
Hoa hậu Ngô Phương Lan. Ảnh: Hoàng Hà.
- Chị từng được tổng thống Bill Clinton tặng bằng khen về thành tích học tập. Chị có thể kể về điều này?
- Đó là vào năm em tốt nghiệp tiểu học, tôi nhận bằng khen Huy chương vàng của tổng thống Bill Clinton. Nó được tặng cho những học sinh học giỏi nhất, có thành tích học tập trong năm cao nhất. Trường tôi học cũng có 2 bạn nữa nhận được vinh dự này. Năm đó, tôi còn được giải thưởng của một NXB ở bang New York dành cho bài thơ viết về tình bạn (bằng tiếng Anh). Trong gia đình, ba tôi và anh trai ba cũng hay làm thơ. Tiếc rằng, tôi không “theo đuổi” được con đường thi ca đó. Không biết đó có phải là bài thơ duy nhất trong đời mình? (cười).
- Chị hát hay, biết chơi piano, múa giỏi, biết vẽ, thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, xinh đẹp, lại là công dân đa quốc gia. Điều đó là quá nhiều đối với một phụ nữ, chị nghĩ sao?
- Tôi nghĩ không có gì là quá nhiều, không có gì quá đủ. Bởi đã là con người thì không có ai hoàn hảo. Điều quan trọng là biết mình có ưu thế gì để cố gắng phát huy và cải thiện những nhược điểm của mình.
- Bên ngoài nhìn vào, chị là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình thức và tri thức, giữa phong cách Á đông và kiến thức phương Tây. Nếu tự nhìn vào mình, chị thấy điểm yếu của mình ở đâu?
- Tôi nghĩ mình có nhiều điểm yếu, đặc biệt là hơi thiếu kiên nhẫn. Hồi bé ba mẹ cho học đàn, cô giáo nhận xét tôi học khá và nhanh, nhưng tôi bao giờ cũng sốt ruột vì muốn đạt kết quả nhanh nhất để chuyển sang làm việc khác. Vì thế tôi chưa học piano thành tài (cười). Nhưng có lẽ sau này tôi sẽ khắc phục được nhược điểm đó.
- Về xu hướng hôn nhân của con, ba của chị, nhà ngoại giao Ngô Quang Xuân nói: “Đó là duyên số, tôi không nói trước được”. Còn chị có thể nói trước điều gì về người đàn ông của đời mình?
- Tôi muốn đó sẽ là người thông cảm và nói chuyện được với mình, hiểu được nỗ lực của mình và làm cho mình thoải mái trong công việc. Tôi mong muốn người đó sẽ động viên mình tiếp tục phát triển chứ không phải nói rằng: “OK, em hoàn hảo rồi, cứ mãi như thế đi”. Như vậy rất chán.
- Rất nhiều người đẹp nói rằng, anh chàng mà họ muốn tìm phải “cao hơn họ một cái đầu”. Còn chị thì sao?
- Với tôi, chiều cao hình thể không quan trọng. Về kiến thức, tôi cũng mong như vậy, nhưng không quá cứng nhắc. Duyên số cũng là vấn đề, nhưng cái cần nhất vẫn là hai người phải hiểu nhau.
- Trong tiêu chuẩn chọn ý trung nhân, sẽ có bao nhiêu phần trăm hình bóng của ba chị trong đó?
- Mẹ tôi bảo rằng, phải tìm được người như ba mới được lấy (cười). Chắc là anh ấy cũng phải có nhiều phần trăm của ba vì tôi bao giờ cũng xem ba mẹ là thần tượng. Hy vọng sau này tôi may mắn gặp được người quan tâm đến mẹ và gia đình như ba.
- Có thể hiểu rằng người đó chưa hiện hữu?
-Tôi không biết. Có thể người đó đã ở đâu đó mà tôi chưa biết.
- Chị muốn trở thành một nhà ngoại giao giỏi, nhưng cũng rất khâm phục mẹ. Vì từ khi chị 6 tuổi, mẹ đã xin nghỉ việc để theo ba đi sứ. Nếu chồng chị là một nhà ngoại giao giỏi, chị có dám nghỉ việc như mẹ?
- Nếu làm được như mẹ thì rất tuyệt vời vì tôi luôn ngưỡng mộ mẹ. Nhờ những nỗ lực của mẹ, gia đình tôi đã rất hạnh phúc. Nhiều thành công từ tay mẹ mà ra. Đó cũng là sự hy sinh rất lớn của bà.
Nếu giống hoàn cảnh của mẹ thì tôi cũng làm như vậy. Còn nếu có thể thay đổi một chút, tôi nghĩ rằng người phụ nữ mà có sự hài hoà giữa gia đình và công việc xã hội thì tốt nhất.
- Những chuyện gì chị có thể tâm sự với mẹ?
- Chắc là tất cả. Tôi tâm sự với mẹ tôi rất nhiều. Với ba tôi thì chủ yếu là công việc, ba là người rất bận rộn, bao giờ nói với ba cũng phải đi ngay vào trọng tâm.
- Ngay từ nhỏ chị đã đi học ở nước ngoài. Ngoài việc có 100% dòng máu Việt, có cách nào chị thẩm thấu được văn hóa nguồn cội?
