Trò chuyện với Ngoisao.net, Peter Phạm nhận định sau hai năm Covid-19, thị trường điện ảnh Việt đang có dấu hiệu phục hồi nhưng đầu tư sản xuất phim lúc này vẫn khá rủi ro. Do ảnh hưởng bởi thực trạng tác phẩm thua lỗ năm trước, nhà sản xuất lẫn đơn vị đầu tư e ngại rót vốn. Đỉnh điểm sau quý I/2023, phim Việt vắng bóng tại rạp, lác đác chỉ vài dự án úp mở ra mắt cuối năm.
Anh cho rằng đầu tư, sản xuất phim ở Việt Nam hay bất cứ đâu đều khó khăn như nhau. Ngay cả bom tấn kinh phí khủng của Hollywood, Bollywood, Hàn Quốc... cũng khó tránh rủi ro. Chuyện thành bại không chỉ nhờ nội dung phim hay, đem lại cảm xúc cho khán giả, mà còn phụ thuộc loạt yếu tố như: thời điểm ra mắt, công tác quảng bá và tình hình kinh tế.
"Mọi việc sẽ ổn nếu chúng ta biết tính toán, chuẩn bị kỹ và chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy đến. Nói chung đầu tư điện ảnh là dám chơi, dám chịu. Khi nào mệt thì nghỉ, hết mệt lại chơi tiếp", Peter Phạm nói.
Đạo diễn gốc Việt tận dụng lợi thế, kinh nghiệm làm phim tại nước ngoài, bắt tay với các tên tuổi lớn quốc tế như Simon Kook, Sang Ho Entertainment... Ê-kíp của anh ở Việt Nam lẫn Mỹ tuổi đời khá trẻ nhưng nhiệt huyết.
Anh tiết lộ: "Tôi chỉ mong bản thân lẫn êkíp ngày càng hoàn thiện, chỉnh chu hơn trong từng tác phẩm. Chinh phục khán giả không phải chuyện đơn giản, chúng tôi phải cố gắng hết mình, làm tốt nhất có thể. Sở trường của tôi là các pha hành động và tìm cách kết hợp chúng trong cách kể chuyện, từ đó tạo khác biệt".
Peter nhận định cộng tác với ê-kíp người Việt tại Mỹ thường khó khăn, nhưng họ liều lĩnh, đam mê. Ê-kíp trong nước cũng nhiệt huyết, máu lửa không kém. "Môi trường làm phim ở Việt Nam khắc nghiệt hơn về giờ giấc, điều kiện sinh hoạt, di chuyển... Tuy nhiên, lợi thế các thành viên khá vui, 'lầy lội'. Đặc biệt, họ chửi thề rất nhiều. Làm nghệ thuật mà không vui, sao có thể làm được", anh cười nói.
Làm việc ê-kíp trong nước, Peter Phạm phải liên tục di chuyển giữa Mỹ - Việt Nam, cứ hơn một tháng, anh về một lần. Đạo diễn tiết lộ phải thu xếp công việc, gia đình và nỗ lực gấp đôi để mọi thứ hoạt động bình thường khi quay lại. Chưa kể do chênh lệch múi giờ (bên này thức - bên kia ngủ) và ngược lại, thời gian đôi bên bàn bạc khá hạn chế, những cuộc họp thâu đêm xảy ra như cơm bữa, ảnh hưởng sức khỏe đội ngũ.
"Các đệ tử hỗ trợ tôi phụ trách, quản lý câu lạc bộ võ thuật. Lúc đầu gia đình tôi không ủng hộ nhưng riết rồi cũng quen. Chỉ bản thân mình mới nhìn thấy giấc mơ và niềm vui trong công việc. Mỗi dự án phim thường mang cho tôi cảm xúc khác nhau, rất thú vị", anh nói.
Sắp tới, Peter Phạm trở lại với dự án hành động Domino, hợp tác Sang Ho Entertainment và đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương (Tino Nguyễn), quay tại Mỹ (Texas và New York). Anh chỉ đạo võ thuật, bên cạnh Simon Kook - đóng Ong Bak 2, Ip Man 3 và đội đóng thế Hàn Quốc ở Mỹ.
Peter Phạm sinh năm 1974, định cư tại Texas, Mỹ. Từ võ sư vịnh xuân quyền, anh rẽ sang nghiệp diễn viên hành động. Năm 2013, anh góp mặt trong dòng phim Indie (độc lập) ở Mỹ với vai trò chỉ đạo võ thuật kiêm đóng thế. Một năm sau đó, anh tốt nghiệp trường Dov Simens Film School.
Anh từng tham gia nhiều dự án Mỹ với vai trò chỉ đạo võ thuật kiêm diễn viên chính như: Naked Water - top 50 phim hay của HBO Mỹ, trong cuộc thi do Ben Affleck, Matt Damon chủ trì; T7 Formula - giải nhất phim hành động Rack Focus tại Dallas. Trong Code name dragon, anh chỉ đạo võ thuật cùng diễn viên, võ sĩ gốc Việt Cung Lê...
Đạo diễn từng hợp tác với loạt tên tuổi lớn trong dự án Việt như Chuck Norris - bạn thân huyền thoại Lý Tiểu Long; Cung Lê - võ sĩ, nhà vô địch MMA; Simon Kook - đóng Diệp vấn 3 cùng Chung Tử Đơn; Ron Smoorenburg - kết hợp Thành Long trong phim Who am I... Anh quen mặt với khán giả trong nước qua các phim hành động Võ sinh đại chiến, Đỉnh mù sương, Hoa phong nguyệt vũ...
Hiếu Châu