Cách đây ba năm, nếu có người hỏi Ngô Vĩnh Hưng (35 tuổi, sống tại Cần Thơ) làm công việc gì, anh từng cảm thấy ngại khi trả lời là một ông bố toàn thời gian. Tuy nhiên hiện tại, anh đã quen với công việc của mình và vui vẻ nói: "Tôi sẽ ở nhà chăm con tới khi nào các bé đủ trưởng thành và không cần đến sự đồng hành của mình nữa".
Từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có nhiều cơ hội phát triển đến ông bố toàn thời gian
Vĩnh Hưng và bà xã Việt Thi kết hôn được 7 năm, có hai bé trai 6 tuổi và 4 tuổi. Hưng tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Ngôn ngữ Anh - trường Đại học Cần Thơ năm 2010. Anh từng được nhà trường giữ lại làm giảng viên nhưng từ chối vì muốn trải nghiệm nhiều hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhớ lại khoảng thời gian cách đây chục năm, Thi kể chồng từng thử sức với nhiều công việc khác nhau từ biên dịch, phiên dịch ở tổ chức phi chính phủ, làm hướng dẫn viên du lịch và thầy giáo dạy tiếng Anh. Có thời điểm thu nhập của Hưng tính bằng USD và là lao động chính của gia đình.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty du lịch nơi anh làm gặp khó khăn, hai con ở nhà giãn cách, ông bà lại có tuổi, không ai chăm sóc, Hưng quyết định bỏ việc để chăm con cho vợ yên tâm đi làm. Hưng cho biết giai đoạn đó anh phải đối mặt với những lời xì xào, định kiến đến từ bạn bè, hàng xóm và đặc biệt là gia đình hai bên.
Hưng kể, ngày nào bố anh cũng nói những câu không hay, mắng mỏ thậm tệ, cho rằng đàn ông không thể "ở nhà bám váy vợ". Ông bà lo anh ở nhà lâu dần mất mối quan hệ, mất kỹ năng giao tiếp xã hội. Không chỉ Hưng, Thi cũng bị áp lực khi mọi người nói chồng là "đàn ông mà lại ở nhà để vợ nuôi". Nhiều người nhìn vào còn tiếc thay vì chị "phải đi làm vất vả, cực khổ để nuôi chồng".
"Chúng tôi nghe rất nhiều lời bàn tán nhưng đều bỏ ngoài tai và kiên định với những gì mình đã chọn. Vợ tôi vốn là người thích ra ngoài gặp gỡ đồng nghiệp, sinh viên và khao khát phát triển sự nghiệp còn tôi lại có đam mê chạy bộ, tham gia các giải chạy, thích ở nhà chăm con, dạy con học nên việc đổi vai là hoàn toàn hợp lý", Hưng nói.
Làm bố đã khó, một người bố nội trợ lại càng khó hơn
Hưng vừa là cha, vừa là thầy dạy dỗ hai con học tại nhà với lịch sinh hoạt chi tiết và đặt mục tiêu cụ thể. Ban đầu anh phải nghiên cứu rất nhiều về cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ, dinh dưỡng, chế độ vận động, cách giáo dục con, các giai đoạn phát triển não bộ của bé. Sau 3-6 tháng, Hưng gần như thành thạo và áp dụng kiến thức vào việc chăm con.
Mỗi sáng, ông bố hai con thức dậy lúc 4h30 phút tập chạy. Từ 6h đến 7h, anh làm bữa sáng cho cả gia đình trong khi vợ chuẩn bị đi dạy học. Ngoài lo ăn uống, Hưng dạy con học, rèn luyện kỹ năng vận động tinh, tập luyện thể lực trong nhà và ngoài trời. Sau bữa ăn tối là lúc anh cùng các con dọn dẹp nhà cửa, đồ chơi.
Hưng kể dù đã có sự chuẩn bị và trao đổi thường xuyên, giữa hai vợ chồng vẫn không tránh khỏi mâu thuẫn, cộng với áp lực tinh thần từ phía gia đình khiến anh vô cùng stress. Khi đó, Thi dành cho chồng một không gian riêng, để anh suy nghĩ lại, sau đó hai người ngồi xuống nói chuyện, tự hỏi xem mình có đang đi đúng hướng hay không.
Hưng cho biết quãng khoảng thời gian ở nhà chăm con thực sự quý giá. Anh còn nhớ lần đầu dạy bé lớn tập đi xe đạp hai bánh, lúc đó con mới 4 tuổi, ai cũng ngăn cản, nói con còn nhỏ quá, dễ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, anh để con tự làm quen với xe đạp, anh ở bên hướng dẫn, quan sát, đảm bảo an toàn cho con, chỉ sau khoảng hơn một tuần, bé đã biết đi xe đạp hai bánh. Lúc đó, Hưng nhận ra rằng việc học của một con người xuất phát từ chính nhu cầu và phải chú tâm vào việc đó, cũng giống như việc học làm bố toàn thời gian, không chỉ các con tiến bộ mà ngay cả anh cũng thay đổi tích cực từng ngày. Bài học lớn nhất mà ông bố hai con học được sau ba năm là sự kiên nhẫn, kiềm chế được cái tôi và thấu hiểu cho vợ.
Hưng thừa nhận nếu vẫn quay cuồng với công việc, có lẽ anh sẽ không bao giờ hiểu được vai trò và áp lực của người vợ trong gia đình. Từ khi đổi vai, họ cảm thông và yêu thương nhau nhiều hơn. Hưng cho rằng trong mỗi gia đình, việc chăm con, kiếm tiền hay vun vén hạnh phúc là nghĩa vụ của cả hai người. Phụ nữ hoàn toàn có thể kiếm tiền, thậm chí làm rất tốt và ngược lại đàn ông cũng có thể khéo chăm con. Khi được hỏi "Anh có bao giờ thấy tiếc công việc văn phòng không?", Hưng nói mỗi một quyết định trong cuộc đời đều có ý nghĩa, chỉ cần làm tốt việc mình yêu thích là được.
Hiện tại, kinh tế gia đình ổn định, Hưng dự định tiếp tục ở nhà dạy học và chăm sóc các con. Dù không đi làm, anh vẫn tham gia các giải chạy, có nhiều nhóm bạn cùng chung sở thích. Cuối tháng 5, Hưng về nhất một giải chạy nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề định kiến giới.
Còn Thi luôn tự hào khi nhắc đến chồng: "Tiền thì mình có thể kiếm được nhưng một người chồng, một người cha chịu bỏ toàn thời gian để lo cho vợ con thì không phải ai cũng làm được. Tôi hạnh phúc khi được làm vợ anh".
Phạm Linh