Thái Hà
Tôi lớn lên với hình ảnh của ông ngoại trong tâm trí. Tất cả những tính cách cũng như cuộc sống của tôi đều có dấu ấn của ông ngoại. Tôi bỗng nhìn thấy hình ảnh ông ngoại hiện ra trước mắt mình. Ông ngoại của tôi là con người có đầu óc thực tế. Ẩn dưới vẻ ngoài nghiêm khắc, kiệm lời và lạnh lùng là một người vui vẻ, dễ tính, phóng khoáng và có tư tưởng rất tiến bộ. Và tôi hiểu niềm tự hào lặng lẽ của ông khi các con trưởng thành và bắt đầu cuộc sống riêng cũng như những điều trăn trở trong lòng ông.
Tôi thật may mắn được ở gần ông ngoại suốt tuổi ấu thơ và những năm tháng vào trung học. Những kỷ niệm từ thời thơ ấu đột nhiên xuất hiện. Có người ký ức về ông với họ chỉ là khoảng không trống trải. Còn với tôi, ông ngoại đã cho tôi biết bao kỷ niệm tuyệt vời...
“Ông tôi cho tôi cả thế gian này, khi ông tôi cho tôi tình thương của ông". Tôi là đứa cháu gái đầu lòng trong số mười đứa cháu của ông. Dù có giận dữ đến đâu hay cô đơn tận đáy lòng, ông ngoại cũng luôn tránh nặng lời để không làm tổn thương đến tôi. Bàn tay ông luôn đặt lên vai để động viên mỗi khi tôi cần.
Sức khỏe của ông ngoại giảm dần, và tuổi tác bắt ông phải ở miết trong nhà. Bệnh tật làm ông ngoại dần đánh mất những niềm vui trong cuộc sống. Bên cạnh việc suy giảm sức khỏe, ông dường như không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống nữa… Ông đã phải tự đấu tranh để sống còn trong thế giới đầy biến động. Tôi nhìn thấy ông ngoại đã mang sức mạnh của mình phục vụ cho sứ mệnh của sự quan tâm và chia sẻ.
Ảnh minh họa. |
Người đàn ông mạnh mẽ từng là trụ cột của gia đình giờ đây bỗng trở nên chậm chạp trong từng cử chỉ và vụng về trong mỗi bước đi. Tôi cảm thấy rất đau lòng vì điều này. Trong nỗi buồn còn có niềm lo sợ. Mỗi ngày trôi qua tôi càng nhận ra rõ hơn hình ảnh ông đã sống trong tôi nhiều thế nào, và cái bóng ông phủ xuống cuộc đời tôi mới vĩ đại làm sao.
Dường như nỗi đau buồn và sự mất mát luôn chực chờ đâu đó trên đường đời của mỗi chúng ta. Tình trạng sức khỏe của ông ngoại tôi càng lúc càng nguy kịch, khiến tôi cảm thấy mặt đất dưới chân dường như đang rạn nứt thành các khe lớn.
“Bác sĩ chẩn đoán sai rồi!”, tôi tự nhủ.“Chúng ta luôn còn hy vọng mà, dù mong manh nhất!”. Ông ngoại nằm trên giường bệnh, cánh tay yếu ớt đưa lên, bắt nhịp cho tôi hát. Chưa bao giờ tôi hát trong sự xúc động mạnh như vậy. Tất cả vang lên cùng một nhịp điệu, âm nhạc ngân dài, trải rộng và trở thành những cảm xúc thanh bình, xua tan bóng đen bệnh tật đang bao trùm bằng mối giao hòa của tình thương…
Ông là trung tâm của gia đình, là một điểm ổn định để tạo nên ý nghĩa và sự an toàn cho cuộc sống của con cháu. Hãy cố gắng vượt qua nỗi đau, chiến thắng bệnh tật với tinh thần lạc quan của ông nhé, ông ngoại của cháu ơi!