Ngày rời Kế, số tiền "ký lưu" kỷ lục so với các phạm nhân tại đây được Bùi Tiến Dũng chia hết cho bạn tù... Cũng chẳng đáng là bao so với số tiền thua bạc.
Tiền nhiều chẳng làm gì
Tại tất cả các trại tạm giam trên cả nước, để tránh tình trạng thực phẩm, đồ dùng người nhà tiếp tế cho phạm nhân không đảm bảo an toàn, an ninh hoặc đồ cấm được giấu đưa vào cho phạm nhân, nên mỗi trại đều có căng tin. Người nhà lên thăm người thân chỉ việc nộp tiền ký lưu, phạm nhân muốn dùng gì thì đến căng tin mua, chủ hàng sẽ trừ dần vào số tiền ký lưu ấy. Hàng hoá tại căng tin cũng được quy định kỹ về chủng loại, mặt hàng, đơn giản chỉ có kẹo bánh, hoa quả, ruốc, muối vừng, muối lạc... Và để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho phạm nhân, một tuần mỗi phạm nhân chỉ được tiêu xài tối đa 200.000 đồng.
![]() |
Bùi Tiến Dũng bị dẫn giải về trại sau phiên xử ngày 1/8. |
Tại Kế, có khoảng triệu bạc trong sổ ký lưu coi như đã là hàng đại gia, riêng Bùi Tiến Dũng tiền ký lưu luôn trên 10 triệu đồng. Lúc rời trại số tiền ký lưu là 13 triệu đồng, nếu đúng theo quy định của trại thì Dũng phải ở thêm 2 năm nữa mới tiêu hết số tiền ấy. Cũng chính bởi quy định "tiêu pha dè xẻn” của trại nên Dũng cũng thiếu thốn như ai. Hơn nữa, trại Kế không cho chuyển tiền từ người này sang người khác nên Dũng càng không được phép ăn chơi.
Số là: Trong phòng, hầu hết mấy anh em tù khác đều phạm tội hình sự, mà theo câu vè trại Kế thì: "Kinh tế núc ních, khúc khích an ninh, chết bất thình lình, là thằng hình sự". Phạm kinh tế thì có điều kiện kinh tế nhất nên thường béo tốt, phạm an ninh hầu hết là mấy vị có tí máu văn nghệ thơ văn, khổ sở nhất. Chỉ có phạm hình sự, đầu chày đít thớt, túng thiếu, toàn ăn trộm ăn cướp, cờ bạc, lừa đảo tiền ký lưu hầu như không có.
Phòng 5 người thì chỉ Dũng có điều kiện hơn cả, nhưng mỗi tuần chỉ được mua 1 suất hàng 200.000 đồng, chả lẽ lại dùng một mình, nên túng thiếu là chuyện thường. Cứ khi cuối tuần, kỳ giáp hạt (đầu tuần mới được mua hàng), Bùi Tiến Dũng với vị trí "lái xe" ra lấy cơm đều xin "trật tự" (tù đã thành án được giữ lại trại làm công việc vặt) thêm ít bột canh để ăn, thức ăn của các trại tạm giam hiện nay đều đảm bảo sức khỏe cho phạm nhân, tuy nhiên do không được vận động nhiều, lượng Gluxit (chất chính để sản sinh năng lượng) trong người tù nhân cao nên rất thèm ăn mặn. Cơ thể phạm nhân cần muối (Natri Clorua) để trung hoà lượng Glu-xit thừa. Vì thế, tuy đang sở hữu số tiền dù không lớn so với hàng triệu đô cũng vào hàng giàu nhất trại, nhưng Bùi Tiến Dũng vẫn phải đi xin muối ăn cơm vào những ngày "giáp hạt".
