- "Đời cười 5" của Nhà hát Tuổi Trẻ chuyển từ truyện "Bến Oshin" của anh giờ vé đã được đặt mua đến hết tháng 5. Anh nghĩ sao?
![]() |
Nhà văn Hồ Anh Thái. |
- Tôi cười thoải mái với một số chỗ thông minh và hài hước của Đời cười 5. Nhưng tôi vẫn biết, đó không phải là kịch của tôi. Người ta mua bản quyền, rồi Nhà hát Tuổi trẻ "tự chế" một vở diễn mới theo cách sáng tạo của họ.
Có lẽ nếu lần sau có đề nghị mua bản quyền, tôi sẽ không bán mà tự viết lấy kịch bản. Như vậy thì kịch sẽ có nhiều cái “của mình” hơn. Tuy nhiên, tôi không phải là người quá ham hố chuyển thể truyện ngắn và tiểu thuyết của mình sang ngôn ngữ kịch. Có người đọc nói rằng, họ vẫn thích đọc Bến Ôsin hơn là xem trên sân khấu. Đấy cũng là một ý kiến mà tôi thích...
- Trong tình hình sách in ra 1.000 bản còn khó bán hết thì "4 lối vào nhà cười", tập sách mới của anh, phát hành chưa lâu đã bán được gấp nhiều lần con số ấy và đang được in lại. Nó còn được sân khấu khai thác tính hài kịch đậm đặc. Anh nghĩ thế nào về việc đó?
- Tôi lại chỉ nhìn thấy một sự trớ trêu: đất nước 80 triệu dân mà một cuốn sách mỗi năm bán được mấy nghìn bản đã có thể là hiện tượng phát hành. Đấy, nhà văn cứ viết về điều ấy đi, sẽ lại có thêm những truyện cười khác.
- Tại sao "4 lối vào nhà cười" của anh lại là Sinh -Lão - Bệnh - Tử, những khái niệm nhà Phật?
- Trong cuốn sách này, tôi chỉ muốn đưa ra trước người đọc một tấm gương lồi để họ soi vào và tự hỏi: Đấy là ta hay không phải là ta? Tôi cũng chẳng muốn làm cho ai phải khóc. Chỉ vì cuộc đời nhiều phiền muộn quá, thấy nhiều cái buồn thì phải tìm cách mà cười, vậy thôi.
- Giọng điệu hài hước có phải đang trở thành căn tính viết của anh?
- Tôi thích nhại giọng thị dân, đúng hơn là giọng tiểu thị dân, bởi vì hầu như người ta đang bê nguyên lối sống tiểu thị dân và quê mùa vào đô thị. Đáo để, chua chát, ác khẩu kiểu tiểu thị dân đang trở thành giọng điệu lấn át.
Nhà văn thì giọng điệu nào cũng nên thực hiện, phương pháp nào cũng nên sử dụng, nhân loại phát minh ra các loại công cụ là để cho con người sử dụng mà. Tuy vậy nếu có một cái gì đang trở thành “căn tính” thì chắc là tôi phải cân nhắc để thay đổi.
- Nhiều người đang bảo nhà văn VN hiện đại và cả các nhà phê bình văn chương hôm nay nên tăng cường chất duy lý trong cách viết của mình. Anh thấy thế nào?
- Ta chẳng thừa cái gì cả. Duy cảm một cách bản năng, bùng cháy mãnh liệt, ta cũng thiếu. Có thời, ta quá chú trọng phô diễn vốn sống thực tế mà coi thông minh là nhược điểm của người viết. Bây giờ phải viết cho một thế hệ người đọc lý tính hơn, có kiến thức văn hóa khoa học toàn cầu, chẳng nhẽ nhà văn không cần gia tăng lý tính?