- Nhiều tháng nay, các hoạt động giải trí tại hải ngoại 'đóng băng' vì dịch bệnh và an ninh bất ổn. Không thể đi hát, anh làm gì?
- Tôi làm nghề tay trái. Ở Mỹ, ai cũng có một hoặc nhiều nghề khác nhau để nuôi sống bản thân. Bên này, ca sĩ không thể sống nếu chỉ trông chờ vào đi hát.
- Anh có bao nhiêu nghề tay trái?
- Tôi mở studio để sản xuất âm nhạc, biên tập, thu âm và quay MV cho các ca sĩ trẻ. Ngoài ra, tôi có lớp dạy thanh nhạc. Thời gian khác thì mua bán các thiết bị phòng thu, kinh doanh máy điện giải lọc nước...
- Có gì liên quan giữa âm nhạc và kinh doanh online?
- Kinh doanh online, dù là sản phẩm gì, cũng chẳng liên quan tới nghệ thuật. Để khởi nghiệp, tôi bắt đầu lại từ số 0 và từng bước học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Công việc tự nhiên đến, có cơ hội thì tôi nắm bắt. Tôi muốn mình thật bận rộn để không có thời gian shopping. Lớn chừng này, tôi vẫn bị bố mẹ la mắng vì rảnh rỗi là mua sắm, đổi xe, nâng cấp đồ công nghệ.
- Làm cách nào để Phạm Khánh Hưng có thể cùng lúc làm nhiều việc nơi đất khách?
- Bên này thị trường giải trí không sôi nổi như ở Việt Nam nên chưa tới mức bận cả ngày, cả tuần không bước chân ra ngoài được. Tôi làm phòng thu nhưng vẫn dư thì giờ cho các công việc khác. Nhờ kinh nghiệm làm studio nhiều năm, tôi hiểu về thiết bị nên chỉ cần mua của người cần bán rồi bán cho người cần mua, thế là xong. Công việc nhà phân phối máy lọc nước thì chủ yếu online. Tôi tư vấn cho khách hàng qua điện thoại còn khi bận sẽ nhờ các thành viên trong team hỗ trợ.
- Làm nghệ thuật tại Mỹ, theo anh, có những thuận lợi và hạn chế gì?
- Lúc mới qua Mỹ, tôi sống ở Seattle - nơi có ít người Việt hơn California. Khi đó tôi vừa học, vừa làm cố vấn cho một đài truyền hình địa phương cho tới khi chuyển về California để thuận lợi cho công việc ca hát.
Bên này ưu điểm lớn là công nghệ. Các thiết bị phòng thu rẻ và xịn nên tôi lắp đặt studio cho mình, còn mua giúp các anh em đồng nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên hạn chế là chi phí xây dựng, nhân công rất cao. Giá thi công tính theo giờ, phòng ốc phải đáp ứng các tiêu chí mới đưa vào sử dụng.
Sang Mỹ, tôi rất nhớ, thậm chí thèm cảm giác đứng hát trên sân khấu trong nước. Khán giả hải ngoại rất khác. Họ thích chứ không mê và đặc biệt không thần tượng. Điều này cũng dễ hiểu. Họ sống ở Mỹ, nghệ sĩ Mỹ tài năng và xứng tầm để thần tượng hơn.
- Vậy anh thích ở Mỹ hay Việt Nam hơn?
- Nếu được chọn, tôi thích cả hai. Cứ ở Mỹ lâu lâu là muốn về Việt Nam. Khi ở Việt Nam một thời gian lại kêu: "Ôi, nhớ Mỹ quá!". Chắc giờ tôi có hai quê hương rồi.
- Hầu hết nghệ sĩ Việt sống ở California để phát triển sự nghiệp ca hát còn anh chọn Seattle là điểm dừng chân đầu tiên khi đến Mỹ sau đó mới chuyển đổi. Tại sao vậy?
- Vì ở Seattle nhiều mưa. Tôi rất thích mưa, thích màu trời âm u và đặt tên con gái là Rainy Phạm.
Sau này, khi đón bố mẹ ở Việt Nam qua, tôi chuyển về California vì thời tiết ấm áp hơn. Ở đây, cộng đồng người Việt đông vui hơn nên các cụ dễ dàng hòa nhập.
- Trong 12 năm định cư, anh trải qua hơn một lần di chuyển chỗ ở. Điều gì là khó khăn nhất khi phải học cách thích nghi cuộc sống mới?
- Tôi may mắn hơn nhiều người vì qua Mỹ vẫn có thể duy trì công việc nghệ thuật nên không phải lo nghĩ chi phí cuộc sống. Từ từ, lúc quen dần ngôn ngữ, văn hóa và con người nơi đây, tôi bắt đầu bán hàng online. Mọi thứ vào guồng rất nhanh. Tôi chẳng nhớ về những khó khăn nữa. Ở Seattle hay California, tôi vẫn có những người thân ở bên mình.
- Anh đã về nước mấy lần từ khi ra nước ngoài sinh sống?
- Tôi đã có quốc tịch Mỹ nên việc đi lại dễ dàng và có cơ hội về nước thường xuyên. Lúc thì về vì gia đình, giải quyết việc riêng, có lúc chỉ đơn giản là dự đám cưới một người anh mà tôi xem là ân nhân. Năm 2012, tôi hồi hương một lần để phát hành album "Chờ phone em". Toàn bộ các ca khúc ấy tôi viết khi ở Seattle sau đó ngừng sáng tác tới cách đây hai năm mới bắt đầu viết trở lại.
- Anh vừa nhắc tới con gái đầu lòng Rainy, cô bé thế nào rồi?
- Rainy học lớp ba, đang sống cùng mẹ. Tôi và mẹ của bé chia tay được vài năm sau đó hai mẹ con chuyển sang tiểu bang khác sinh sống nên việc liên lạc chủ yếu qua điện thoại.
Phạm Khánh Hưng nổi tiếng từ năm 2001 với vai trò nhạc sĩ, ca sĩ, sản xuất âm nhạc. Anh là một trong những người tiên phong mở phòng thu tại Việt Nam. Có nhà, xe và khối tài sản lớn khi chưa bước sang tuổi 20, Phạm Khánh Hưng thử sức đầu cơ. Anh mất tất cả vì thất bại trong lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu và quyết định sang Mỹ sinh sống để làm lại.
Nhắc tên Phạm Khánh Hưng, khán giả nhớ đến những ca khúc ăn khách một thời như "Vì sao thế", "Thật lòng xin lỗi em", "Không cần phải hứa đâu em", "Có chắc anh đã yêu em" (kết hợp cùng nhóm Mây Trắng)...
Lam Trà thực hiện