Các nữ tù trong giờ lao động. |
Bà mẹ gần đây nhất của trại giam Phú Sơn 4 là nữ tù Đặng Thị Oanh, sinh năm 1962, quê ở Thạch Thất, Hà Tây. Oanh bị bắt năm 2004 vì tội môi giới mại dâm, bị tòa xử 13 năm.
Khi bị bắt vào trại, Oanh mang thai bốn tháng. Lẽ ra Oanh phải cùng các chị em khác ở đội 15, phân trại 6 xuống xưởng làm vàng mã nhưng khi biết Oanh đang mang thai tháng thứ 4, cán bộ quản giáo sắp xếp cho Oanh làm công việc quét dọn nhẹ nhàng và nếu mệt thì cứ việc nghỉ để dưỡng thai.
Ngoài ra, khẩu phần ăn Oanh cũng được nhà bếp ưu ái hơn. Cán bộ quản giáo tạo điều kiện để mỗi tháng một lần, Oanh được bác sĩ trong phân trại khám thai. Đến ngày Oanh vượt cạn, các phân trại trong trại giam đều có bệnh xá nhưng vì Oanh nhiều tuổi, thai to, sợ sinh khó nên trại điều hẳn một chuyến xe ô tô chở Oanh ra bệnh viện tỉnh Thái Nguyên, có bác sĩ và quản giáo đi cùng.
Oanh cho biết, trước khi đi đẻ, tâm lý của Oanh mông lung, rối bời và lo lắng kinh khủng, vì đây là lần tiên Oanh vượt cạn mà không có người thân bên cạnh như những lần sinh nở trước.
Mọi chuyện hoàn toàn khác khi những lời động viên, cái nắm tay thật chặt, ánh mắt khích lệ của bác sĩ và cán bộ quản giáo khi họ đưa Oanh vào viện giúp Oanh vượt cạn thành công. Một bé gái kháu khỉnh nặng 3,2kg chào đời oe oe khóc khiến Oanh bật khóc sung sướng.
Khi sức khỏe tạm bình phục, hai mẹ con lại được trại điều một chuyến xe ô tô đón về. Các chị em trong buồng giam với Oanh cắt cử nhau chăm sóc hai mẹ con chu đáo.
Cũng có thời gian ở cữ trong trại giam là nữ tù Nguyễn Thị Thanh. Khi sinh đôi hai con gái, Thanh mới 22 tuổi. Thanh vào trại vì tội giết người và thụ án 12 năm.
Thanh từng là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, Thanh được anh trai nuôi ăn học. Vì thiếu thốn tình cảm nên sau khi gặp tình yêu đầu tiên, Thanh yêu say đắm mặc dù biết anh ta nghiện ma túy. Với hy vọng cảm hóa được người yêu nên Thanh đồng ý cưới khi cô chưa đầy 21 tuổi.
Sau một thời gian chung sống, Thanh mới nhận ra sự thật cay đắng là chồng mình nghiện quá nặng và tình yêu của Thanh không đủ níu chân chồng mỗi khi anh lên cơn thèm thuốc.
Thanh phải bỏ học để đi làm, kiếm tiền duy trì hai bữa ăn trong nhà. Nhưng mỗi khi chồng cô lên cơn vật thuốc, đều vác của nả trong nhà mang đi cắm ký, thậm chí nồi cơm cũng bị chồng mang ra hàng đồng nát.
Khi trong nhà không còn gì để bòn mót, người chồng xoay sang nã tiền vợ. Một tối tháng 3/2004, trong một trận cãi lộn, vì uất hận do bị chồng đánh đập, Thanh tiện tay rút con dao dưới bếp vung lên tự vệ. Và chồng Thanh chết ngay trên ngưỡng cửa nhà mình.
Thanh bị tuyên án 12 năm tù giam. Nhưng đau đớn nhất đó cũng chính là ngày Thanh biết mình có thai. Thanh mang thai đôi, lại trong tâm trạng bất ổn nên các cán bộ quản giáo và chị em cùng phòng phải mất nhiều thời gian để động viên, an ủi.
Được mọi người quan tâm chu đáo, nhưng vì luôn bị ám ảnh hành vi giết chồng khiến con của Thanh nhẹ cân hơn những đứa trẻ khác. Bé Hà Thúy Hằng chỉ nặng 1,5 kg và bé Hà Thúy My nặng 1,9kg. Nhờ sự tận tình của các cán bộ quản giáo và sự đùm bọc của chị em trong trại nên hai con gái của Thanh lớn lên khỏe mạnh.
Gần đây do thiếu sữa và muốn dành thời gian chăm lo cho đứa em song sinh bé bỏng hơn, nên Thanh gửi bé Hà Thúy Hằng ra ở với bác. Khi gặp chúng tôi, bé Hằng hơn hai tuổi, rất ngoan. Mặc dù cơ thể vẫn bé hơn so với lứa tuổi lên hai của mình, cháu khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Nhà trẻ bất đắc dĩ
Trong gần 5.000 phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4, hiện có 1.239 nữ tù, nhà nước cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi không người nuôi dưỡng được mang theo con vào trại.
