Liên tiếp những ngày sau, “cò” Đồng hết nhắn tin lại gọi điện hỏi hồ sơ làm xong chưa. Sau đó, bất ngờ “cò” Đồng gọi điện báo: “Em đã lên thành phố, đang ở nhà một người bạn ở bên quận Gò Vấp”, đề nghị gặp chúng tôi.
"Cò” Đồng (phải) cùng “thầy” Hồng . |
Địa chỉ gặp là một quán cà phê trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP HCM. Hỏi chuyện Đồng lên thành phố làm gì mà gấp gáp vậy, Đồng bảo lên lấy đầu máy kỹ thuật số, phần thưởng của một người dành cho Đồng sau khi làm xong bằng giả.
“Mồi thơm”
Vào cuộc bàn bạc, chúng tôi ngửa bài tẩy: “Cần làm khoảng 20 tấm bằng, mười của ĐH Công nghiệp, mười của ĐH Sư phạm kỹ thuật. Chủ yếu là các ngành cơ khí, chế tạo máy và công nghệ sinh học. Tất cả là 140 triệu đồng”. Nghe nói, thoạt đầu Đồng ngẩn người ra nhưng rồi cũng kịp trấn tĩnh lại: “Các anh thông cảm, vì “công danh sự nghiệp” nên thày kín lắm”. “Vậy thì thôi, chúng tôi tìm kèo khác giá cao hơn một chút nhưng yên tâm”. Thấy chúng tôi nói “cứng”, Đồng nhíu mày suy nghĩ và... móc điện thoại ra gọi, tiếng ò e í vang lên từ đầu dây bên kia. Vờ như sợ điện thoại của Đồng không có sóng, chúng tôi liền đưa điện thoại của mình cho Đồng gọi, nhờ vậy mới biết đó là số 0909142...
Đồng bảo: “Thày hay dùng số này lắm nhưng không hiểu tại sao lại tắt máy”, nói xong Đồng liền móc trong ví mình ra một sim điện thoại khác, lắp vào máy và gọi. Tiếng chuông điện thoại vang lên và Đồng bỏ đi chỗ khác để trò chuyện. Lát sau, Đồng quay lại nói: “Em qua trường gặp thày, em sẽ cố thuyết phục thày, các anh chờ nhé!”. Chúng tôi mất đến ba tiếng sốt ruột chờ chuông điện thoại của Đồng.
“Em báo tin vui, thày đồng ý gặp rồi. Ngày mai anh kiếm quán nào lịch sự vắng vẻ, trưa mai hai thày đến”, cuối cùng Đồng cũng gọi điện báo tin. Theo lời Đồng thì “thày Hồng bên ĐH Công nghiệp lo bằng công nghiệp và thày Lục bên ĐH Sư phạm kỹ thuật lo bằng sư phạm kỹ thuật”.
Ma mãnh
Địa điểm chúng tôi hẹn gặp “thày” vào lúc 11h, tại một quán nằm giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng chờ giờ G.. Một tiếng, hai tiếng trôi qua vẫn không thấy bóng dáng của hai “thày”. Ăn không dám ăn, uống không dám uống, chỉ ngồi chờ và... chờ. Hơn 1 giờ chiều, Đồng gọi điện thoại xin lỗi vì hai “thày” đều bận. Lộ rồi chăng, bao nhiêu hi vọng vừa lóe lên lại tắt đi.
Hôm sau, Đồng gọi điện nói: “Hai thày ngại gặp, sợ lộ”, đồng thời đề nghị địa điểm gặp tại Biên Hòa (Đồng Nai), vì thày Hồng đang giảng ở cơ sở 2 của Trường ĐH Công nghiệp ở Biên Hòa. “Khoảng 12h là gặp, anh nhớ đúng giờ nhé”. Khi chúng tôi chuẩn bị lên đường thì Đồng lại nhắn tin: “Hủy cuộc gặp ở Biên Hòa, sẽ gặp ở Sài Gòn vào buổi chiều”.
Tiếp tục chờ, tiếp tục đợi nhưng rồi Đồng điện tới cho biết: “Hai thày không muốn gặp, hai thày đề nghị cử một người đại diện đến gặp. Nếu đồng ý, người đại diện sẽ nói chuyện, nhưng không được nói chuyện liên quan đến bằng cấp”. Rồi Đồng than thở: “Hôm trước có người nhờ làm mười tấm bằng tại chức của ĐH Tôn Đức Thắng, cũng đề nghị gặp nhưng thày không cho. Vậy mà bằng vẫn làm xong có sao đâu, anh yên tâm đi”. Chúng tôi từ chối và nói rằng không hợp tác “làm ăn” nữa...
