"Bà đỡ" Tiến. |
Tại chợ Ba Thá (xã Viên An, Ứng Hòa, Hà Tây), có một số người sống bằng "nghề"... nuôi bà đẻ sau đó "cho" đứa bé đi để kiếm tiền... hoa hồng. Công việc của những người này gây ra dư luận nhiều chiều. Người thì cho đó là việc làm nhân đức, người thì cho đó là hành động thiếu đạo đức.
Mới đây, phóng viên nhận được một lá thư nặc danh với vài dòng nguệch ngoạc: “Tại chợ Ba Thá có một người đàn bà tên Tiến nuôi rất nhiều phụ nữ có mang. Bà ta nhận họ về và nuôi họ trong căn phòng chật hẹp, nóng bức. Sau khi những phụ nữ này sinh, bà ta đem đứa trẻ đi bán để kiếm một số tiền rất lớn. Đây là hành động mất hết tính người. Tôi tin tưởng anh và báo cho anh tin này, đề nghị anh về điều tra làm rõ sự thật...”.
Chợ Ba Thá nằm bên dòng sông Đáy nước đen màu hắc ín và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tôi và nữ phóng viên báo Dân tộc và Phát triển trong vai vợ chồng hiếm muộn đi tìm con nuôi. Ngoài ra, còn có một nhà báo báo Điện tử Tổ quốc “hộ tống” trong vai em gái của “vợ” tôi.
Nhà bà Tiến nằm mặt đường, ngay đầu chợ Ba Thá, gần cây xăng. Đó là ngôi nhà mái bằng, khá kín đáo và bí hiểm. Trước nhà có bàn bi-a. Người đàn bà đang ngồi ôm cháu trên võng nhận mình tên là Tiến, mắt cứ liến láu nhìn chúng tôi từ đầu đến chân. “Vợ” tôi hỏi chuyện: “Có phải chị đang nuôi mấy bà chửa không? Cho em xem mặt để lựa chọn”.
Lập tức, bà Tiến chối đây đẩy và nói rất khéo: “Hai em thích nuôi con trai hay gái, để khi nào gặp được thì chị gọi cho. Chị không hẹn trước được đâu".
Khi tôi tỏ vẻ ngô nghê: "Sao nghe bảo chị đang nuôi 4-5 bà chửa trong nhà chờ đẻ?", bà Tiến chối ngay, bảo rằng: “Có mấy đứa cháu bụng mang dạ chửa đến chơi, làng xóm cứ tưởng tôi “kinh doanh” bà đẻ để bán trẻ con nên đồn đại vậy”.
Biết không “moi” được gì từ người đàn bà nhiều kinh nghiệm này, “vợ” tôi xoay sang kể chuyện của “vợ chồng” với khuôn mặt buồn rười rượi. Rằng, hai “vợ chồng” tôi cưới nhau đã 8 năm mà chẳng có được mụn con. Rằng tốn kém mấy trăm triệu bạc, chữa đủ cả Đông y lẫn Tây y, tiền bạc theo gót chân rải khắp từ Bắc đến Nam mà chẳng ăn thua gì, nên đành phải tìm đứa con nuôi về nuôi cho cửa nhà bớt cô quạnh. Kể hết chuyện nọ, sọ chuyện kia, rồi đến lượt bà Tiến cũng kể về mình.
Ngày trước, bà Tiến làm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định. Bản thân bà được chứng kiến nhiều cảnh trẻ sơ sinh bị vứt bỏ rất thương tâm.
Bà Tiến làm công việc chăm nuôi những đứa trẻ, tìm người xin con nuôi để cho, rồi làm thủ tục cho những trường hợp như thế. Có lẽ vì công việc kiểu như trên “vừa có đức vừa có lời”, nên bà Tiến đã bỏ Trung tâm Bảo trợ xã hội Nam Định về nhà và lập “trung tâm” riêng.
Trò chuyện một hồi, tin chúng tôi là vợ chồng hiếm muộn thật, nên bà Tiến không giấu giếm nữa. Bà kể rằng, tại xã Viên An có Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tây, nên thỉnh thoảng lại thấy cảnh những cô gái mang bầu mà không muốn nuôi con đến nương nhờ trung tâm, đẻ ở đó, rồi bỏ con lại cho trung tâm nuôi.
