Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM tiếp nhận nhiều trẻ nước tiểu có cặn đục trắng, kết quả xét nghiệm cho thấy có oxalat canxi. Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận, chất này có trong nước tiểu chứng tỏ trẻ bị thừa chất canxi do ăn uống hoặc dùng thuốc. Một số bà mẹ mới thừa nhận, chỉ vì muốn trẻ cao hơn mà họ đã tự ý cho trẻ uống rất nhiều canxi.
Bác sĩ Nguyễn Bích Phượng, khoa Thận Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định, đúng là canxi có trong phác đồ điều trị cho những trẻ lùn do thiếu hoóc môn tăng trưởng hoặc do thể tạng. Tuy nhiên, dù là thuốc bổ thì canxi vẫn phải được dùng đúng liều lượng chứ không phải uống bao nhiêu tùy thích. Trẻ uống quá nhiều canxi sẽ bị táo bón, tăng canxi trong máu. Ngoài ra, khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải lượng dư thừa, lâu ngày sẽ bị vôi hóa thận. Còn trẻ uống quá nhiều vitamin D sẽ bị lên cơn co giật.
Nhiều bà mẹ thấy con mình lùn hơn so với các bạn cùng lứa đã hỏi bác sĩ xem có loại thuốc nào uống để cao lên không. Theo bác sĩ Bích Phượng, nhiều trẻ bị lùn do di truyền hoặc do mắc một số bệnh như loạn sản sụn xương, có bất thường về nhiễm sắc thể, bệnh đường tiêu hóa, tim mạch, gan thận, huyết học, tiểu đường, suy tuyến giáp, thiếu hormone tăng trưởng...
Với những trẻ bị lùn do bệnh lý, nếu phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời thì có thể cải thiện chiều cao. Trong trường hợp trẻ bị lùn do thiếu hoóc môn tăng trưởng, bác sĩ giúp trẻ tăng chiều cao bằng cách chích thêm hoóc môn. Ngay cả những trẻ không mắc bệnh lý gì mà có chiều cao thấp hơn so với biểu đồ tăng trưởng, nếu gia đình chấp thuận điều trị, bác sĩ sẽ chích hoóc môn tăng trưởng để giúp trẻ cao thêm.
Bác sĩ Bích Phượng nhấn mạnh, những trường hợp này được điều trị càng sớm càng tốt vì trẻ còn quỹ thời gian dài, hồi phục chiều cao tốt. Còn khi gần đến tuổi 18 mới đến bác sĩ thì xương đã đóng, dù điều trị tích cực đến mấy cũng khó thay đổi được chiều cao.
Bác sĩ thường khuyên các bậc cha mẹ nên có thói quen đưa con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi cân nặng cũng như chiều cao của trẻ. Trẻ dưới 2 tuổi nên đi khám mỗi tháng một lần, trẻ trên 2 tuổi có thể đi khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần. Khi biểu đồ tăng trưởng có vấn đề bất thường, các bác sĩ sẽ phát hiện sớm, tìm nguyên nhân và điều trị để nâng chiều cao cho trẻ.
(Theo Người Lao Động)