Một lần đi dự tiệc sinh nhật của người bạn ở "làng nướng" NB khá lớn đường Cách mạng tháng 8 (quận Tân Bình), chị Thuý Ngọc, ngụ đường Dương Bá Trạc (quận 8) đã "nôn ra mật xanh" vì chiếc khăn lạnh. Do đi đường xa cộng với tiết trời oi bức, chị nhận chiếc khăn nhân viên nơi này mang ra phục vụ và không ngần ngại mở ngay bao nylon còn đầy hơi lạnh để lau mặt. Cứ tưởng sẽ được tận hưởng sự "thơm tho và mát lạnh" như thường lệ, thế nhưng khi vừa đưa chiếc khăn lên mặt thì chị Ngọc đã phải chạy thẳng vào nhà vệ sinh nôn thốc, nôn tháo vì mùi tanh khó chịu bốc ra từ chiếc khăn. Mọi người ngồi cùng bàn tò mò mở khăn ra xem thì hỡi ôi "cả một vệt máu bầm đen còn in đậm trên khăn".
Còn ông Nguyễn Bá Huy ở đường Mai Văn Vĩnh (quận 7) bức xúc kể lại, một lần về quê ở Trà Vinh đi ngang qua địa phận huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông cùng gia đình ghé vào quán nước ven đường nghỉ ngơi lấy sức đi tiếp. Như mọi lần, sau khi chủ quán mang ra vài chiếc khăn lạnh, ông vớ ngay một cái "đập bốp" và đưa lên lau mặt thì phát hiện "có vết gì xanh xanh". Nhìn kỹ thấy đích thị chúng là "rỉ mũi". Đến nước này ông Huy đành phải ra lấy nước sông để rửa mặt.
Để tìm hiểu "công nghệ" làm khăn lạnh, gọi đến số điện thoại ghi trên bao bì của một cơ sở cung cấp khăn, kèm theo tên quán lẩu dê ở Ngã Năm Chuồng Chó (quận Gò Vấp). Trong vai người vừa mở quán nhậu ở quận 7 đang cần người cung cấp khăn để phục vụ cho khách, chúng tôi dễ dàng tiếp cận "lò" chuyên cung cấp khăn lạnh cho các quán ăn, nhà hàng ở đường Vườn Lài (quận Tân Phú).
Theo lời bà H., "lò" có khả năng cung cấp mỗi ngày khoảng 3.000 chiếc khăn. Cứ tưởng rằng "lò" của bà rất lớn, song khi đến nơi mới thấy "lò" này chỉ là một căn hộ ẩm thấp, dơ bẩn rộng chừng 12m2, bên trong đặt kín máy giặt, máy đóng bao bì, khung kéo lụa và vô số thau chậu chứa đầy khăn bẩn bốc mùi hôi thối, xem lẫn mùi hoá chất (mùi xá xị), thuốc tẩy rất khó chịu... Mỗi mẻ hàng trăm chiếc khăn bẩn được trút vào chiếc máy giặt cũ kỹ kèm theo khoảng 100g bột giặt, ba nắp nước tẩy và vài muỗng hoá chất tạo thơm.
Khi máy giặt báo hiệu đã giặt xong, hai nhân viên mình trần, chân đất lấy khăn ra thau rồi không cần phơi nắng hay hấp tiệt trùng, cứ hai người một thau chất đầy khăn "đua" nhau xếp, bất chấp chúng đã sạch hay chưa và đóng gói, theo địa chỉ giao hàng. Mỗi chiếc khăn mang đi bỏ mối giá chỉ 300 đến 500 đồng, nhưng tại các quán, chúng được ướp đá cho lạnh và mang ra phục vụ khách với giá 1.000-2.000 đồng/chiếc. Kể ra, khăn lạnh tiện thật. Nó chỉ dùng để lau mặt, lau tay mà khi nó đã khá bẩn thì người ta vẫn có thể sử dụng nó cho việc lau giầy.
Với mục đích mang lại cho người sử dụng sự thoải mái, vệ sinh trong những lúc ăn uống, đi đường gió bụi, giảm nóng bức chiếc khăn lạnh thật sự cần thiết và hữu ích. Thế nhưng, với cách làm như trên chẳng khác nào đã tiếp tay, tạo "ổ" cho các loại vi khuẩn phát triển và truyền mầm bệnh cho người sử dụng.
Trong khi ngồi chờ đồ ăn, xé gói giấy lạnh lau bát đũa. Nhưng lau đi lau lại vẫn không sạch, trái lại còn bẩn hơn vì càng lau bát đũa càng trơn và có bọt, lấy giấy thường thì dính toàn bụi nát ra từ miếng giấy. Chẳng còn cách nào khác, anh bạn tôi đành phải gọi chai nước suối để tráng...
Lần khác, cùng gia đình đến ăn tại một quán lẩu khá nổi tiếng trên phố Láng Hạ, trên bàn ăn ngoài hai "đĩa" khăn giấy lạnh nhìn đã thấy mát còn có một hộp giấy ăn trông cũng rất vệ sinh. Khi bóc khăn giấy ra lau thì hỡi ôi ngoài mùi bạc hà thơm mát còn thoang thoảng thêm cái mùi gì đó như mắm tôm. Giấy ăn để trong hộp trông sạch sẽ là thế nhưng mới cầm vào đã thấy mủn rơi ra trắng cả tay.
Anh bạn đi cùng nhanh miệng: "Đây là giấy mấy bà bán rong hay rao ấy mà. Giấy này dùng trong toillet còn không được nữa là dùng làm giấy ăn. Bẩn khủng khiếp". Đúng vậy, so với giấy vệ sinh thì loại giấy này còn thua kém xa.
Thật ra, đây là giấy tái sinh dùng trong toitlet, nhưng ngày càng nhiều quán ăn bình dân ham rẻ chuyển đổi công năng của nó. Họ mặc nhiên xem đây là một loại giấy sử dụng trên bàn ăn. Chủ quán đặt mỗi bàn một cuốn để trong hộp và thực khách lấy ra để lau mọi thứ... Nhiều quán tiết kiệm còn mua loại giấy vệ sinh kém chất lượng màu xám, nâu hoặc màu trắng nhưng mặt giấy nhám, loang lổ tạp chất để cho thực khách dùng.
Loại sản phẩm này đang được bán tràn lan, giá rất rẻ. Cô bạn quê Bắc Ninh cho tôi biết: "Ở quê cô có khá nhiều cơ sở sản xuất loại giấy này. Giấy phế liệu sau khi thu gom được đem ngâm, quấy thành bột. Sau đó, pha các hoá chất và phụ gia như phèn, nhựa thông, phẩm màu, xút... để tẩy trắng. Tiếp đó, thứ hỗn hợp kia được cho vào đun nấu, đổ ra khuôn ép và sấy khô thành giấy ăn nơi các quán phở, quán nhậu hay dùng... Thấy làm một lần chắc về cũng chẳng dám dùng trong toillet chứ đừng nói để làm giấy ăn...".
Một bác sĩ Viện Da liễu cho biết: Những "ổ bệnh thơm mát" và các loại giấy ăn này là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh ngoài da sinh sôi phát triển. Dùng khăn ướp lạnh tái sử dụng tại các hàng quán ăn để lau mặt là một trong những nguyên nhân gây lở rộp môi do virus herpes. Thậm chí nếu các cơ sở sản xuất cho vào giấy các loại hoá chất chống ẩm mốc rất có thể sẽ bị ung thư.
(Theo Tiếp Thị Gia Đình)