Tuy nhiên, hầu hết các cô gái có mang ngoài ý muốn đều ngại vào trung tâm vì ở đó có nhiều người ra vào, sợ gặp người quen, vả lại, ở đó sẽ phải khai đầy đủ tên tuổi, địa chỉ và hoàn cảnh của mình nên có thể bị lộ, do đó, “gạ” họ về nhà bà rất dễ dàng.
Bà nuôi họ tại nhà, sau đó liên hệ tìm người cần con nuôi để “cho” đứa bé. Ở nhà bà vừa kín đáo lại vừa được tiền nên các cô gái lỡ mang bầu chấp nhận.
Tôi bảo với bà Tiến: “Có cô nào là sinh viên, bị chửa hoang giới thiệu cho em thì tốt quá. Sinh viên có trình độ, được học hành nên sinh con sẽ thông minh, nuôi sướng hơn?”.
Bà Tiến kể: “Chỗ này gần Hà Nội nên có cả sinh viên về đẻ. Sinh viên giờ khiếp thật, một số đứa chẳng giữ gìn mới xảy ra chuyện “ăn cơm trước kẻng”. Có đứa đẻ xong, nằm nghỉ mấy tiếng, đi lại được liền gọi xe ôm về Hà Nội.
Cũng theo bà Tiến, những trường hợp đến nhờ cậy bà rất đa dạng và nhiều hoàn cảnh, song hầu hết là éo le. Năm nào cũng có một vài trường hợp bà đẻ là sinh viên. Tuy nhiên, mấy cô sinh viên chửa đẻ thường đắt khách, phải “đặt” trước và chờ khá lâu mới có được. Bà Tiến không nói ra, nhưng qua ý tứ biết rằng, để có được một đứa con của cô sinh viên nào đó thì phải chi phí nhiều hơn.
Bà Tiến cũng dặn dò rằng, hầu hết những bà mẹ chửa hoang hoặc không muốn nuôi con đều mang tâm lý rất nặng nề và gặp khó khăn về kinh tế, do đó, ảnh hưởng rất lớn đến đứa bé sau này. Để có được đứa con tốt, nên chăm sóc người mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Theo đó, khi “chấm” bà chửa nào, chúng tôi (tức khách hàng) cần phải thường xuyên gặp gỡ bà chửa để động viên tinh thần, hứa như đinh đóng cột rằng sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng đứa bé thật chu đáo và coi nó như con đẻ.
Để đứa con khỏe mạnh, phát triển bình thường phải chu cấp tiền bạc thường xuyên cho mẹ nó. Tốt nhất, chúng tôi phải liên tục trực tiếp mua đồ ăn thức uống giàu chất dinh dưỡng cho “mẹ nó” ăn. Rồi bổ sung sữa bà bầu, thậm chí nên bắt bà chửa ăn chục quả trứng ngỗng.
Bà Tiến khuyên nên đưa bà chửa đi thăm khám, siêu âm thường xuyên để biết được đứa trẻ phát triển ra sao. Đặc biệt, đến ngày "vượt cạn", “vợ chồng” chúng tôi cần phải xúm vào như người nhà, đưa họ đến bệnh viện có điều kiện tốt để họ sinh nở an toàn.
Sau đó, nếu muốn con được bú sữa mẹ và được sự đồng ý của cô gái thì tiếp tục trả công, chăm sóc cô gái để cô ta cho bú. Còn nếu nuôi con bằng sữa bột thì trả luôn cho cô ta một khoản tiền.
Bà Tiến khuyên rằng, không nên để đứa bé bú mẹ nó mấy tháng, bởi vì đã có trường hợp, khi chăm sóc con, tình cảm nảy sinh quá mạnh mẽ nên cô gái đã quyết định không "cho" đi nữa. Bao nhiêu công sức chăm sóc của cặp vợ chồng nọ coi như công cốc, chẳng lẽ lại đi cướp đứa trẻ, đi tù như chơi.
Bà Tiến cũng khuyên “vợ” tôi, không nên để “chồng” qua lại chăm sóc cô gái quá nhiều, dễ "mất" lắm! Rồi bà kể một chuyện xảy ra ở ngay xã Viên An. Có bà lấy chồng, mãi không đẻ được. Hai vợ chồng nhờ bà kiếm đứa con nuôi. Khi cô gái này mang bầu, ông chồng qua lại thường xuyên để chăm sóc cả mẹ và đứa bé trong bụng. Khi cô này đẻ, ông đưa nốt cô ta về làm bà hai. Không ngờ, mấy năm sau, bà vợ cả tịt mười mấy năm trời bỗng nhiên lại đẻ sòn sòn liên tục 3 năm 3 đứa. Bà hai cũng đẻ thêm mấy đứa nữa. Giờ đầy một nhà trẻ con.
