Ông Tạ Thú và chai nước váng mỡ, đục vàng mà gia đình ông phải dùng sinh hoạt hằng ngày. |
Theo ông Nhuận, Xóm Mới Bắc Cầu (tổ 25 phường Ngọc Thụy), từ 20 năm nay nghĩa trang Ngọc Thụy được tập trung về cánh đồng trước cửa nhà ông, cũng là từng ấy thời gian gia đình ông phải dùng thứ nước trên. Xóm Mới cách nghĩa địa chưa đầy 100m. Hiện người dân vẫn tiếp tục đưa người chết đến chôn tại nghĩa trang này.
Trước đây, cả phường Ngọc Thụy vẫn dùng nước giếng khơi chỉ sâu 3m. Sau khi nghĩa trang chuyển về thì nguồn nước ở đây ô nhiễm ngày càng nặng. Nước chuyển màu đen và có mùi thối khẳm. Mỗi khi đun nấu, trong nhà cứ phảng phất mùi nước cống. Lo sợ, không ai dám dùng nước giếng khơi nữa.
Ông Nhuận phải thuê người khoan giếng. Nước giếng khoan lọc qua giàn lọc tự tạo lại được đổ qua bình lọc nước bằng nhựa hoặc inox do các công ty sản xuất rồi mới dám đem dùng. Cứ sáu tháng ông phải vứt đi một bộ lọc.
Tất cả nước tắm, nước rửa rau, hoa quả, thực phẩm... của gia đình đều là nước đã đun sôi để nguội. Cứ 3-4 ngày nồi, xoong, ấm, chậu... lại được cọ rửa một lần mà cặn bẩn vẫn bám dày 0,5-1mm.Từ những năm 1990, các gia đình khác trong làng cũng phải chuyển sang dùng nước giếng khoan. Tuy nhiên, nước trong giếng ngày càng đục bẩn.
Tại đây có một số đơn vị khoan giếng sâu 58-70 m và dàn lọc lớn để lấy nước sinh hoạt. Một số hộ dân ở gần đã mua loại nước này về dùng. Ông Tạ Thú, người dân tổ 25, phải mua thêm nước nhưng lượng nước này cũng chỉ đủ để ăn.
Tháng 4/2004, ông đem cả hai mẫu nước đi xét nghiệm ở một cơ sở hóa nghiệm ĐH Sư phạm Hà Nội. Kết quả cho thấy mẫu nước giếng khoan trong nhà có tạp chất sắt, magiê, mangan, canxi, phốt pho... vượt quá tiêu chuẩn cho phép 27 lần.
Mẫu nước ông mua cũng có những tạp chất vượt quá con số cho phép gấp 7 lần. Nhiều người dân ở đây nói đã từng gửi những mẫu nước giếng nhà mình đi xét nghiệm, kết quả cho thấy tất cả đều không đạt tiêu chuẩn. Nguy hiểm hơn, nhiều giếng nước đã bị nhiễm mỡ như giếng của ông Nhuận tổ 25, giếng của các gia đình ở tổ 27.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự chậm trễ từ quá trình phê duyệt và triển khai các dự án cấp nước sạch cho các xã trên địa bàn huyện Gia Lâm. Theo ông Nguyễn Xuân Ban, phó chủ tịch UBND phường Thạch Bàn, đến tháng tư năm nay, chậm gần hai năm so với kế hoạch, nhà thầu mới thực hiện giai đoạn 2 (lắp ống nước và đồng hồ nước đến từng hộ gia đình) và cũng mới chỉ hoàn thành ở 1/14 tổ dân phố của phường Thạch Bàn.
Dự án cấp nước sạch cho phường Ngọc Thụy được UBND TP phê duyệt từ ngày 30/1/2004, thời gian thực hiện cũng trong năm đó, nhưng đến tận thời điểm này 100% người dân phường Ngọc Thụy vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm.
Ông Đàm Văn Huân, trưởng Phòng Xây dựng đô thị quận Long Biên, cho biết hệ thống cấp nước sạch cho phường Ngọc Thụy nằm dọc theo tuyến quốc lộ 5 kéo dài. Tuyến đường này lại đang thi công nên chưa thể lắp đặt đường ống dẫn nước. Các phường Cự Khối, Giang Biên và Phúc Lợi hiện vẫn chưa có dự án cấp nước sạch.
Một số cán bộ Phòng Xây dựng đô thị quận Long Biên khẳng định họ chưa hề nghe thấy sự phản ảnh nào về việc người dân Ngọc Thụy và một số phường khác phải dùng nước gần nghĩa địa.
Giải thích về việc tiến độ thi công hệ thống nước sạch ở Thạch Bàn chậm trễ, họ cho rằng người dân kêu giá lắp đặt nước máy cao quá và “nhu cầu chưa cấp bách lắm nên người dân chưa lo, vì mỗi hộ gia đình đều có nước giếng khoan, nước rất trong. Chính quyền đang phải lo vận động bà con dùng nước sạch”?
Ông Nguyễn Hữu Thanh, cán bộ phường Ngọc Thụy, cho biết phường có 5.420 hộ với khoảng 20.500 nhân khẩu, tất cả đều chưa bao giờ được dùng nước sạch. Ông Đàm Văn Huân, trưởng Phòng Xây dựng đô thị quận Long Biên, nói hiện nay quận còn 6/14 phường chưa có nước sạch.
Đó là các phường Thạch Bàn, Cự Khối, Ngọc Thụy, Long Biên, Giang Biên và Phúc Lợi. Toàn bộ số dân cư đang sinh sống bên ngoài tuyến đê bao và một bộ phận dân cư thuộc phường Đức Giang cũng chưa có nước sạch. Tất cả các phường này đều có những nghĩa trang nằm xen kẽ với khu dân cư. |
(Theo Tuổi Trẻ)