- Chị từng tâm đắc với cuộc sống trong trang trại 12 ha ở Đồng Nai, vì sao quyết định chuyển cả nhà về lại thành phố?
- Gia đình tôi rời trang trại từ sau Tết, hiện sống nhờ căn hộ của người bạn ở Thủ Đức. Mùa hè, bản làng thiếu điện, nước, những nhu cầu cơ bản cũng không thể đáp ứng khiến sinh hoạt của lũ trẻ rất vất vả.
Ở đây, chúng tôi phụ thuộc nguồn nước bơm và lọc từ giếng khoan nên hễ mất điện là hoa màu héo khô, chết hàng loạt. Tôi thiệt hại hơn 10 hecta rau củ; chỉ những cây ăn trái, cây lâu năm như xoài, ô liu... mới duy trì được. Bên cạnh yếu tố ngoại cảnh, tôi chuyển các con về thành phố vì nhận thấy chúng khó thích nghi cuộc sống miền quê thiếu thốn vật chất.
Sau mấy tháng, bé lớn trở nên lầm lì, có dấu hiệu tự kỷ khi học lớp 6 ở trường huyện; 3 bé nhỏ không chịu đi mẫu giáo vì thấy mình khác biệt, lạc lõng giữa các bạn học là người dân tộc thiểu số.
- Trước đó, sinh hoạt của chị và các con trong nông trại diễn ra thế nào?
- Ngày nào tôi cũng "lùa" các con dậy từ 5h hơn để chuẩn bị 6h kém đi học. Bé lớn học trường huyện, cách nhà 13 km còn hai bé kế học trường làng, cách nhà 7 km.
Nếu có xe hơi, tôi chở các con một lượt còn đi xe máy sẽ phải chia hai chuyến. Sáng đưa đi - trưa đón về, chiều lại như vậy nên riêng việc đi học của lũ trẻ cũng khiến tôi mất mấy tiếng mỗi ngày.
Khi các anh chị đi học, ba bạn nhỏ lên 3, 4 và 5 tuổi ở nhà với mẹ. Chúng theo tôi ra vườn tưới rau, gieo hạt, thu hoạch hoa trái... Cuối tuần thì cả 6 đứa cùng lao động, học những kỹ năng sinh tồn, trồng trọt, chăn nuôi, hái lượm... Nông trại mát mẻ, không phun thuốc trừ sâu nên các con thoải mái trải nghiệm. Có điều chúng nói thích ở nhà làm vườn hơn đi học.
Tôi cũng trang bị các tiện nghi cơ bản ở nông trại, có người phụ nấu ăn, dọn dẹp. Trước đây ngoài cô quản gia, tôi thuê thêm 4-5 người làm nhưng sau này phát sinh khó khăn nên họ dần nghỉ hết.
- Chị nghĩ sao khi các con thích ở nhà làm vườn hơn đi học?
- Tôi mê nông nghiệp và muốn truyền tình yêu ấy cho các con. Tuy nhiên ngay từ đầu, tôi không chọn đưa 6 bé rời thành phố về sống trong vườn, mà vì hoàn cảnh. Tôi trót dùng tiền học của con mang đầu tư, khi khó khăn kinh tế buộc để các bé nghỉ trường quốc tế, về Đồng Nai học trường làng.
Trước đây tôi nghĩ đơn giản rằng "người khác sống được thì con mình cũng sống được", nhất là trẻ con có khả năng thích nghi tốt, nhưng tôi đã sai.
Cách dạy dỗ, truyền đạt kiến thức ở trường làng khác phương pháp con tôi được học trước đây. Bé không hiểu bài nên tỏ thái độ bất mãn, giáo viên cũng bức xức và gọi phụ huynh lên "mắng vốn".
Chưa hết, bé buồn bã, cô đơn vì không thể kết bạn nên ngại đi học cũng là điều dễ hiểu. Trước đây, lúc ở thành phố, con tôi luôn hoạt bát và thích đến trường.
Tôi trăn trở rất nhiều, tự hỏi mình đã 43 tuổi vẫn đăng ký học đại học từ xa, vậy tại sao chuyện học hành của con lại không cân nhắc kỹ hơn.
- Chứng kiến cuộc sống của 7 mẹ con giai đoạn đó, gia đình chị phản ứng gì?
- Tôi "khùng" mới kéo con về quê chứ ai cũng xót ruột hết. Bà nội, bà ngoại rất thương và lo cho cháu nhưng thấy tôi quyết định nên không dám cản.
Lúc tôi nói đưa bọn trẻ về Sài Gòn, mọi người rất mừng. Hai bên nội - ngoại nhiệt tình giúp đỡ tài chính, phụ vợ chồng tôi ổn định cuộc sống, xin học cho các con.
- Chị tính thế nào cho tương lai?
- Ba năm qua, tôi chỉ bỏ tiền mà không sinh lời. Có lúc soi gương trông đen nhẻm, lam lũ, tôi tự nhủ đây là chặng đường dài, phải kiên trì 5-7 năm nên muốn các con đồng hành.
Nhưng tôi sai rồi. Tôi phải rạch ròi được giữa lý tưởng của bản thân và cuộc sống, tương lai của các con. Ở xã hội văn minh, nếu lũ trẻ không học hành đàng hoàng, thiếu kiến thức thì thật tội nghiệp.
Sắp tới, tôi sẽ bán bớt đất, rút một số hạng mục đầu tư để mua nhà Sài Gòn. Khi các con ổn định việc học, tôi một mình về nông trại hoặc sáng đi - tối về chứ không đưa chúng đi theo như trước nữa.
Oanh Yến sinh năm 1986, quê Vũng Tàu. Cô đăng quang Hoa hậu Thế giới Toàn cầu 2015 tại Philippines. Sau khi sinh con thứ 5, cô tiếp tục dự thi và giành chiến thắng tại Queen of Beauty World 2019 (Nữ hoàng sắc đẹp thế giới). Người đẹp từng hoạt động trong làng giải trí với vai trò người mẫu.
Oanh Yến cùng chồng chuyển về sống trong nông trại ở ấp Suối Dzui từ năm 2020, khi Covid-19 bùng nổ.
Suối Dzui là một ấp vùng sâu thuộc huyện Định Quán, cách thành phố Biên Hòa khoảng 70 km.
Ban đầu, cô mang theo 3 bé nhỏ, để 3 bé lớn ở thành phố đi học rồi cuối tuần lên thăm. Hồi tháng 6/2023, cô đưa nốt 3 con về Đồng Nai do không đủ tiền đóng học phí trường quốc tế. Đến tháng 2/2024, cả nhà về lại Sài Gòn.
Nguyên Thảo