Việc làm thủ tục cũng phải theo nguyên tắc của bà Tiến. Trước khi sinh, cần phải làm giấy tờ cam kết: người mẹ không được nhận lại con. Trong giấy tờ cam kết, khách hàng có thể được biết rõ địa chỉ của mẹ đứa bé, nhưng không được khai đúng địa chỉ của mình. Bởi vì, có nhiều trường hợp, một thời gian sau, bà mẹ thấy hối hận về hành vi của mình, đã tìm gặp bà Tiến để xin địa chỉ chuộc lại con. Nếu hoàn cảnh đó diễn ra sẽ rất "rách việc" cho cả bà và người nuôi đứa bé. Do đó, cứ khai liều địa chỉ, cô gái tìm không thấy, biết bị lừa thì đành chấp nhận.
Họ mà tìm thấy, đòi con không được quay sang bắt đền bà, tố cáo bà, rồi người nuôi đứa trẻ cũng bắt đền bà thì khốn khổ. Cứ khai bậy, lợi cả cho bà lẫn người nuôi đứa bé. Sau khi nhận con về, thủ tục mình làm thế nào ở địa phương thì tùy.
“Vợ chồng” tôi xoay đủ cách hỏi số tiền chi phí cho bà Tiến và mẹ đứa bé cụ thể thế nào để chuẩn bị, nhưng bà Tiến toàn lảng tránh.
Nhưng khi “vợ” tôi đề đạt bỏ mọi chi phí chăm sóc mẹ đứa bé, thăm khám, sinh đẻ, chăm sóc sau khi sinh và bồi dưỡng riêng cho mẹ đứa bé 20 triệu đồng, và biếu riêng bà Tiến 5 triệu nữa thì bà ta tỏ ra rất vui. Không hiểu thái độ này của bà Tiến là không coi trọng tiền bạc, làm việc vì tâm hay sự lõi đời nên kín miệng?
Khi tôi hỏi có cô nào trong nhà không để xem mặt thì bà Tiến bảo rằng mấy cô đều về quê hết rồi. Tôi lấy lý do đi vệ sinh rồi lần ra phía sau nhà.
Phía sau ngôi nhà mái bằng bí ẩn này có một ngôi nhà cấp 4, lợp phibrôximăng, gồm 2 phòng, một phòng khóa cửa, một phòng có 2 cô gái bụng to đang nằm trên giường.
Tôi bước vào phòng, một cô xấu hổ che mặt chạy mất, một cô ngồi thu lu vào góc phòng và cúi mặt trên đầu gối. Tôi gặng hỏi mãi mới thu thập được chút ít thông tin về cô gái này.
Cô tên T., quê ở tận Hòa Bình, 28 tuổi. Hiện T. đang làm ở tiệm cắt tóc, gội đầu ở thị trấn Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Tây). T. từng có chồng nhưng hai vợ chồng bỏ nhau và cô đang nuôi một đứa con 3 tuổi. Đứa bé trong bụng là kết quả của một cuộc tình ngang trái với người đàn ông đã có vợ.
Anh này lúc yêu T. thì hứa “lên bờ xuống ruộng” rằng sẽ bỏ vợ để lấy cô, thế nhưng, khi bụng T. to tướng, không thể nạo phá thai được nữa thì anh ta vẫn chưa thực hiện được lời hứa. Ngay cả gia đình cô cũng không đồng ý với cuộc hôn nhân này.
Được sự giới thiệu của một người từng đẻ ở nhà bà Tiến, T. đã đến nhờ bà bán giúp đứa bé để kiếm chút vốn làm ăn. Thực ra, trông hình thức T. cũng không được “sáng sủa” nên cũng khó bán con.
Bà Tiến bảo với T. rằng, nếu vài hôm nữa không liên hệ được với người xin con thì sẽ đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tây để đẻ và để con ở đó luôn.
Rồi T. bảo tôi ra nhà ngoài kẻo bà Tiến nhìn thấy chúng tôi trò chuyện sẽ không vui. Nói rồi T. bỏ đi chỗ khác, không tiếp chuyện tôi nữa.
