![]() |
Ăn nhậu phải có kèm 'em'. |
“Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà …”. Quán vắng, 19h30 chỉ có ba bàn với hơn chục khách, vậy mà ca sĩ Yến Nga còn mở màn bằng cái bài buồn hiu. Vừa dứt, ca sĩ này liền gọi ngay cô bạn tên Thanh lên hát theo yêu cầu của ông Sâm, chủ một cơ sở sản xuất ở Bình Chánh.
Không biết ca hát nhưng theo yêu cầu của ông, cô vẫn gượng bước lên sân khấu nhưng cố lắm cũng chỉ vừa xuống hết câu vọng cổ… rồi nín bặt. Thấy vậy, ca sĩ Yến Nga liền cứu bồ bằng cách cả hai cùng song ca bài vọng cổ “Lá trầu xanh”. Đại gia Sâm có vẻ phật ý. Ông lên sân khấu tặng hoa, nhưng "boa" riêng cho Thanh tờ bạc 10.000 đồng cuộn tròn xỏ qua chiếc lá bàng.
26 tuổi, Thanh đã có thâm niên hơn 10 năm phục vụ ở quán nhậu, rồi tiếp thị bia ở các quán từ quận 6, 11, Tân Bình, Bình Chánh… Thanh chỉ sang hai cô gái phục vụ bàn bên cạnh: một là em ruột, một là bạn. Giọng cô chợt buồn: “Cũng cay đắng trăm bề chứ có khá gì đâu. Nhiều ông khách vào quán là đòi tiếp viên ngồi bên cạnh, rót bia, gắp mồi, lau mặt lại còn… 'khám' khắp người".
Làn sóng dân nhập cư đổ về TP HCM ngày càng đông là cơ hội làm ăn cho các quán nhậu bình dân, hát với nhau, nhất là ở các quận ven và ngoại thành. Hàng nghìn cô gái quê có công ăn việc làm, thế nhưng với họ, từ cảnh “sống nhờ tiền boa” đến việc sa ngã, ranh giới quá mong manh.
Đã gần 23 giờ nhưng quán H.N.M. trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM vẫn nườm nượp khách ra vào. Bích Nga, 33 tuổi, người được mệnh danh là “hoa khôi quán nhậu bình dân” chào bàn rất ấn tượng bằng cú “nốc ao” chai Tiger ướp lạnh. Một ông khách trung niên ngồi gần đó mời đích danh Nga lên sân khấu. Cô được coi là “sao” trong làng hát với nhau, rất được ái mộ và hầu như nhậu… không tốn tiền. Chân dài, gương mặt khá Tây, ăn nói lưu loát nên cô nổi bật ở nhiều quán, khiến nhiều khách “sồn sồn” để mắt. Từ lúc có người bạn mới là chủ một doanh nghiệp, căn nhà trọ của cô ở đường Lũy Bán Bích cũng được lên đời với những tiện nghi đắt tiền.
Trâm quê Đồng Nai và Hồng Mai, 19 tuổi, quê Cần Thơ, là bạn cùng xóm trọ của Bích Nga, mới đầu quân về quán nhậu trên đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM. Hồng Mai than: “Tụi em chạy bàn phục vụ, rảnh phải nhặt rau, rửa chén, quét dọn… Nếu em biết hát thì đỡ cực hơn”. “Hát quán nhậu đâu có nhiều tiền?”. Cô cười, cho biết: “Khách bây giờ vào quán thường boa cho ca sĩ, kết thì bứng luôn”. Cô dẫn chứng: như con Liễu có ông Hưng, 53 tuổi “bảo kê”, một bước là đổi đời. Thường, khoảng 6 giờ chiều, người ta thấy “bố” Hưng đèo cô Liễu trên chiếc Attila đến quán này, quán nọ mua vui vài bài.
Hiếm hoi những cuộc đổi đời
Người dân ở khu Vĩnh Lộc A, Bình Chánh từng chứng kiến một trận đánh ghen nảy lửa khi nhắc đến cô Lựu. Có một tiệm uốn tóc nhỏ, nhưng Lựu rất mê... nhậu, đặc biệt là màn hát với nhau. Ít thì tuần nhậu 1-2 lần, còn nhiều thì ngày nào cũng uống. Mà đã uống vào thì bao giờ Lựu cũng lên sân khấu biểu diễn. Thế nên, tiền cô kiếm được từ khách boa ở quán nhậu nhiều hơn nghề uốn tóc. Dáng trung bình, hát không hay nhưng Lựu có bước nhảy khá chuẩn nên nhiều bợm nhậu chết mệt.
Ông Trung, người mà Lựu giới thiệu là ông xã cũng gặp cô trong một lần hát với nhau. Trung ngoài 40 tuổi, làm việc ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đã có vợ con ở Bình Phước. Từ lúc quen với Lựu, ông Trung “ở trọ” gần công ty cho tiện, 3-4 tuần mới về nhà. Chỉ đến khi vợ ông tìm đến tận nơi, đánh ghen một trận tơi bời thì hàng xóm mới vỡ lẽ. Sau biến cố đó, Lựu chuyển tới ở đường Tân Kỳ Tân Quý. Hơn 8 tám năm lăn lộn ở đất Sài Gòn, Lựu được coi là may mắn. Hiện giờ, cô đã là chủ, có phần hùn và đang quản lý quán nhậu sân vườn ở Bình Hưng Hòa.
Mới đây, trong lần gặp lại, “hoa khôi” Bích Nga cho hay, cô đã dành dụm được ít vốn và chuẩn bị mở quán cà phê nhỏ ở quận 5. “Cứ bám riết cái cảnh sống nhờ quán nhậu, nhờ tiền boa tôi thấy nhục quá. Tôi muốn tự mình làm cái gì đó, tôi sẽ để dành tiền mai này về Cần Thơ mở một tiệm uốn tóc nhỏ tại nhà”.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)
*Tên nhân vật đã được thay đổi.