NSƯT Quốc Trọng đảm nhận vai ông Lân, bố của Hạnh (Hồng Ánh đóng), trong Cây táo nở hoa. Ông là một trong những diễn viên phụ ấn tượng nhất của phim. Mỗi lần xuất hiện, ông luôn mang đến tiếng cười, sự nhẹ nhõm nhưng ngụ ý nhiều tình cảm gia đình sâu nặng.
Ông bố xéo xắt nhưng hóm hỉnh
Ông Lân là kiểu người già hay nhõng nhẽo, dằn dỗi như con nít; thích nói to, cư xử cộc cằn để gây chú ý và được con cái quan tâm. Ông hay nhiếc móc con rể, cằn nhằn con gái. Thực chất, ông lặng lẽ quan sát, lo lắng và thấu hiểu cho con cháu rất nhiều. Ông không biết cách bộc lộ tình cảm, chỉ quen giấu đi tình thương của người làm cha.
Ông Lân là một người cha tâm lý. Những lần Hạnh giận chồng bỏ về nhà bố, ông mắng Hạnh sa sả, mục đích là muốn vợ chồng cô gương vỡ lại lành, tránh vì những va chạm chị dâu - em chồng thường nhật mà đánh mất hôn nhân.
Khi mẹ con Hạnh bị gia đình chồng làm cho tức nước vỡ bờ, ông Lân không còn trách móc nữa. Một lần, Ngọc (Thái Hòa đóng) đến tìm Hạnh. Đang bữa cơm, ông Lân bảo với bé Phúc (con của Ngọc và Hạnh) rằng: "Ăn đi con, kệ chuyện người lớn". Ông nói với cháu ngoại nhưng cũng như nói với chính mình, bởi ông không muốn can thiệp sự riêng tư của các con.
Lúc Hạnh và Ngọc ly hôn, ông Lân hẹn gặp Ngọc, chỉ hỏi đúng một câu: "Cậu định ly hôn với con Hạnh thật hả?". Nghe con rể thừa nhận, ông không nói gì, cũng không tỏ thái độ, chỉ lẳng lặng bỏ về. Ông tôn trọng lựa chọn của con gái và con rể. Từ ngày ấy, ông Lân cổ vũ Hạnh tìm kiếm hạnh phúc mới, kiếm cớ vun vào cho tình cảm của Hạnh và người bạn theo đuổi cô. Với cháu ngoại, ông cũng ý nhị dò hỏi ý kiến của Phúc về việc mẹ đi bước nữa.
Sắm vai ông Lân, NSƯT Quốc Trọng diễn nhẹ nhõm, dung dị nhưng có độ sâu về ý tứ và cảm xúc. Thường khi xuất hiện, ông hay mang đến tiếng cười. Từ vẻ mặt, dáng đi, giọng điệu, ông làm toát lên chân dung của một ông già gốc Bắc xéo xắt nhưng chân thành. Ông từng gây ấn tượng với hai cảnh cãi vã - tâm sự giữa bố Lân và Hạnh trong tập 28, gây cười với tình huống "tán tỉnh" bà bán tạp hóa, mè nheo đòi các con cho ăn cua khổng lồ và chữa răng...
Những chiếc sơ mi rộng thùng thình in họa tiết lớn kiểu thập niên 1990 - 2000, những chiếc quần kaki và đôi dép được đoàn phim tìm kiếm tỉ mỉ từ các chợ đồ cũ góp phần tạo nên ông Lân qua hóa thân của nghệ sĩ Quốc Trọng.