Trao đổi với người dân ở quanh khu chợ Ba Thá được biết, nhà bà Tiến lúc nào cũng có mấy cô gái bụng to quẩn quanh ở trước nhà. Mỗi khi ra đường hay đi chợ các cô đều bịt kín mặt. Nói chung, chuyện nhà bà Tiến ra sao, người dân nắm được rất lờ mờ.
Một số người ngồi ở quán nước kể rằng, các cô gái lỡ mang bầu mà không muốn nuôi con thường tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tây nương nhờ. Bà Tiến và một số người ở chợ Ba Thá tìm cách gặp họ và gạ họ ra ngoài đẻ. Đẻ ở nhà bà Tiến sẽ có tiền nhiều hơn nên họ bỏ trung tâm ra đẻ ở ngoài.
Ngoài bà Tiến còn có 5 người khác ở chợ Ba Thá cũng làm cái việc khá kỳ lạ này, nhưng những người kia chỉ thỉnh thoảng mới kiếm được bà đẻ, còn bà Tiến lúc nào cũng nuôi vài cô trong nhà.
Tôi hỏi họ về chuyện tiền nong phải chi phí riêng cho bà Tiến ra sao, người thì bảo phải 5 đến 10 triệu, người lại bảo tùy tâm, chỉ cần 2-3 triệu là được. Nói chung, chuyện tiền nong rất mập mờ. Người thì bảo, bà Tiến làm như vậy là giúp các cô gái lỡ vướng vào chuyện bụng mang dạ chửa ngoài ý muốn.
Thực tế, nhiều trường hợp bà Tiến cũng khá vất vả, phải nuôi cả mẹ lẫn con ốm eo quặt quẹo. Rồi có lần bố cô gái bụng chửa còn vác dao đến nhà dọa giết bà Tiến vì tội chứa chấp đứa con gái hư. Bà không liều mình bảo vệ cô gái thì hai mẹ con họ khó bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, số người khẳng định bà Tiến đang làm cái việc bán trẻ con thì nhiều hơn.
Trong cái “nghề” kỳ lạ này, ranh giới giữa việc làm nhân nghĩa và thất đức rất mong manh. Thực tế, có rất nhiều cô gái trót mang bầu ngoài ý muốn, bị hắt hủi, không còn biết nương tựa vào đâu đã được bà giúp chỗ ăn, ở. Sinh con ra, không có khả năng nuôi dưỡng, lại có chỗ để cho con và có được một khoản tiền để sống, để làm lại cuộc đời, để bồi dưỡng sau cơn "vượt cạn".
Nếu việc làm của bà Tiến là hoàn toàn tự nguyện, vì cái tâm, thì có lẽ đây là việc làm tốt. Nhưng nếu đưa mẹ con đứa bé ra mặc cả tiền nong, rồi cò kè thêm bớt, lại chiếm đoạt, dù chỉ một phần nhỏ số tiền bồi dưỡng cho mẹ cháu bé của người xin con, thì hành động này lại biến thành trò buôn bán trẻ con hết sức thất đức, kiếm tiền trên nỗi bất hạnh của người khác.
Trước khi rời Ba Thá, tôi còn được nghe một câu chuyện. Trong làng có trường hợp 2 vợ chồng đều có bồ riêng nên quyết định bỏ nhau. Cả hai đều từ chối nuôi con, họ đẩy đứa bé kháu khỉnh cho người bà già nua, nghèo khổ nuôi dưỡng để theo đuổi "ước mơ riêng".
(Trong cuộc trò chuyện hôm đó, chính bà Tiến cũng giới thiệu cháu bé này cho “vợ chồng” chúng tôi, nhưng chúng tôi bảo cháu lớn quá, sau này lớn lên cháu biết chúng tôi là cha mẹ nuôi nên không đồng ý, muốn tìm cháu mới sinh).
Tuy nhiên, lúc ngồi quán nước, người dân kể rằng, trước hôm chúng tôi về đây một ngày, hai vợ chồng nọ đột nhiên quay sang tranh giành quyết liệt quyền nuôi đứa bé. Họ còn đánh lộn để giành lấy đứa bé. Thì ra, có một bà trong làng dẫn một người ở Hà Nội tìm con nuôi đến gặp cháu bé và chưa mặc cả gì người này đã trả 10 triệu đồng...
(Theo Công An Nhân Dân)