Thi Lê
(Cuốn sách của tôi)
Lần đầu tiên cầm cuốn sách, tôi bị thu hút bởi cái title Phải lấy người như anh. Vốn cá tính nên một cuốn sách có cái tên ấn tượng, đương nhiên sẽ làm tôi chú ý. Giọng văn nhẹ nhàng, cốt truyện không có gì quá đặc biệt, nhưng ẩn sâu trong đó là bao thông điệp khiến người đọc phải trăn trở...
Thái Vân, tên nhân vật chính của truyện, một nữ sinh viên đã phải mưu sinh với đủ thứ nghề và bất cứ thời gian nào để có tiền ăn học. Vân có chút tiếng Hoa và ngoại hình không quá tệ đã được giới thiệu vào làm một công ty người mẫu nhưng thực chất là một tiệm mại dâm trá hình. Cô được một đại gia tên Thìn bao bọc, thuê nhà và cung cấp đầy đủ mọi thứ và tất nhiên đáp ứng cả nhu cầu về tìnhh dục - cái mà bà vợ cả ở nhà đã không còn khả năng đáp ứng.
Nói về hoàn cảnh của Thái Vân, người ta dễ dàng gặp ở bất kỳ một tờ báo hàng ngày nào. Nhưng, độc giả vẫn xúc động bởi cô gái ấy dám sống hết mình, dám đứng lên, đấu tranh sinh tồn để có thể tồn tại. Sở thích mà cũng là khả năng của Vân là chụp ảnh, cô sinh hoạt câu lạc bộ Vespa, có nhiều bạn bè... và biết làm nhiều thứ: từ manger ở một tiệm áo cưới, rồi tới PR, décor cho một công ty thiết kế... Tất cả những điều đó, dù chỉ là mưu sinh nhưng vẫn thể hiện tinh thần vươn lên, sự cố gắng và khẳng định mình.
Khát khao là vậy, nhưng bị đẩy vào dòng đời nghiệt ngã, Thái Vân giống như con nhím, luôn xù lông bảo vệ mình và... chán ghét đàn ông. Cô mất niềm tin vào đàn ông. Việc đáp ứng "nhu cầu" hàng ngày của Thìn giống như một công việc được lập trình sẵn, một cỗ máy vô hồn không có cảm xúc. Mọi ý nghĩ về một tình yêu chân thành hay xa hơn là cuộc hôn nhân hạnh phúc dường như là một khái niệm mơ hồ, xa xôi với Vân. Dường như ở Vân không có niềm tin vào bất cứ thứ gì. Cô có thể cứng cáp, mạnh mẽ, xù xì gai góc nhưng bên trong ẩn chứa những mâu thuẫn không lý giải được và hơn thế là một tâm hồn yếu đuối, mong manh.
Nếu cốt truyện chỉ dừng lại ở đó, sức hấp dẫn của truyện có lẽ sẽ đơn giản như những bài phóng sự, tuy nhiên sự tài tình của ngòi bút Trần Thu Trang đã cho độc giả thấy bất ngờ. Thanh - một thanh niên du học, thành viên trẻ tuổi nhưng gạo cội của hội Vespa, xuất hiện khiến câu chuyện rẽ sang một hướng khác. Không quá vồ vập, tất cả giống như một sự tình cờ của ông trời sắp đặt, Thanh mang đến hơi thở mới cho câu chuyện. Quan tâm đến Thái Vân theo cách riêng của mình, âm thầm dõi theo và tìm hiểu mà không một lời than phiền, trách móc, Thanh khiến cho Vân đôi lúc cảm thấy tim mình đập trở lại. Nhưng bề ngoài, Vân chỉ coi Thanh là chú nhóc, không hơn không kém. Cô phũ phàng, lạnh lùng ném vào mặt Thanh những câu nói cay nghiệt.
Chi tiết hội nhiếp ảnh tập trung sáng tác ở Sapa - nơi quê của Vân đã là một chi tiết chứa đựng nhiều cảm xúc. Vân về nhà gặp lại mẹ, dượng, các em, sự xúc động không dừng lại ở đó khi cô chứng kiến gia cảnh nhà mình. Sự nhẫn nại chịu đựng đến mức nhu nhược của mẹ, sự đối xử ghẻ lạnh của cha dượng khiến cô không khởi rơi nước mắt. Chính trong cái đêm huyền ảo mây trời, gió núi đó, Vân đã kể cho Thanh nghe về hoàn cảnh nhà mình. Cảm động trước tất cả những điều Vân nói, Thanh đã ôm Vân. Tôi vẫn thường cho đó là cái ôm của tình người - cái mà trong xã hội bộn bề này luôn kiếm tìm như một thứ nước tinh khiết mà không phải nguồn nào cũng có.