Lần đầu rơi nước mắt
Hay mang đến tiếng cười, nhân vật bố Lân lần đầu bật khóc ở tập 55 của Cây táo nở hoa. Thấy Hạnh một mình chăm Ngọc bị ung thư, ông Lân quyết liệt phản đối. Ông đến tận nhà Ngọc bắt con gái về. Bề ngoài tỏ ra nóng nảy và không đồng tình với con gái, nhưng ông lại không giấu được vẻ bối rối. NSƯT Quốc Trọng xử lý nét diễn này đầy tinh tế, cho thấy ông Lân không ác cảm với Ngọc, chẳng qua ông quá thương Hạnh mà thôi. Ông sợ con gái vất vả như bản thân mình năm xưa chăm vợ mắc bạo bệnh. Hơn nữa, Hạnh khổ vì nhà chồng gần hai chục năm rồi, giờ đã ly hôn. Ông Lân không muốn con gái thoát được chưa bao lâu đã quay lại bể khổ.
Tuyên bố: "Sau này có chuyện gì đừng trách bố", vậy mà ông Lân ra đến ngoài đường đã lại áy náy. Suốt ngày ca thán các con không báo hiếu mình được con cua khổng lồ, cuối cùng ông lại là người mua món ăn này cho các con mình tẩm bổ trước. Lần đầu tiên, ông Lân thổ lộ tình thương ông dành cho con gái và con rể. Ông òa khóc khi nhắc lại ký ức người vợ ra đi năm xưa.
Đạo diễn bất ngờ tiết lộ rằng cảnh phim khác lạ và nặng tâm lý nhất này chính là cảnh đầu tiên NSƯT Quốc Trọng thực hiện cho Cây táo nở hoa. Theo kịch bản, ông Lân khóc một mình bên ngoài, không để con gái thấy. Nhưng nghệ sĩ Quốc Trọng và diễn viên Hồng Ánh đã đẩy cảm xúc rất mạnh. Đạo diễn quyết định giữ lại sáng tạo này của hai diễn viên.
Ngoại trừ cảnh phim này hơi mất thời gian, nghệ sĩ Quốc Trọng luôn nhập vai rất nhanh mỗi khi đến đoàn. Đạo diễn Võ Thạch Thảo và các diễn viên của Cây táo nở hoa đều ngưỡng mộ tài năng của NSƯT Quốc Trọng. Hồng Ánh là người duy nhất quen biết ông từ trước nên vào vai bố con với ông khá dễ dàng. Thái Hòa kết thân với nghệ sĩ Quốc Trọng nhờ sở thích hút thuốc giống nhau. Trương Thế Vinh thích cách diễn của ông vô cùng.
Đạo diễn kể về NSƯT Quốc Trọng: "Chú Quốc Trọng vừa là diễn viên giỏi vừa là đạo diễn thâm niên. Tôi thì nhỏ tuổi nghề và tuổi đời nên tôi càng phải kiên định cách làm việc để mình không bị 'dẫn lối'. Chú bảo tính tôi bị cứng nhắc nhưng yêu nghề và có tâm. Cái đó làm chú thương tôi. Hai chú cháu thương nhau lắm, toàn xưng 'bố - con'. Chú còn nói 'Sau này con có phim, chỉ cần con nói, bố sẽ có mặt'".
Xuân tóc đỏ kinh điển của màn ảnh Việ
Nhắc tên NSƯT Quốc Trọng, người ta vẫn nhớ về hình ảnh chàng Xuân tóc đỏ gầy nhom, trào phúng trong bản phim chuyển thể Số đỏ năm 1990. Vai diễn nổi tiếng nhất này thực tế đến với ông ở nửa sau sự nghiệp, lúc ông đã chuyển sang vị trí người làm phim. Vốn là phó đạo diễn của phim Số đỏ, nghệ sĩ Quốc Trọng tìm mãi không được diễn viên khiến đạo diễn ưng ý. Thế là, ông đánh liều tự tiến cử. Trước Số đỏ, nghệ sĩ Quốc Trọng khẳng định thực lực qua các phim Thị xã trong tầm tay, Tội và tình, Giông tố...
Ngoài vai trò diễn viên, nghệ sĩ còn thành công ở cương vị đạo diễn. Tác phẩm tiêu biểu của ông gồm Mùa lá rụng, Ngõ lỗ thủng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh... Ông hay đóng vai nhỏ trong các phim của mình.
Phong Kiều