Sinh được ba người con, ông Thiện thương nhất Hiền, cô con gái cả đảm đang. Từ nhỏ, ông luôn chắt chiu tình cảm cho chị, lo lắng từng miếng cơm giấc ngủ, hay lúc ốm đau. Chị Hiền cũng hợp tính cha, chuyện gì cũng tâm sự. Đau đớn là con gái ra đi ở tuổi quá trẻ, 37. Chị Hiền bị chính người đàn ông từng má ấp tay kề ra tay sát hại bằng búa.
Ngày định mệnh của con gái ông Thiện xảy ra cách đây hơn một tháng. Chiều ngày 24/3, bé Thảo (11 tuổi) con gái của chị Hiền và Hải, sống ở phường Quang Trung, TP Hải Dương đi học về. Nhìn qua cửa kính, cô bé thấy mẹ nằm bất động. Khi mọi người sang, phát hiện chị Hiền nằm chết, cơ thể nhuốm máu. Gần đó, người chồng cũng đã treo cổ tự tử, trên tay là lá thư tuyệt mệnh. Trong lá thư, Hải nói lời chia tay với đứa con gái, xin lỗi con vì quyết định giết vợ rồi tự sát đã để cho con bơ vơ, không nơi nương tựa.
Sau vụ án mạng thương tâm, phóng viên Ngoisao.net đã tới nhà cha mẹ đẻ chị Hiền. Người cha rầu rĩ và bà mẹ khắc khổ rưng rưng nước mắt thắp cho con gái nén hương. Bà lầm rầm khấn trước di ảnh con đặt trên chiếc bàn thờ đối diện với cửa ra vào. Trên bàn thờ nghi ngút khói nhang, chị Hiền trông tươi tắn.
Trong tiếng niệm Phật phát ra từ chiếc cassette, vợ chồng ông Thiện - bà Nháng, mất một hồi mới tiếp chuyện với khách. Hôm nghe tin chị Hiền bị giết, ông Thiện đang trên xe ôtô vào Tây Nguyên với người con trai út. Buổi đó, anh trai ông gọi điện báo. "Nghe tin, tôi như rụng rời chân tay, không tin vào tai mình. Tôi còn hỏi đi hỏi lại", ông Thiện kể. Sau đó, ông hoãn chuyến thăm con trai rồi quay về quê tức tốc.
Đến sớm hôm sau, ông mới về tới Hải Dương. Gia đình ông đưa xác chị Hiền về nhà để làm ma chay, chôn cất. Hàng xóm ai cũng thương người phụ nữ bạc phận. Nhìn con gái lạnh lẽo nằm trong quan tài, ông Thiện không khóc được, còn bà Nháng thì ngất lên, ngất xuống. Suốt câu chuyện kể với khách, ông luôn miệng bảo "điều an ủi khiến tôi không đột qụy là con mất đi thế là hết khổ". Số phận con gái ông bà long đong vất vả từ lúc lấy chồng.
Năm 1996, chị Hiền lấy anh Nguyễn Văn Hải, mặc cho gia đình ngăn cấm. Chị về làm dâu trong một gia đình đông anh chị em, ngoài 4 chị gái, dưới anh Hải là 3 người em trai. Theo những người hàng xóm xung quanh, 3 người em trai của Hải đều đã chết, người chết vì nghiện, người bị dính HIV. Ông bà Thiện thương con nên vẫn phải làm đám cưới để con gái không tủi phận khi về nhà chồng.
Hai vợ chồng Hải thuê nhà nay đây mai đó, có lúc bôn ba vào tận Sài Gòn, Vũng Tàu làm ăn. Rồi không chịu nổi cảnh vất vả nơi xứ người, hai vợ chồng lại quay trở về Hải Dương. Hàng ngày, chị Hiền đi lấy trứng vịt lộn đổ buôn cho các quán ăn, nhà hàng trong thành phố. "Cuộc sống của chúng nó cũng không đến nỗi nào nếu chồng nó không sa chân vào cờ bạc. Thỉnh thoảng, con Hiền lại về vay tiền vợ chồng tôi để chuộc xe máy ra cho chồng", bà Nháng cho hay.
Người mẹ công tác bên ngành công an tỉnh và ông Thiện, người lính bôn ba trên chiến trường với nhiều thương tích, luôn mong muốn con gái có một cuộc sống khác nhưng đành phải chấp nhận. "Nó cũng ít tâm sự với tôi về cuộc sống của hai vợ chồng. Nhiều lần thấy nó mặt mũi thâm tím hoặc có vết sẹo, tôi hỏi thì nó bảo bị ngã...", bà Nháng lấy chiếc khăn lau nước mắt và bỏ lửng câu nói.
Theo ông bà, khi còn sống, Hải cũng là người hay ghen, có lần chị Hiền đã bị chồng đánh vào mặt, gây thương tích. Khi được hỏi, Hải cho biết đánh để vợ xấu xí, không ai còn theo đuổi, tán tỉnh. Chị Hiền bỏ về nhà mẹ đẻ 3 ngày thì chồng xuống nói xin tha thứ. Rồi chị cũng nghe theo lời khuyên bảo của bố mẹ mà bế con trở về nhà, mong vợ chồng đoàn tụ để con có cha, có mẹ.
Mong muốn lớn nhất của hai ông bà Thiện - Nháng hiện giờ là được nuôi đứa cháu ngoại côi cút. Ông Thiện bảo, bé Thảo vẫn còn ông nội nhưng già yếu và không có thu nhập, các bác lại kiến giả nhất phận, nên ông bà ngoại muốn đón cháu về.
Quang Việt