- Trong gia đình, ba mẹ luôn gìn giữ những nét đặc trưng nhất, truyền thống nhất của Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến hay ngày 2/9, ba mẹ tôi luôn tổ chức giao lưu gặp gỡ bạn bè và bà con Việt kiều, rất vui vẻ, đầm ấm. Vì thế, dù đi nước ngoài từ nhỏ, nhưng cứ đến Tết là tôi cũng cảm thấy rất hồi hộp, chẳng khác gì những đứa trẻ ở Việt Nam. Mặt khác, về ẩm thực, nhà tôi bao giờ cũng ăn đồ Việt Nam, chứ không ăn đồ Tây. Những cái đó luôn nhắc nhở là mình vẫn ở giữa quê hương.
- Chị có nói sau khi tốt nghiệp đại học rồi sẽ về Việt Nam làm việc. Tại sao vậy?
- Nếu muốn đóng góp cho đất nước thì phải hiểu đất nước. Tôi nghĩ mình sẽ đi làm một thời gian rồi sau đó học tiếp. Những hiểu biết về đất nước và xã hội sẽ hướng cho tôi xem mình sẽ học tiếp cái gì.
- Có một số nghệ sĩ từng trầm trồ khi thấy chị hát và múa. Chị sẽ phát triển thêm khả năng mới này như thế nào?
- Ba mẹ tôi cũng là “người văn hoá văn nghệ”, nên tôi cũng “nhiễm” tính ấy từ nhỏ. Chính mẹ là đạo diễn cho tôi về môn múa.
- Khi căng thẳng, chị làm gì để xả stress?
- Tôi đi ngủ. Bao giờ tôi cũng trong trạng thái thiếu ngủ. Khi tỉnh dậy thì thấy mình hưng phấn hơn.
- Trong một ngày, chị dành bao nhiêu thời gian làm đẹp?
- Không nhiều lắm. Trường ở cũng xa nên tôi phải dậy sớm đi học. Dậy rồi thì dành chủ yếu thời gian cho việc ăn uống, đi lại, học tập.
- Có bí quyết để chị luôn giữ mình tươi vui, xinh đẹp?
- Đó là việc luôn tìm đến những cái đẹp trong cuộc sống. Khi công việc không thuận lợi, nếu suy nghĩ nhiều quá thì rất nhanh già. Nên bao giờ tôi cũng có cách nghĩ và tác phong tích cực. Thêm vào đó, tôi luôn cố gắng giữ cho mình ăn ngủ điều độ.
- Trong ngành ngoại giao chị ngưỡng mộ những ai?
- Trước hết phải là ba rồi. Nếu người ngoài thì tôi ngưỡng mộ chú Phạm Bình Minh, con trai của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Kiến thức cũng như việc đối nhân xử thế của chú đều rất giỏi. Tôi cũng rất thích phong cách và sự giỏi giang của bác Tôn Nữ Thị Ninh.
- Trở lại đêm thi chung kết Hoa hậu thế giới người Việt một chút. Lúc trả lời câu hỏi ứng xử, tâm trạng chị thế nào?
- Trước và sau đó tôi rất run. Nhưng khi trả lời, thì quên hết mọi thứ xung quanh. Sau đó, nếu ai hỏi lại mình đã trả lời thế nào, thì tôi cũng không nhớ. Lúc đó những lời nói tự trào ra thế thôi (cười).
- Sau khi mang vương miện, nụ cười của chị cũng run, vì sao vậy?
- Vâng (cười), lúc đó tôi không hiểu điều gì đã xảy ra. Vì vậy, đi đứng thế nào đều phải có các anh chị đứng sau chỉ dẫn: “Em ơi, đi sang bên trái”, “Em ơi, tiến lên chút”. Tôi cứ thế làm theo răm rắp (cười).
Sở thích của Ngô Phương Lan Món ăn Việt Nam: Tôi rất thích phở. Ở nước ngoài cũng có phở nhưng không ngon như phở Việt Nam, nhất là phở ở Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng thích ăn bún bò Nam bộ, bánh bột lọc, bánh xèo, bánh cuốn, bún chả. Tôi nấu được hầu hết những món đó. Món nào thích, bao giờ tôi cũng phải học bằng được. Chỉ có điều có thể không ngon lắm nhưng mình làm mình phải tự khen thôi. (Cười) Sách truyện: Tôi thích đọc những cuốn sách văn học nổi tiếng thế giới ở thế kỷ 15, 16, 17 như cuốn sách gần đây: Pride and Prejudice (Tạm dịch: Kiêu hãnh và định kiến). Đọc những cuốn truyện như thế này, mình sẽ biết thêm được phong tục, những nét văn hoá ngày xưa và biết thêm lịch sử. Khi đọc sách tôi luôn tưởng tượng mình là một nhân vật nào đó, nên vừa đọc vừa hồi hộp (cười). Âm nhạc: Tôi thích nhiều loại nhạc khác nhau tuỳ theo cảm hứng trong từng bối cảnh. Nhạc Việt Nam, tôi nghe Mỹ Linh nhiều nhất. Nhạc trẻ thì tôi thích Lệ Quyên, Tùng Dương, Ngọc Khuê - những người có chất giọng rất đặc biệt và tình cảm. Phim ảnh: Tôi thích phim chưởng mặc dù bố mẹ không cho xem nhiều vì sợ mê quá mất thời gian. Ngoài ra phim khoa học viễn tưởng tôi cũng thích. |
(Theo Gia Đình Xã Hội)