Trưa 4/4, sau phần trình bày của một số cựu lãnh đạo SCB, tỷ phú Hong Kong Chu Nap Kee Eric - tức Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) được nói lời sau cùng. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho mình được hưởng mức hình phạt thấp nhất có thể.
Ông Cơ nói, dù đã rất bình tĩnh nhưng vẫn không thể tin "cơn ác mộng mà gia đình phải gánh chịu". Ông không biết tiếng Việt, nhưng vẫn cảm giác vợ mình đang phải chịu trách nhiệm cho tất cả những sai phạm của SCB.
"Cảm giác xót xa với người vợ tào khang khiến tôi rất đau lòng. Giá như ngày ấy, tôi sát cánh cùng vợ hơn, đã có thể can ngăn bà tham gia vào việc hợp nhất cứu 3 ngân hàng. Dù đó là lời kêu gọi từ ai, thì giờ cũng không phải chịu cảnh gia đình tan tác", ông Cơ trình bày, thêm rằng bản thân là doanh nhân nước ngoài, vào Việt Nam "gặp người phụ nữ yêu quý, sinh những đứa con ngoan hiền", nghĩ như vậy là có thể yên ổn cống hiến. Nhưng chỉ vì "nước đi sai lầm" đã khiến gia đình rơi vào vòng tù tội với mức hình phạt nghiêm khắc.
Ông Cơ bị xác định giúp sức cho vợ, 2 lần ký biên bản HĐQT, đồng ý thế chấp tài sản của Công ty Times Square để bảo lãnh cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB 9.116 tỷ đồng. VKS ghi nhận bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, ăn năn hối cải, được Nhà nước tặng huân chương lao động, UBND TP HCM tặng nhiều bằng khen vì hoạt động tích cực phòng chống Covid-19 và từ thiện; không có tình tiết tăng nặng; nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 9-10 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan hành vi phạm tội, bị cáo Cơ giãi bày, tòa nhà Time Square là "đứa con tinh thần" mà ông dành nhiều tâm huyết tạo ra. Khi cần cho việc tái cơ cấu SCB, ông đã giao cho vợ, tin tưởng hoàn toàn mà không nghĩ việc này đem lại tai họa khôn lường. "Vợ tôi như con thiêu thân lao vào giông bão mà không lường được bao nguy hiểm đang đón chờ", ông nói và cho biết bản thân đã vô tình trở thành đồng phạm, nhưng dù vô tình hay cố ý cũng không còn thay đổi được mọi việc.
Theo bị cáo, vì yêu vùng đất này nên đã có nhiều hoạt động xây dựng và thiện nguyện, đặc biệt là cùng vợ chung tay lo toan cho đất nước vượt qua đại dịch Covid-19. Trong khoảng 20 phút trình bày, ông Cơ ít nhất hai lần xin HĐXX cứu xét cho vợ "được sống", thoát khỏi bản án nặng nhất; xin cho cháu (Trương Huệ Vân) sớm được về lo cho gia đình, con cái và tiếp tục khắc phục hậu quả vụ án.
Về phần mình, ông Cơ nói: "Tôi đã có tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều. Tôi sẽ dùng phần đời còn lại sát cánh với vợ để khắc phục hậu quả vụ án. Xin cho tôi cơ hội cứu vợ mình. Chỉ có sớm trở về tôi mới giúp vợ giải quyết được hậu quả. Chỉ có tôi mới làm được việc đó bằng những nỗ lực lớn nhất".
Cuối cùng, ông gửi lời xin lỗi đến vợ, vì để bà đơn độc trên con đường kinh doanh và đưa ra những quyết định rủi ro. Ông cảm ơn các cơ quan tố tụng, luật sư đã tạo điều kiện động viên tinh thần giúp ông vượt qua những lúc khó khăn nhất.
Trương Huệ Vân: 'Bài học quý giá nhất chỉ có được qua khổ đau'
Bị cáo Trương Huệ Vân cũng bày tỏ sự biết ơn các cán bộ trại tạm giam đã đối xử tốt, cảm thông và có tình thương với mình. "18 tháng qua, bị cáo học được vô số bài học quý giá. Bị cáo nhận thức bản chất của cuộc sống và nhận ra bài học quý giá nhất chỉ có được qua khổ đau. Sau tất cả, bị cáo sẽ là người tốt hơn, cống hiến nhiều hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật", cô nói.
Huệ Vân xin tòa xem xét khoan dung, giảm nhẹ hình phạt cho cô ruột - bà Trương Mỹ Lan, người cô gọi là mẹ; và các bị cáo khác. "Hôm qua bị cáo theo dõi lời sau cùng của cô. Người phụ nữ được biết đến không có nước mắt, tinh thần thép, nhưng dường như đã tan nát cõi lòng khi đứng trước HĐXX", Vân trình bày thêm.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng, bà Lan có thể có nhiều phương thức kinh doanh cá biệt không phù hợp, làm ảnh hưởng tiêu cực như mô tả tại tòa. Nhưng với cô, bà Lan cũng là người "luôn dạy bị cáo biết yêu thương con người, sống phải biết điều".
Cuối cùng, Huệ Vân xin HĐXX "mở hết lòng khoan dung vô lượng", xem xét cho thân phận pháp lý của bà Lan có cơ hội "được giải thoát khỏi cái chết".
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) sử dụng SCB như công cụ tài chính, đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Hôm 19/3, VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần nói lời sau cùng của các bị cáo còn lại.
Theo VnExpress