Hệ thống tạo lạnh cho trại gà. Trong ảnh: anh Ngọc - chủ trại gà tại Vĩnh Cửu. |
Trên đỉnh đồi ở Tân An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), anh Ngọc, một “đại gia” nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai, đưa tay chỉ xuống những dãy nhà khang trang nằm lặng lẽ dưới “thung lũng” nói với giọng đầy hào hứng: “Nếu tất cả trại gà công nghiệp đều áp dụng mô hình này và thị trường ổn định, không chỉ người chăn nuôi có thể “sống chung với... dịch cúm”, mà người tiêu dùng cũng an tâm do sản phẩm hoàn toàn sạch bệnh...”.
Dù đã được anh Ngọc giới thiệu trước về mô hình chăn nuôi này nhưng khách cũng bất ngờ khi bước vào khu vực chăn nuôi. Xung quanh trại nuôi là một không gian trong lành và yên tĩnh, không tìm thấy bóng dáng của các đàn... ruồi, không khí cũng chẳng “đậm đặc” mùi phân gà như ở những trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn từng được biết đến. Anh Ngọc cười, nói đó là đặc trưng của nuôi gà trong phòng lạnh.
Theo giải thích của anh Ngọc, “khí hậu” trong trại chăn nuôi được vận hành bằng cảm ứng nhiệt. “Tùy theo từng độ tuổi của con gà, người quản lý trại sẽ nhập nhiệt độ thích hợp vào hệ thống. Dù nhiệt độ bên ngoài có thay đổi, tăng hay giảm, hệ thống cảm ứng sẽ tự động điều chỉnh máy để đảm bảo nhiệt độ bên trong không thay đổi...”, anh nói.
Khi bắt đầu đầu tư vốn để xây dựng khu chăn nuôi này, rất nhiều người quen của anh đã... trố mắt ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ anh “đẻ” ra dự án để vay vốn. Tuy nhiên, sau hơn mười năm nuôi gà, anh Ngọc cho biết đây là quãng thời gian mà anh có thể “ăn ngon, ngủ yên” nhất, không còn phải “đau đầu” với nạn ô nhiễm mùi hôi hay ruồi nhặng cũng như đối phó với những... đơn kiện của dân cư trong khu vực như trước đây.
Gần đó là trang trại chăn nuôi của anh Long cũng được xây dựng không kém phần hiện đại. Theo anh Long, trong bối cảnh ngành chăn nuôi phải “sống chung với... dịch cúm”, mô hình chăn nuôi chuồng kín là chọn lựa bắt buộc nếu muốn tránh nguy cơ trắng tay khi dịch cúm gia cầm bùng phát.
“Sống trong phòng lạnh, đàn gà hầu như không bị lây nhiễm bệnh do được cách ly với chim trời có thể mang dịch bệnh”, anh khẳng định. Theo anh Long, hàng loạt hộ chăn nuôi gia cầm lớn ở Đồng Nai đã và đang bắt đầu chuyển sang mô hình chăn nuôi gà trong phòng lạnh, với khoảng 40-50 khu trại chuồng kín.
Mô hình chăn nuôi lớn nhất và hiện đại nhất VN hiện nay là trang trại chăn nuôi gà An Thịnh Phát (Long Thành, Đồng Nai), do một nhóm doanh nghiệp đầu tư, với sự hậu thuẫn của Tập đoàn chăn nuôi CP VN. Với tổng vốn đầu tư lên tới 30 tỷ đồng, quy mô đàn gần 1 triệu con mỗi năm, trang trại này không chỉ nuôi gà trong phòng lạnh mà hệ thống chăn nuôi từ quản lý trại đến cho gà ăn đều hoàn toàn tự động.
Đầu tư cao nhưng chi phí thấp
Được bắt đầu xây dựng từ giữa năm 2006, khu trang trại chăn nuôi gà trong phòng lạnh rộng đến 5ha của gia đình chị Võ Thị Ánh Tuyết (ở xã Phú Thanh, Tân Phú, Đồng Nai) đến nay vẫn còn là công trường ngổn ngang. “Vốn đầu tư ban đầu rất cao, tui chỉ xây dựng trước ba trại và đưa vào chăn nuôi, thấy hiệu quả nên tiếp tục đầu tư. Hai trại đang xây dựng sẽ hoàn tất trong 2-3 tháng tới...”, chị Tuyết nói.
Tương tự, ông Lê Văn Quyết (xã Tam Phước, Long Thành), một trong những người tiên phong đầu tư mô hình chăn nuôi gà trong... phòng lạnh, cho biết đang triển khai một khu trại chăn nuôi thứ hai với quy mô 50.000 con và sẽ tiếp tục xây dựng khu thứ ba cũng với quy mô này vào cuối năm nay.
Theo các hộ chăn nuôi, vốn đầu tư chuồng trại khi áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín rất cao, thấp nhất cũng vào khoảng 500 triệu đồng và cao nhất lên đến 1 tỷ đồng cho mỗi trại quy mô 10.000 con. Anh Long cho biết với năm dãy trại nuôi có quy mô tổng đàn 90.000 con/lứa, anh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng.
Trường hợp của anh Ngọc, dù thiết kế trại theo mô hình hai tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng cũng phải đổ hơn 7 tỷ đồng vào khu chăn nuôi quy mô 120.000 con. “Nếu không yêu nghề và không có... gan, chẳng ai dám đầu tư nuôi gà theo mô hình này do vốn đầu tư ban đầu quá lớn, chủ yếu phải vay ngân hàng. Thế nhưng, nếu tính toán một cách đầy đủ và dài hạn, chi phí nuôi gà trong phòng lạnh lại thấp hơn nhiều so với mô hình nuôi chuồng hở...”, anh Long khẳng định.
Cũng một quy mô đàn 10.000 con gà, theo tính toán của anh Long, vốn đầu tư ban đầu đối với loại chuồng hở vào khoảng 200 triệu đồng, nhưng thời gian sử dụng chỉ ba năm, hết thời hạn này phải xây lại trại. Trong khi đó, thời gian sử dụng của chuồng kín lên đến 10 năm, tính ra chi phí chuồng trại bình quân mỗi năm cũng xấp xỉ nhau.
Việc giữ môi trường xung quanh không bị ô nhiễm của trại kín cũng giúp người nuôi loại bỏ rủi ro phải bỏ trại... chạy lấy người như đối với loại chuồng hở, do gây ô nhiễm môi trường bị dân cư xung quanh phản ứng. Theo các hộ chăn nuôi, hiệu quả chăn nuôi gà trong chuồng kín cao hơn nhiều so với mô hình chuồng hở mới là yếu tố quan trọng để chấp nhận đầu tư vốn lớn.
“Cùng quy mô đàn, số lượng thức ăn và thời gian nuôi như nhau, nhưng số tiền gia công thu được đối với gà nuôi phòng lạnh cao gấp 2-3 lần so với nuôi chuồng hở...”, chị Tuyết khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ)