Sáng 15/10, ông chủ Facebook cùng vợ thông báo tặng 25 triệu USD cho quỹ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Texas, Forbes dẫn tin từ trang cá nhân của Zuckerberg.
"Dịch Ebola đang ở thời điểm bước ngoặt nguy hiểm. Đến nay đã có 8.400 người nhiễm bệnh, dịch tiếp tục lây lan rất nhanh và dự đoán có thể ảnh hưởng tới ít nhất một triệu người trong vài tháng tới nếu không được giải quyết", Zuckerberg nói.
Zuckerberg cho rằng cần kiểm soát dịch Ebola trong thời gian ngắn để nó không lây lan thêm và trở thành một cuộc khủng hoảng y tế kéo dài mà con người phải mất đến hàng thập kỷ để đối phó, như HIV hay bệnh bại liệt.
Vợ chồng Zuckerberg mong khoản quà tặng của họ sẽ giúp cho "những người thực hiện công việc dũng cảm ở CDC" ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và cứu sống những người bị lây nhiễm.
Theo ABC News, đại diện của quỹ thuộc CDC tuyên bố khoảng tiền ủng hộ của Zuckerberg sẽ được sử dụng để kiềm chế dịch Ebola ở Guinea, Liberia, Sierra Leone và các nơi khác trên thế giới. Tháng trước, Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft, tặng khoản tiền 9 triệu USD cho CDC.
Ngay sau khi phát hiện ca thứ hai lây nhiễm Ebola tại bệnh viện Presbyterian thuộc CDC hôm nay, nhà chức trách hạt Dallas cho hay họ lường trước khả năng có thêm các trường hợp khác.
Theo Clay Jenkin, cảnh sát trưởng Dallas, nữ y tá thứ hai vừa bị phát hiện nhiễm Ebola sống một mình và không có thú nuôi. Người này là đồng nghiệp của Nina Phạm, người Mỹ gốc Việt vừa bị lây nhiễm Ebola, do họ cùng tham gia điều trị cho Thomas Eric Duncan, người Liberia mang virus Ebola vào Mỹ qua đời vào tuần trước.
Các y tá Mỹ chăm sóc cho Duncan vừa tiết lộ họ làm việc trong nhiều ngày mà không có thiết bị bảo hộ phù hợp. Bệnh nhân này còn bị bỏ lại trong khu vực không hề cách ly ở khoa cấp cứu trong nhiều giờ. Có 76 người tại bệnh viện Presbyterian có thể đã bị phơi nhiễm với Duncan. 48 người khác đang được theo dõi vì tiếp xúc với Duncan trước khi anh ta nhập viện.
Khánh Lynh