"Ấy ơi, Cốc ốm rồi! Nó bị... toét mắt hay sao ấy, cổ nó hình như lại bị ghẻ nữa, tróc hết cả da rồi!", Phượng lập tức vớ lấy điện thoại gọi cho thằng bạn cũng mê rùa than thở. Cốc là tên Phượng đặt cho con rùa cô nuôi gần một năm nay.
![]() |
Một giống rùa mới được đưa về VN khiến dân nuôi rùa xôn xao tìm hiểu. |
Một tiếng sau đó, hai đứa đã chụm đầu trên máy tính, vào mạng tìm thuốc chữa cho rùa. Lúc sau, cả hai đèo nhau ra Nguyễn Xí hỏi mua cuốn sách "Kinh nghiệm chữa 74 bệnh ở rùa" về "ngâm cứu". Về nhà, Phượng bắt đầu hì hụi "tắm" cho rùa, thay nước, cọ bể, nhỏ nước muối cho Cốc, rồi đi kiếm sỏi về kê cao để lấy chỗ cho rùa phơi nắng...
Phưọng thích nuôi rùa từ sau một lần sang chơi nhà ông chú trẻ, thấy bể rùa hoàng tráng, lổm ngổm 4-5 con rùa hiền lành, cứ đến giờ ăn là thò cổ khỏi mai nhóc nhóc cái đầu đòi ăn. Thằng cháu con ông chú Phượng mới học lớp 2 cũng thích rùa, tối đi ngủ cũng cho rùa lên giường, vào toilet cũng vác rùa theo. Thi thoảng rảnh rỗi, Phượng lại đến nhà chú, vui vẻ băm thịt bò cho mấy con rùa ăn, vuốt ve cái mai mát lạnh, chọc tức cho mấy con rùa thò cổ ra mổ trộm... Thấy thích cảm giác thư thái khi chơi với mấy con vật bé nhỏ, Phương nhờ ông chú trẻ đưa đi mua rùa.
Lượn hết mấy chỗ bán cá cảnh ở chợ Mơ, chợ hàng Da, Đồng Xuân, chợ Bưởi... cuối cùng Phượng cũng rước về được một em rùa có hai sọc vàng rất đẹp kéo từ tai đến mũi, giá 45.000 đồng. Chi thêm 60.000 đồng mua cái bể kính nhỏ với mấy hòn non bộ giả, Phượng bắt đầu nuôi rùa.
Mấy năm nay, nhiều người bị thú chơi rùa cuốn hút. Những con rùa chậm chạp khua nước trong bể thủy sinh hoặc lấp ló trong góc nhà khiến nhiều người cảm thấy thích thú. Bình Minh (nhân viên kinh doanh 26 tuổi ở Hà Nội), một người nuôi rùa đã 6 năm nay, cho biết: "Nhìn ngắm những con rùa thong rong, chậm chạp giúp tôi lấy lại sự thư thái sau một ngày làm việc bận rộn, hối hả".
Theo anh Minh, đối với những người yêu thích động vật nhưng nhà chật chội hoặc ít thời gian chăm sóc thì nuôi rùa là một sáng kiến thú vị. Những con rùa nhỏ, không ồn ào, hiền lành và sạch sẽ, dễ chăm sóc nên ai đã nuôi rồi thì rất mến nó. Nhiều người dù thích nhưng ngại nuôi rùa vì quan niệm rùa là giống chậm chạp, mang đến vận đen. Tuy thế, phong trào nuôi rùa một vài năm gần đây đã phát triển trở thành thú vui của những người đủ lứa tuổi, từ thiếu nhi, thanh niên đến người già...
Với Duy, 24 tuổi, hiện cùng cha mẹ điều hành một cửa hàng kinh doanh gạo bề thế ở TP HCM, thì nuôi rùa là một đam mê. Lúc nào trong nhà Duy cũng có gần chục con rùa to nhỏ đủ loại. Duy bảo cũng không biết chính xác vì sao lại thích nuôi rùa đến thế, nhưng mỗi ngày được tận tay chăm chút cho những con vật nuôi bé nhỏ, cứ đến giờ ăn là thấy cả lũ lóc nhóc kéo nhau ra, nhỏng cổ đòi ăn là thấy vui rồi.
![]() |
Con rùa vàng của Duy đang ăn bắp cải. |
Tại các cửa hàng bán cá cảnh, đồ thủy sinh và các chợ, rùa luôn là một mặt hàng khá đắt khách, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Với giá dao động từ 20.000 đến 60.000 đồng một con tùy kích cỡ... thêm vài chục nghìn mua thức ăn sẵn như Cargill (loại dành cho tôm hoặc cá con) hoặc hàng ngày mua tép con, cá con, rau quả... cho rùa là có thể bắt đầu thú vui này.
![]() |
Con rùa nuôi lâu to bằng... cái mũ bảo hiểm trẻ em. |
Dân nuôi rùa thường mua thịt bò về băm nhỏ cho ăn rất mau lớn. Như anh Minh nuôi một con rùa gần 8 năm, chăm toàn bằng thịt bò nên từ một con rùa to bằng 3 ngón tay, đến giờ đã to như cái mũ bảo hiểm của trẻ con, suốt ngày nằm thụt đầu thụt cổ trong góc nhà tắm, thụt đầu vào mà thịt lòi ra vì béo quá.
