nổi trên thị trường quá 5 năm sử dụng chưa được kiểm định chiếm số lượng rất lớn.
Một trong những lý do khiến người tiêu dùng chọn mua bình gas kém chất lượng là giá rẻ. Khi mới sử dụng gas, nhiều gia đình cũng chọn một đại lý gas chính hãng, được mua bảo hiểm, và điều quan trọng hơn là chất lượng và độ an toàn của bình gas được đảm bảo. Nhưng do giá gas tăng cao, nhiều người đã coi nhẹ an toàn vì "chưa thấy xảy ra vấn đề gì" nên chọn cửa hàng gas gần nhà, thậm chí gọi điện thoại theo số quảng cáo mà không hề biết địa điểm của đại lý gas đó ở đâu, cốt sao giá cả hợp lý và tiện lợi.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gas, có khoảng trên 8 triệu bình gas được đưa ra thị trường, tập trung phần lớn ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... Gian lận thương mại trong kinh doanh gas đang có chiều hướng gia tăng. Mặt hàng gas là loại chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động thì lại càng trở nên nghiêm trọng.
Hiện cũng có nhiều trạm kiểm định an toàn của nhiều cơ quan như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội... nhưng việc kiểm định bình gas là rất ít ở hầu hết các trung tâm bởi nó không đem lại nguồn thu lớn cho các trạm kiểm định. Một phần cũng bởi các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến sự an toàn cho các bình gas.
(Theo Công An Nhân Dân)