Ngày 23/2/1993, TAND Tối cao phạt Nhung 20 năm tù về tội tham ô tài sản XHCN. Trong thời gian thụ án tại trại cải tạo Z30D, năm 1994, Nhung bị bệnh. Ban giám thị tạo điều kiện cho Nhung tới nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.
Được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, việc đầu tiên là Nhung thông báo cho chồng biết. Ngay hôm sau, Đinh Đức Liên từ Đà Lạt vội vã tới TP HCM. Lúc ấy, một số người quen của vợ chồng Nhung - Liên không biết Nhung đang ở tù nên vào bệnh viện thăm. Trong số những người này, có chị Nguyễn Thị Giao (Tân Bình, TP HCM). Tin vào việc vợ chồng Nhung - Liên đang sở hữu một khách sạn ăn nên làm ra ở Đà Lạt, nay thiếu vốn nên chị Giao đã cho họ vay 175 triệu đồng.
Chuyện Nhung ở tù được hai vợ chồng giấu thật kín. Với những đã người biết chuyện thì Nhung nói rằng mình được tha vì bị "bắt oan", thời gian trong tù mắc nhiều bệnh nên phải vào viện chữa trị. Màn kịch này của Nhung - Liên khiến nhiều người mắc lừa, đồng ý cho hai người vay tiền làm ăn.
Khi làm giấy vay mượn, Nhung - Liên đều cam kết sẽ trả lãi cao, 8-9%/tháng. Thời gian đầu, vợ chồng này thanh toán rất sòng phẳng để chứng tỏ mình làm ăn có… uy tín nhưng sau đó "xù" luôn. Số tiền ấy, một phần chúng ăn xài, mua ôtô để đi lại cho oai. Số còn lại, Nhung - Liên mua căn nhà 184/21 đường Đặng Văn Ngữ (TP HCM) rồi tiếp tục vay mượn để sửa sang, nâng cấp, mà mục đích vẫn không ngoài việc dùng căn nhà để tiếp tục đi lừa.
Ngày 28/6/1996, Nhung - Liên gặp gỡ bà Mạc Thị Phương. Biết bà có tiền và đang tìm hướng làm ăn nên hai vợ chồng bèn ra sức quảng cáo cho khách sạn Thiên Thanh của mình ở 40A Trương Công Định, Đà Lạt. Họ nói đây là điểm kinh doanh lý tưởng, nhưng ngặt một nỗi nó đang xuống cấp nên nếu không kịp sửa sang lại sẽ mất hết thời cơ. Bên cạnh đó, Đinh Đức Liên bịa rằng căn nhà kế bên khách sạn, số 38, chủ nó cũng đang muốn bán. Nếu mua được và mở rộng thêm khách sạn thì chỉ ngồi rung đùi hốt bạc.
Bà Phương đồng ý dốc hết hầu bao gồm 1,4 tỷ đồng hùn vốn kinh doanh khách sạn với vợ chồng Nhung - Liên. Thực tế, năm 1990, khách sạn Thiên Thanh bị đem thế chấp để vay tiền của ngân hàng.
Ngày 4/2/1997, Nhung - Liên lại đem khách sạn trên ra thế chấp cho bà Hà Thị Lan lấy 210 lượng vàng. Cũng trong thời gian này, căn nhà 184/21 Đặng Văn Ngữ được Nhung - Liên thế chấp cho nhiều người. Phát hiện ra việc gian dối của hai vợ chồng, các chủ nợ đồng loạt làm đơn tố cáo. Liên bị bắt còn, Nhung nhanh chân trốn thoát.
Ngày 20/1/2000, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân ra xét xử. Biết Nhung chưa bị bắt, Liên đổ hết tội lỗi cho vợ: "Về số tiền nợ chị Giao, tôi chỉ biết có nợ 50 triệu đồng còn 125 triệu đồng vợ tôi mượn hồi nào tôi không biết...". Trước những chứng cứ cụ thể do người bị hại cung cấp, tòa tuyên phạt Đinh Đức Liên 15 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Sau khi Nhung bỏ trốn, lệnh truy nã "bà chủ khách sạn Thiên Thanh" được áp dụng trên toàn quốc. Ngày 13/8/2003, Nhung sa lưới pháp luật. Từ đó, kết quả điều tra cho thấy Đinh Đức Liên là đồng phạm rất đắc lực của Nhung, chứ không phải như những lời khai "tôi không hề hay biết vợ tôi mượn tiền để làm gì".
Ngày 19/4, VKSND tỉnh Lâm Đồng ra cáo trạng, truy tố Nhung - Liên về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân. Theo đó, từ năm 1995 đến 1998, Trương Thị Ngọc Nhung cùng chồng là Đinh Đức Liên dùng khách sạn Thiên Thanh để vay tiền nhiều người với lãi suất cao rồi chiếm đoạt luôn. Theo An Ninh Thế Giới, trong tổng số gần 4,3 tỷ đồng và 222 lượng vàng lừa đảo chiếm đoạt của các nạn nhân, Nhung - Liên cùng tham gia lừa đảo 2,415 triệu đồng và 222 lượng vàng. Số còn lại gần 1,9 tỷ đồng do Nhung một mình thực hiện.