Hai hôm sau, chúng tôi như người buồn ngủ gặp chiếu manh, Đồng gọi điện báo cho biết thày Hồng đã đồng ý gặp ở địa điểm cũ.
Gặp “thày”
Lần này Đồng cùng “thày” đến sớm, ngồi bên một chiếc bàn kín đáo nhất trong quán, có cây xanh um tùm che chắn xung quanh. Cả hai thày trò cùng mặc áo màu trắng, “thầy” Hồng có gương mặt tròn trịa và giới thiệu mình quê ở Nghệ An, họ tên đầy đủ là Trần Mạnh Hồng.
Cảm giác đầu tiên về thày Hồng chính là... giọng hơi run, nói nhát gừng và hay liếc ngang liếc dọc. “Thày” Hồng kể rằng vào dạy tại Trường ĐH Công nghiệp đã lâu rồi, chủ yếu dạy ở cơ sở 2 của trường tại Biên Hòa. Nhà thày cũng ở Biên Hòa luôn nên thỉnh thoảng mới về cơ sở 1 để dạy.
Sau một hồi trò chuyện, hình như đã tin chúng tôi hơn, “thày” Hồng bắt đầu nói nhiều và cho rằng bằng giả là “làm ơn làm phước” vì nhiều người có năng lực nhưng không có bằng cấp nên không kiếm được việc làm, nhờ “thày” mà họ có chỗ kiếm sống, có cơ hội thăng tiến. Trò chuyện, “thày” Hồng luôn nhắc đến “trò Đồng” với sự tin tưởng và đề nghị mọi giao dịch nên qua người trò này. “Thày” Hồng còn kể có người được thầy làm bằng mà được đi du học ở Hàn Quốc, Trung Quốc và trở thành người thành đạt.
Khi nghe chúng tôi nói cần làm bằng gấp trong ba ngày, “thày” Hồng chấp nhận. Thế nhưng khi biết còn vài người chưa có chứng minh nhân dân thày cương quyết không làm. Chúng tôi bảo: “Thế thì chắc sẽ phải chờ lâu, vì có người phải về quê để làm chứng minh nhân dân”. Thày nhíu mày suy nghĩ: “Thế có giấy tạm trú tạm vắng không, nếu có cũng được. Nếu không thì có bất cứ giấy tờ nào có dán ảnh và phải có dấu giáp lai của chính quyền địa phương là được”, phải tuân thủ đúng qui định, vì đây là bằng gốc.
Sau cuộc gặp gỡ, chúng tôi xác minh và được biết tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng có một giảng viên tên là Trần Mạnh Hồng nhưng không phải “thày” mà chúng tôi gặp, đây là kẻ mạo danh. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng không có giảng viên nào tên Lục như lời Đồng kể. Rõ ràng Đồng và người mang tên “thày” Hồng là hai nhân vật trong một đường dây làm bằng giả.
'Bằng gốc' là bằng giả! Dù Đồng “quảng cáo” làm bằng giả có gốc từ các trường, tuy nhiên qua xác minh thì đường dây của Đồng chuyên “sản xuất” bằng giả hoàn toàn, không có gốc gác gì cả. Nhìn một bằng giả mà Đồng làm, chính hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Tạ Xuân Tề cũng phải thốt lên: “Sao mà giống chữ ký tôi thế, nếu đem lên trường chúng tôi công chứng chắc sẽ được thôi”. Còn bằng giả của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM mặc dù Đồng mới vừa làm xong, nhưng tên hiệu trưởng ký trên bằng lại là ông Phùng Rân, cựu hiệu trưởng trường này. Theo Đồng, thời gian tốt nghiệp năm 2005 nên phải ghi đúng tên cựu hiệu trưởng, chứ không ghi hiệu trưởng bây giờ. Các bằng CĐ Sư phạm Vinh, Trung cấp Cơ điện và thủy lợi Đông Nam bộ... đều được làm giả hết sức tinh vi. Điều đáng lưu ý là bằng do nhóm này cung cấp đều có hoa văn trang trí bên trong hoàn toàn đúng qui cách theo mẫu bằng của Bộ GD-ĐT, chỉ có một khác biệt là ngoài bìa của bằng có màu hơi sậm hơn so với bằng thật. Hầu hết các bằng này đều có chữ ký của trưởng khoa và hiệu trưởng, chữ ký được viết tay. Riêng bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính qui của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM là dễ dàng nhận ra “đồ dỏm”, bởi trường này vốn từ CĐ Công nghiệp 4 nâng cấp lên thành trường ĐH, cho đến nay vẫn chưa có khóa sinh viên nào tốt nghiệp hệ ĐH. |
(Theo Tuổi Trẻ)