Nhà trẻ mẫu giáo trong trại giam Phú Sơn 4 từ đó cũng được thành lập để chăm sóc, dạy dỗ các cháu khi các bà mẹ ra ngoài lao động. Khu nhà trẻ nằm trên địa phận phân trại 6 của trại giam Phú Sơn 4. Theo quy định của lãnh đạo trại, nhà trẻ có trách nhiệm chăm sóc các cháu từ sáu tháng đến ba tuổi. Hiện nhà trẻ có 13 cháu (lúc đông nhất, nhà trẻ có 36 cháu).
Đến lớp học vào buổi chiều tà, các cháu đang ngồi tập trung ở phòng học nghe cô giáo Chu Thị Huế kể chuyện. Còn cô giáo Hoàng Hồng Hạnh đang lúi húi dưới bếp pha sữa cho các cháu ăn giữa giờ.
Nhà trẻ có đầy đủ điều kiện học tập và đồ chơi cho các bé. Cùng với hàng đống đồ chơi ở giữa phòng học như bóng, xe ô tô, bộ xếp hình cho bé trai, búp bê, bộ đồ nấu bếp cho bé gái là một chiếc ti vi 21 inch, một chiếc đầu video dành cho các bé xem hoạt hình và quảng cáo.
Cô bảo mẫu Huế cho biết các bé lắc đầu nguây nguẩy nhưng khi ngồi trước màn hình ti vi xem chương trình quảng cáo hay phim hoạt hình, các bé lại ngoan ngoãn há miệng để các cô cho ăn.
Trung tá Vũ Văn Duy, Đội trưởng Đội Giáo dục, kể trước đây, trại cũng có một nhà mẫu giáo nhưng quy mô nhỏ hơn và đặt trong phân trại 2. Nhưng đầu năm 2005, lãnh đạo trại quyết định dành khoảng đất đẹp, tách biệt khỏi khu trại giam để xây dựng một khu nhà trẻ mới khang trang với không gian rộng rãi, thoáng đãng, đầy đủ đồ chơi.
Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, yêu cầu về kiến thức, con người đối với các cô bảo mẫu cũng được lãnh đạo trại đặc biệt quan tâm. Hai cô bảo mẫu đang làm việc ở nhà trẻ đều có nghiệp vụ nuôi dạy trẻ.
Theo tiêu chuẩn của nhà nước, mỗi một cháu bé sống cùng mẹ trong trại giam đều được hưởng 120.000 đồng/tháng. Số tiền này được cô bảo mẫu Hạnh dành dụm để đi chợ lo sữa và thức ăn hàng ngày cho các cháu.
Cô Hạnh cho biết cũng phải lên lịch đi chợ giắt túi và kê những món ăn, thức uống hàng ngày cho các cháu vì lứa tuổi ở trong nhà trẻ không đồng đều. Cô giáo Hạnh cũng có hai con cùng lứa tuổi với các bé trong nhà trẻ. Cô không cho con đi trẻ ở ngoài xã hội mà cho luôn con vào lớp học của mình để chơi cùng với các bạn mà không hề có sự phân biệt.
Vì đặc thù làm việc trong trại giam nên hàng ngày, hai cô bảo mẫu phải đi làm sớm hơn các lớp học ở ngoài xã hội hơn một giờ đồng hồ.
Đối với các em bé còn bú mẹ, ban lãnh đạo trại cho phép bà mẹ giữa buổi về cho con bú và cuối buổi lao động được về sớm hơn nửa tiếng để lên nhà trẻ với con. Một cán bộ quản giáo già Đỗ Văn Tới hàng tháng đều trích một phần lương của mình ra cho các bé trong nhà trẻ.
Sở dĩ cán bộ Tới làm thế là vì ông trực tiếp quản lý và giáo dục đội 15 và đội 16, nơi có những cặp mẹ con nữ tù nên ông có điều kiện gần gũi và hiểu những tâm tình các học viên của mình.
Trong rất nhiều cặp mẹ con ở trong trại giam này, không phải nữ tù nào cũng được gia đình quan tâm, có nhiều nữ tù có thể vì nhiều lý do khác nhau mà vài năm ở trong trại vẫn không có người thân nào đến thăm nom, chia sẻ như trường hợp mẹ con nữ tù Thanh phạm tội giết chồng.
Thanh mồ côi cha mẹ, chỉ có anh trai ở xa xôi quá nên không có điều kiện thăm em. Gia đình nhà chồng giận Thanh gây nên cái chết cho con em họ nên cũng từ đó không đoái hoài gì đến con dâu và cháu nội của mình.
Được chứng kiến nhiều lần giây phút ấy, người cán bộ quản giáo Tới tình nguyện trích 50.000 đồng hàng tháng của mình dành cho các bé trong nhà trẻ. Cùng với tấm lòng nhân hậu này còn có các tù nhân đội 15, 16 của phân trại 6.
Từ khi nhà trẻ được chuyển từ phân trại 2 ra đây, những người làm trong tổ vàng mã này cũng tình nguyện trích một phần thu nhập từ việc làm vàng mã, dành cho các bé trong nhà trẻ với mong ước giản dị, sưởi ấm những tấm lòng tê tái của các bà mẹ khi phải gạt nước mắt ôm con vào sống trong tù.
(Theo Gia Đình & Xã Hội)