Cách đây ít ngày, hình ảnh nam thanh niên cầm tấm một tờ giấy trắng khổ lớn, cùng dòng chữ viết tay, đứng trên đoạn đường Cầu Giấy (Hà Nội), khiến không chỉ người đi đường chú ý. Tấm bảng ghi: "Tôi vừa tốt nghiệp. Tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi thì liên hệ địa chỉ email...". Bức ảnh sau đó đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội với nhiều ý kiến ủng hộ cũng như chê trách.
Chàng trai tên là Phùng Đức Ninh (sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh), cử nhân trường đại học Điện Lực, vừa thi tốt nghiệp và đang đợi ngày lấy bằng. Ninh cho biết, mình xuất thân trong gia đình nghèo, có 3 anh em, trước đây học cao đẳng, sau đó liên thông lên đại học. Vì hoàn cảnh gia đình nên lúc còn đi học, cậu đã làm nhiều việc lao động tay chân giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên bản thân sức khỏe của Ninh không tốt, từng nằm viện 2 tháng.
Trong thời gian học liên thông đại học, Ninh đã lấy một cô vợ cùng quê, cả hai vừa đón cô con gái nhỏ cách đây ít hôm. Tuy nhiên, cũng chính niềm vui này đã khiến Ninh đau đầu với áp lực kiếm tiền nuôi con.
Ninh trả lời trên báo Đời Sống Pháp Luật: “Mình chưa có việc làm, cần có tiền để mua sữa cho con. Vợ mình vừa mới sinh nên không thể làm gì được, cha mẹ thì đều già yếu chỉ giúp đỡ được phần nào. Mình đang cảm thấy vô cùng bế tắc, không có hướng đi cho tương lai nên quyết định làm tấm biển xin việc mong doanh nghiệp nào đó cho mình một cơ hội. Nếu lâm vào bước đường cùng, có lẽ mình cũng phải chọn con đường làm công nhân để giải quyết gánh nặng gia đình, bỏ lỡ bao nhiêu năm đèn sách. Bản thân mình hoàn toàn không muốn phải đứng giữa đường để xin việc như này, tuy nhiên đây có lẽ là việc làm cuối cùng để mình có thể lo cho vợ con".
Khoảng thời gian học xong Cao đẳng, Ninh rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp thành phố xin việc nhưng không ai nhận. Ninh tâm sự mình từng làm việc cho Công ty Canon được 2 tháng, sau đó vì phải ôn thi tốt nghiệp nên quyết định nghỉ việc. Từ đó đến nay, Ninh phải làm những công việc lặt vặt như bưng bê nhà hàng để có tiền lo cho vợ con.
Sau khi thông tin về ông bố trẻ sinh năm 1990 được chia sẻ, nhiều người bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh của cậu, cũng như ngưỡng mộ sự hy sinh mà người cha, người chồng dành cho vợ con.
Bạn My Nga viết: "Thật cảm động. Cậu ấy làm vậy cũng vì đã vào bước đường cùng và cũng vì nghĩ tới vợ dại con thơ. Nhiều người đàn ông trên đời không dám dẹp bỏ sĩ diện để ra trường kiếm việc như anh ấy. Tôi nghĩ việc này không có gì là xấu hổ cả, trái lại, sau này bé con lớn lên sẽ tự hào vì cha đã dám làm tất cả vì mình".
Bạn Tiến cổ vũ: "Cố lên bạn ơi! Nếu là mình, mình cũng tìm mọi cách để lo cho vợ con. Có thể cơ hội chưa thực sự đến với bạn. Hãy bắt đầu bằng một công việc không đòi hỏi bằng cấp và dễ xin việc hơn. Chúc bạn sớm tìm được một công việc".
Bạn Quang Minh, xưng là chủ doanh nghiệp còn đăng thông tin "bật đèn xanh" cho Ninh: "Trường hợp anh bạn này dám đứng giữa đường để xin việc, cần sự giúp đỡ từ xã hội, bỏ qua sự sĩ diện bản thân, của người đàn ông vì lo cho con, đó không phải là hành động đáng chê trách. Tôi từng trải qua giai đoạn mà cả đối tác, anh em bạn bè, thậm chí cả gia đình còn không ủng hộ tôi... Hiện tôi là chủ doanh nghiệp, tôi sẽ nhận bạn này và giúp bạn nhanh có thu nhập để lo cho vợ con....", sau đó để lại tên tuổi và địa chỉ email.
Tuy nhiên cũng không ít ý kiến chê trách hành động cũng như cách thức "xin việc" của nam thanh niên này.
Bạn Diệp Lê chia sẻ: "Nhà tuyển dụng có phải là nhà từ thiện đâu, họ không quan tâm anh ta phải nuôi ai, có con nhỏ không. Họ quan tâm anh làm được gì cho họ. Anh này không có lòng tự trọng, lôi con cái ra để nhà tuyển dụng bố thí một công việc chăng? Nếu mình cần tuyển người thì đây là người đầu tiên mình loại".
Một số khác lại cho rằng, việc làm thì không xấu nhưng cách thức thực hiện thì chưa hay. Bạn Hậu Lê viết: "Mình không thích cái câu mà em ấy đã viết: 'Bạn cần tuyển tôi', tại sao em ấy không viết: "Xin hãy tuyển tôi". Như vậy nghe có phải thiện cảm hơn không và khi đó biết đâu đấy...".
Bạn Jos Nguyễn thì có quan điểm ôn hòa hơn: "Theo mình, mục đích của anh này hoàn toàn chính đáng, hành động cũng khá vì dám làm điều không ai làm, có lẽ do hoàn cảnh xô đẩy, bần cùng thì mới tới hành động này. Sức khỏe lại bệnh tật không làm thêm được việc nặng, mà mấy việc làm thêm như phát tờ rơi... thu nhập bấp bênh.
Dòng chữ trên bảng là thiếu sót mà nhiều người tập trung để trách và mất điểm nhất. Nếu khéo léo hơn chút nữa về câu chữ thì đã không thành tranh luận. Tóm lại, theo ý tôi thì ai có thể giúp được người ta thì giúp, bần cùng mới phải làm như vậy, có thiếu sót nhưng không nên lấy nó để lên án, người ta cần sự trợ giúp chứ không cần sự phán xét".
Hà Nguyên tổng hợp