Thiếu món mặn thì cũng chẳng lo vì dù sao khẩu phần ăn của trại viên trại Kế đều đủ dinh dưỡng. Dũng vẫn béo tốt, tướng tinh oai phong như thường nhưng điều đau khổ nhất của họ Bùi nằm trên mái tóc. Ở những tấm ảnh trước đây trên báo, mái tóc Dũng đen nhánh, quá hợp với hình ảnh của ông giám đốc trẻ tài ba, nay mới biết hoá ra là tóc nhuộm. Trong trại lấy gì mà "sơn tút" lại dung nhan, mái tóc họ Bùi trở nên lấm tấm hoa râm như mấy câu trêu đùa của nhóm "sĩ quan": "Thằng này làm giám đốc có khác, suy nghĩ nhiều bạc cả đầu…".
“Kịch khung” tớ cũng chỉ bị 7 năm
Từ khi bắt đầu về trại Kế, Bùi Tiến Dũng hầu như trở thành một con người khác. Vốn thích ồn ào, trước đây ông Tổng này tham gia hầu hết vào các giải bóng đá, hát hò của công ty tổ chức, nay khác hẳn. Bị chuyển đi trại tạm giam tại các địa phương cách xa cơ quan điều tra là điều khủng khiếp với các phạm nhân, có nghĩa là án cực kỳ nghiêm trọng.
Trước đây, những vụ án nổi tiếng, nghiêm trọng, nhiều án tử đã có Hải "Bánh", Năm Cam bị chuyển từ TP HCM về trại tạm giam tỉnh Tiền Giang. Lúc mới về trại, dù đã quen vị cơm tù vài tháng nhưng Dũng vẫn bỏ ăn hơn 1 ngày.
Những ngày sau đó, mỗi khi lấy cơm, phơi quần áo, Dũng đều nhớn nhác lấy câu chuyện làm quà, bắt quen với "trật tự", những người có điều kiện đi khắp trại tạm giam, tiếp xúc với nhiều người, biết nhiều chuyện như một trung tâm thông tin của trại.
Khoảng sau hơn 1 tuần Dũng mới dám mạnh dạn hỏi "trật tự": "Có thấy anh Tiến (Nguyễn Việt Tiến) bị chuyển về đây không?". Khi được "trật tự" thông báo rằng: "Họa chỉ có điên người ta mới chuyển phạm nhân cùng vụ về một trại, để chúng mày thông cung à?", Dũng vẫn không tin mà gặng hỏi thêm nhiều lần nữa.
Trong khi đó, không một lần, Dũng hỏi về số phận của Nguyễn Quang Hưng (đầu vụ của vụ đánh bạc mà Dũng dính phải), dường như tội danh đánh bạc với Dũng không có một ký lô giá trị nào cả.
Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 9/2006, sau khi về trại Kế 1 tháng và sau hai lần về Hà Nội "đi cung", Dũng vui vẻ lên trông thấy. Có lần Dũng nói chuyện với "trật tự": "Mình bị xử kịch khung chỉ 7 năm là cùng"- (Mức án cao nhất cho tội đánh bạc là 7 năm). Quả thật sau này, qua gần hai năm điều tra, tội danh lớn nhất của Bùi Tiến Dũng bị đưa ra xét xử chỉ là "đánh bạc" và hối lộ.
Những ngày cuối ở trại Kế, Dũng rất vui. Thậm chí những đêm liên hoan trại, Dũng còn là một ca sĩ "sô lít". Nói là liên hoan cho oai, thực ra là mỗi đầu tuần khi được gặp người thân, nhận đồ tiếp tế, các phòng đều tổ chức văn nghệ, hát hò, rồi lại hát giao lưu với các phòng khác qua khe cửa hẹp.
Hát trong phòng thì không cần “trình độ” lắm, nhưng được cử làm đại diện phòng hát giao lưu thì phải là dạng "ngôi sao", ít nhất giọng hát phải to, âm vực rộng thì các phòng khác mới nghe thấy được.
Bài nổi tiếng nhất của phòng B5 với ca sĩ chính là Bùi Tiến Dũng là bài "Liên khúc nghèo" (rất ăn khách trong các quán Karaoke): "Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo...". Ngày rời trại Kế, tháng 1 (trước Tết Âm lịch ), khi số tiền ký lưu được phép điều chuyển, toàn bộ số tiền 13 triệu đồng được Dũng chia hết cho anh em bạn tù cùng phòng.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)