Một điểm chăm sóc trẻ và dạy tiếng Việt ở Moskva. |
“Em mang tiếng ở Moskva đã vài năm mà chưa biết đâu là Quảng trường Đỏ, chưa biết tàu điện ngầm…”, một chị giúp việc kể.
Người Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở Nga thường rất bận, ít có thời gian chăm sóc con cái. Bởi vậy những ai đã đưa cả gia đình sang Nga đều có nhu cầu thuê người giúp việc, từ giúp nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đến dạy dỗ con cái họ học tiếng Việt.
Có rất nhiều cách thuê người giúp việc. Anh Nguyễn Đình Lâm, làm việc tại ban quản trị của một trung tâm thương mại ở Matxcơva, cho biết: Người thì đón bà con họ hàng ở quê sang, người thì thông qua bạn bè giới thiệu, người thì qua một số "mối" chuyên cung cấp người giúp việc.
Cách đây 3 năm, chị Hằng chuyên làm dịch vụ ở Matxcơva, cũng đã thuê một phụ nữ tuổi trung niên quê Quảng Bình sang giúp vợ chồng chị trông con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Vợ chồng chị rất hài lòng về người oshin này. Bà dọn nhà cửa sạch sẽ, cơm nước tươm tất, thương trẻ nhỏ, biết cách chăm sóc và bảo ban chúng. Sở dĩ chị thuê được người giúp việc vừa ý là do thông qua một "mối" chuyên đưa người từ các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Nghệ An sang tìm việc làm tại Nga.
Mỗi lần "mối" này đưa sang khoảng 4-5 người theo visa du lịch với thời hạn từ 1-3 tháng. Để tới được nước Nga, họ phải bỏ số tiền khoảng 1.000 USD. Trong vòng 1-2 tháng đầu, những người mới ở Việt Nam sang được chủ "mối" cho ăn ở trong căn hộ của mình, cho đến khi tìm được việc.
Chủ "mối" khi thì đưa người sang theo "đơn đặt hàng" của các gia đình Việt Nam bên Nga, khi thì theo nhu cầu của người muốn tìm việc ở quê, sang Nga trước rồi tìm việc làm sau. Trong nhiều trường hợp, khi còn ở quê, hoặc trong số người thân quen đã có một người "xuất ngoại" rồi thì người nọ mách người kia. Cứ như vậy, lần lượt số người ra đi làm nghề giúp việc gia đình cùng xuất phát từ một làng, một xóm ngày càng tăng.
Theo Công An Nhân Dân, những đối tượng được các “mối” chọn làm oshin chủ yếu là phụ nữ, từ tuổi trung niên trở lên. "Những người ở độ tuổi dưới 40 thường không muốn làm nghề này lâu dài. Tôi từng thuê những oshin trẻ, nhưng họ cứ tấp tểnh tìm việc khác bớt tù túng hơn. Tâm tư của chị em trẻ cũng thường phức tạp hơn. Trong khi đó những phụ nữ trung niên lại rất chuyên tâm, bởi họ xác định làm một thời gian, kiếm được lưng vốn kha khá là trở về quê hương.”, chị Huyền Thư, một chủ hàng có kinh nghiệm thuê người giúp việc nói.
Thực tế cho thấy, oshin là người họ hàng của gia chủ xem ra có vẻ yên tâm và nhanh chóng tạo dựng được cuộc sống ổn định hơn. Thông thường, nếu gia chủ xuất thân từ các tỉnh lẻ thì họ thường đón người nhà ở quê sang giúp việc. Họ lo cho người giúp việc từ khâu gửi giấy mời, làm visa, mua vé và đón tận sân bay. Người giúp việc ăn ở tại nhà chủ, lương tháng trung bình khoảng 150-200 USD, chi tiêu vặt vãnh chừng vài ba chục USD, còn lại để tiết kiệm. Có những chủ nhà "thoáng" hơn thì trả lương cao hơn 200 USD và cũng không tính tiền nhà, tiền ăn trong đó.
Chị Hoa được người em họ bán hàng ở chợ Vòm đón sang Nga đã hơn 2 năm. Theo lời chị, tổng số tiền chi phí mà người em lo cho chị sang đây khoảng 1.200 USD. Chị đã thoả thuận sẽ làm việc không ăn lương trong nửa năm đầu để hoàn lại số tiền chi phí cho chuyến đi, từ sau thời gian đó mỗi tháng chị có thể dành dụm được 200 USD. Chị tâm sự: "Thu nhập 200 USD/tháng bằng với thu nhập của em làm nông nghiệp ở nhà cả một năm". Vì vậy những người phụ nữ nông thôn như chị Hoa đã phải rất cố gắng để vượt lên cảnh cô đơn, nỗi nhớ người thân với hy vọng sau vài năm sẽ dành dụm được một số tiền kha khá, lo cho tương lai con cái và phòng khi ốm đau lúc tuổi già.
Nhiều chị trông con nhà chủ lại nhớ đến con mình cũng ở độ tuổi tập nói, hoặc mẫu giáo vỡ lòng, chỉ còn biết âm thầm nuốt nước mắt vào trong và mong cho đến ngày "có chút vốn" hồi hương và được chăm sóc các con ruột của mình. Nhưng ngày ấy là bao giờ thì chính các chị cũng không thể biết rõ…