Câu chuyện đến đây người ta cứ ngỡ là họ đã tìm ra nhau nhưng sự đời đâu có đơn giản như thế. Mẹ Thanh bất ngờ trở về sau bao năm ở trời Tây. Không được chồng đón nhận, dù rằng vẫn coi Thanh như đứa con cầu tự nhưng điều đó cũng không làm cho bà có cái nhìn thiện cảm với Thái Vân. Bà cạnh khóe và rêu rao đủ thứ, nhất là khi biết Vân có mối quan hệ với Thìn. Mẹ về, chăm sóc quan tâm nhiều hơn, dường như Thanh đã lãng quên Vân. Điều này khiến cho một người dễ tổn thương như Vân mệt mỏi, cô im lặng và chấp nhận. Vẫn làm việc và sống bình thường, cho đến khi cô nhập viện, phát hiện ra mình có thai và thấy được cái nhìn ghẻ lạnh xoi mói của mẹ Thanh, cô đã không chịu nổi và ra đi.
Trên chuyến tàu vào Nam, được một người chị xa lạ cứu giúp, Vân thoát khỏi cơn bệnh. Cô an tâm với vai trò họa sĩ và sống một cuộc sộng trầm lặng ở Hội An bao nhiêu thì Thanh lại lao đao bất nhiêu. Anh cùng bố đi tìm Vân khắp những nơi có thể nhưng bất lực. Chán nản thậm chí có lúc tưởng như chết đi nhưng trong con người Thanh vẫn dấy lên khát khao tìm được Vân. Tình yêu của Thanh, tôi cảm nhận, dù không thể hiện một cách sôi nổi nhưng nó âm thầm bền chặt. Và rồi, trên khắp nẻo đường còn lại, Hội An vẫn là nơi Thanh có thể dừng chân... Và rồi, mối linh cảm về nhau đã giúp họ gặp lại một nửa của mình.
Khó có thể đếm hết những giọt nước mắt mà họ dành cho nhau, nước mắt dành cho ngày gặp lại dẫu có chút mặn mòi nhưng thực sự ngọt ngào. Tình yêu vốn có những lý lẽ riêng của nó nhưng trên hết là niềm tin họ dành cho nhau. Rằng: Cái gì thuộc về mình, mãi mãi là của mình, còn không, dù có giành giật cũng không bao giờ có được. Ký ức đau buồn của Thái Vân có lẽ sẽ mãi mãi ngủ yên trong ngăn kéo quá khứ. Thanh - chàng trai hào hiệp, chân tình, biết yêu thương đã là những yếu tố sưởi ấm trái tim Thái Vân. Dường như họ sinh ra là để dành cho nhau vậy.
Tiểu thuyết đôi khi vẫn mãi chỉ là tiểu thuyết, nhưng Phải lấy người như anh thật sự là tiểu thuyết đáng để đọc. Nó giúp tôi có cái nhìn hoàn thiện về con người, rằng niềm tin là thứ pha lê nên người ta cần phải biết trân trọng và giữ gìn.
Và hơn hết, hạnh phúc đôi khi cũng thật mong manh vì thế hãy biết bảo vệ và nâng niu dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Vài nét về tác giả bài viết:
Hi all! Chúc các anh chị có giờ phút thư giãn sau những giờ làm mệt mỏi - Thi Lê.
***
Quà tặng của Sách hay:
Mời tác giả Thi Lê tới tòa soạn báo Ngôi Sao tại:
- Hà Nội: Tầng 4, tháp A, tòa nhà Hà Thành Plaza, số 102 Thái Thịnh, quận Đống Đa.
- TP HCM: 408 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10 (gặp chị Bảy)
vào 14h-17h30 các ngày trong tuần trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ để nhận sách tặng là cuốn tiểu thuyết "Cánh tiên" của Aprilynne Pike.