Theo Duy, rùa nuôi thường có hai loại rùa cạn và rùa nước. Rùa cạn chỉ ăn chay (rau, hoa quả) còn rùa nước thì ăn tạp, từ thịt, cá, rau quả, đến tôm tép, giun, ốc sên, dế... rùa nước chén tất. Rùa cạn nuôi chậm lớn, còn rùa nước thì lớn rất mau nếu được chăm. Rùa có loại hiền (như rùa vàng thường thấy ở Tam Đảo), loại dữ như rùa tai đỏ, rùa hộp lưng đen... lơ ngơ thò tay vào miệng nó cắn là chảy máu. Nuôi lâu, rùa quen người, quen nhà, rất nhanh nhẹn bò loanh quanh trong nhà bắt muỗi. Có người còn kỳ công dạy được rùa lúc đói biết đi vào bếp đòi ăn, mót "ị" thì ra gần miệng cống, sáng tự ra sân phơi nắng, tối vào chuồng ngủ...
So với thú chơi các loại cá cảnh và thủy sinh khác, nuôi rùa khá bình dân và ít tốn kém. Trong khi một con cá Rồng, cá La Hán giá lên tới vài triệu đồng một con thì rùa chỉ có 10.000-60.000 đồng một con. Nhiều người còn bắt được rùa trên núi nhân những chuyến du lịch hoặc mua ở Tam Đảo, Ba Vì.... với giá cực rẻ, chỉ vài nghìn đồng/con. Hàng ngày, chỉ cần bớt chút thức ăn của người hoặc rau quả còn thừa là đủ cho rùa sống khỏe.
Công phu nhất là xây dựng cho rùa một chỗ ở, nhưng cũng chỉ tốn chừng vài ba trăm ngàn, người nào chịu khó, khéo tay có thể tự tạo cho rùa một bể bằng xi măng hoặc bể kính, với sỏi, vài hang động cho rùa chui rúc hoặc gò cao cho rùa leo trèo, làm sao càng giống môi trường tự nhiên càng tốt. Duy cho biết vừa mua cho đàn rùa nước một bể kính giá 600.000 đồng và tự tay làm một cái hộp cho em rùa cạn... rất đơn giản mà rùa sống rất khỏe. Dù rùa là loại rất dễ nuôi nhưng nếu nuôi không đúng cách hoặc kém vệ sinh là rùa dễ bị bệnh và chết nhanh chóng.
![]() |
Bể kính nuôi rùa nước rộng rãi, có cầu thang để rùa leo lên "gò" phơi nắng. |
Dân nuôi rùa cũng thường xuyên lên mạng giao lưu, hỏi kinh nghiệm chăm sóc và khoe ảnh rùa, tuyệt nhiên không thấy ai chụp ảnh chung với rùa mang trưng cả. Hỏi Duy điều này, cậu bảo: "Nhiều người tuy nuôi rùa nhưng vẫn kiêng chụp ảnh cùng rùa vì sợ xui".
Bản thân Duy lúc đầu mang rùa về nhà, bị mọi người phản đối rất ghê, cho rằng giống rùa chập chạp, đen đủi, nhà làm ăn không nên nuôi. Ông nội thì bảo rùa là giống linh thiêng, không phải cứ muốn nuôi là được. Nhưng ông cũng bảo rùa tượng trưng cho sự vững vàng, cho tuổi thọ nên nếu nuôi thì cần chăm sóc cẩn thận, sẽ mang lộc cho gia đình. Thế là Duy nuôi rùa và rất vui vì sau đó trong nhà vẫn yên ấm, bố mẹ cũng không phản đối nữa. Tuy nhiên, sau một lần Duy nổi hứng chụp ảnh chung với rùa, vừa chụp xong, tự nhiên cái máy ảnh rớt cái ụp vào bể nước, tốn khá nhiều tiền để sửa, thế là từ đó Duy kiên quyết không chụp chung với rùa và hiểu vì sao nhiều người cũng làm vậy. Chưa hết, Duy còn kể, trước mỗi lần định chụp hình rùa, cậu đều phải "thông báo" trước: "Này, chụp hình mang đi khoe nha!".
Dân nuôi rùa hầu hết đều rất kị di chuyển rùa, mang đi xa (Duy ví như chuyện chẳng ai dịch chuyển ông địa hay ông thần tài trong nhà) và xui nhất là nếu rùa đang nuôi tự dưng lăn ra chết. Tất nhiên, với rùa, chết thì phải đem chôn cẩn thận.
284 |
Clip hai con rùa vàng của Duy đánh nhau vì giành ăn. Duy nuôi chung một con lớn, một con nhỏ, thức ăn cứ thả vào bể, con nhỏ ăn không lại con lớn nên gây sự, lấy mai húc vào con lớn lộp cộp. Thông thường, rùa cũng đòi hỏi phải có không gian sống đủ rộng để phục vụ nhu cầu... đánh nhau. |
Ngọc Hà